Cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho chuyển đổi số ngân hàng
ĐỂ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG TIẾP TỤC DIỄN RA SÔI ĐỘNG VÀ ĐẠT ĐƯỢC HIỆU QUẢ HƠN NỮA TRONG NĂM 2025, ÔNG LÊ NGỌC LÂM, TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (BIDV) KIẾN NGHỊ CHÍNH PHỦ, NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM, CÁC BỘ,
ĐỂ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG TIẾP TỤC DIỄN RA SÔI ĐỘNG VÀ ĐẠT ĐƯỢC HIỆU QUẢ HƠN NỮA TRONG NĂM 2025, ÔNG LÊ NGỌC LÂM, TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (BIDV) KIẾN NGHỊ CHÍNH PHỦ, NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM, CÁC BỘ, NGÀNH CÓ LIÊN QUAN TIẾP TỤC QUAN TÂM HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ, CÓ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH RÕ RÀNG VÀ ĐẦY ĐỦ TRONG LĨNH VỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ, CŨNG NHƯ BAN HÀNH KHUNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VỀ AN TOÀN, BẢO MẬT THÔNG TIN CHO CÁC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ NGÂN HÀNG SỐ.

Phóng viên: Năm 2024 đã đi qua, nhìn lại hoạt động của ngành Ngân hàng năm qua, ông có những cảm nghĩ gì?
Ông Lê Ngọc Lâm: Năm 2024 là một năm ghi dấu ấn thành công của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự biến động mạnh của các thị trường tài chính quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát như mục tiêu đã đề ra. Tỷ giá được duy trì ổn định, dù thị trường ngoại tệ thế giới có nhiều biến động. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm 2023, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
NHNN cũng 2 lần chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) đảm bảo nguồn vốn kịp thời cho sản xuất và kinh doanh. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng đạt được những kết quả tích cực. Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các giải pháp đồng bộ của NHNN đã góp phần đạt được mục tiêu ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới. Hoạt động chuyển đổi số cũng gặt hái những trái ngọt, khi ngân hàng tiếp tục là ngành đi đầu trong chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động ngân hàng…

Nhìn chung, năm 2024 là một năm thành công đối với ngành Ngân hàng Việt Nam, với sự ổn định và phát triển vững chắc trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức. Sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và sự hỗ trợ của các TCTD đã giúp ngành Ngân hàng đóng góp tích cực vào việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Phóng viên: Trong bức tranh chung đó, hoạt động của BIDV đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Lâm: Trong bối cảnh kinh tế xã hội trong nước và quốc tế còn một số khó khăn, thách thức nhưng với sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực phát huy tối đa mọi nguồn lực, triển khai linh hoạt, sáng tạo các giải pháp, hoạt động kinh doanh của BIDV diễn ra an toàn, thông suốt, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh do NHNN và Đại hội đồng cổ đông giao.
Kết thúc năm 2024, BIDV tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng và chiếm thị phần dư nợ tín dụng cũng như huy động vốn lớn nhất trong ngành. Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng tăng trưởng 15,3%, cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế; huy động vốn tăng trưởng trên 13%, phù hợp diễn biến tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn - hiệu quả. Các chỉ tiêu kinh doanh, chỉ tiêu tài chính bám sát lộ trình kế hoạch năm 2024, trong đó lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm trước; ROA đạt 1,02%; ROE đạt 19,09% hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 8,6%, các chỉ tiêu về an toàn hoạt động đảm bảo quy định của Nhà nước, tiệm cận thông lệ quốc tế. Ngân hàng cũng hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế năm 2022 trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, theo đó vốn điều lệ đến cuối năm 2024 là gần 69 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023. BIDV cũng là một trong 5 TCTD dẫn đầu thị trường về tài trợ các dự án xanh, với dư nợ trên 75 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 11,5% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, BIDV cũng đã lựa chọn đơn vị tư vấn để xây dựng chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG tổng trên thể toàn hệ thống.

Phóng viên: Năm 2024, BIDV được một số tổ chức quốc tế vinh danh là Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam. Ông có thể chia sẻ hành trình và kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi số tại ngân hàng?
Ông Lê Ngọc Lâm: Thành tựu “Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam” là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực không ngừng của BIDV trong hành trình chuyển đổi số toàn diện. Ngay sau khi NHNN ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN vào ngày 11/5/2021, BIDV đã tiên phong ban hành Chiến lược Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030 vào ngày 30/5/2021, với định hướng 4 trụ cột: (i) số hóa toàn diện 360 độ, lấy khách hàng làm trọng tâm; (ii) xây dựng hệ sinh thái số đa dạng trên cơ sở hợp tác toàn diện với nhiều đối tác; (iii) xây dựng văn hóa chuyển đổi số; (iv) làm chủ tương lai số hóa - chủ động làm chủ công nghệ, số hóa quy trình và nâng cao chất lượng dữ liệu. Sau hơn 3 năm triển khai, BIDV đã hoàn thành 231/299 sáng kiến Chuyển đổi số, chiếm tương đương 77% danh mục.

Với những đột phá trong phát triển công nghệ và chuyển đổi số, năm 2024, BIDV tiếp tục khẳng định năng lực làm chủ công nghệ, tự chủ trong việc phát triển các ứng dụng, phần mềm. Nhiều sản phẩm ngân hàng số vượt trội đã được cung cấp ra thị trường như: Ứng dụng thanh toán Ap-ple Pay, xác thực giao dịch bằng sinh trắc học, dịch vụ bảo lãnh dự thầu điện tử…
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ những kế hoạch/định hướng về chuyển đổi số của BIDV trong năm 2025?
Ông Lê Ngọc Lâm: Phát huy những thế mạnh và kết quả đã đạt được, BIDV sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số một cách quyết liệt, toàn diện và nhanh chóng. Một số nội dung trọng tâm BIDV dự kiến triển khai trong năm 2025 như sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị vận hành hệ thống CNTT và ngân hàng số, đặc biệt tập trung vào hệ thống Core Banking - “trái tim” của toàn bộ hoạt động ngân hàng, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định.
Thứ hai, triển khai các dự án phát triển phần mềm theo mô hình Nhà máy số - một bộ máy đa chức năng phối hợp liên tục và tập trung như “One team” để triển khai thúc đẩy các mục tiêu kinh doanh chiến lược, cung cấp các sản phẩm số đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng…

Thứ ba, năm 2025 là năm “về đích” của Chương trình hành động triển khai Chiến lược Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, BIDV xác định đây là thời điểm quan trọng để tập trung toàn bộ nguồn lực, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Thứ tư, nâng cao khả năng giám sát phát hiện lấy SOC làm trung tâm, áp dụng các công nghệ mới và tiếp tục xây dựng đội ngũ để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn các rủi ro về an toàn thông tin; chú trọng nâng cao khả năng phục hồi hệ thống trước các cuộc tấn công mạng và các mối đe dọa ngày càng tinh vi (tấn công mã hóa dữ liệu, xâm nhập trái phép, …) nhằm đảm bảo hệ thống luôn trong trạng thái hoạt động ổn định, liên tục 24/7.
Thứ năm, tiếp tục chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong các lĩnh vực then chốt như AI, Big Data, Cloud Computing, DevOps và an ninh mạng, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và triển khai Chiến lược phát triển CNTT.
Phóng viên: Để hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói chung, tại BIDV nói riêng đạt được những kết quả tốt hơn nữa, đáp ứng được các mục tiêu Chính phủ và NHNN đặt ra, BIDV có kiến nghị/đề xuất như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Lâm: Để hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói chung và tại BIDV nói riêng đạt được kết quả tốt hơn, đáp ứng các mục tiêu của Chính phủ và NHNN, BIDV đưa ra một số kiến nghị và đề xuất trọng tâm như sau:
Với Chính phủ, đề nghị có những chính sách ưu đãi, khuyến khích thanh toán số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, hành chính công, đặc biệt là trong các giao dịch với cơ quan nhà nước, cũng như, đầu tư phát triển các trung tâm dữ liệu quốc gia, hạ tầng điện toán đám mây quốc gia, nhằm hỗ trợ ngành Ngân hàng trong quá trình kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Với NHNN và các bộ, ngành, đề nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách rõ ràng và đầy đủ trong lĩnh vực chuyển đổi số ngành Ngân hàng, đặc biệt liên quan tới ngân hàng mở (Open Banking), thanh toán không dùng tiền mặt, các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech), quản trị dữ liệu và chia sẻ dữ liệu… NHNN cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành khung tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, bảo mật thông tin cho các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tập trung vào bảo mật dữ liệu khách hàng, mã hóa dữ liệu giao dịch… Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích để ngân hàng có thể ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động ngân hàng như phân tích, chấm điểm tín dụng, thẩm định khoản vay, tối ưu hóa quy trình vận hành, dự đoán xu hướng thị trường và cải thiện trải nghiệm khách hàng…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!