Khảo sát AmCham: 18% doanh nghiệp có hiệu suất kinh doanh vượt kỳ vọng
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh (AmCham) vừa thực hiện khảo sát “Cập nhật thị trường giữa năm 2025”, nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan về niềm tin của các doanh nghiệp hội viên đang hoạt động tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, chính sách thương mại liên tục thay đổi, cùng tiến trình cải cách trong nước vẫn đang diễn ra.
Khảo sát thu hút sự tham gia của doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực, gồm sản xuất, dịch vụ chuyên môn, logistics, bất động sản, năng lượng, du lịch, đến thực phẩm và đồ uống.
Hiệu suất kinh doanh trong nửa đầu năm và triển vọng nửa cuối năm 2025
Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy hiệu suất kinh doanh trong nửa đầu năm 2025 có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngành. Gần 1/5 số doanh nghiệp (18%) đạt kết quả vượt kỳ vọng, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực logistics, một số phân khúc sản xuất, cùng nhóm doanh nghiệp F&B quy mô lớn.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp đối mặt với thách thức: 29% cho biết kết quả thấp hơn kỳ vọng, trong khi 12% ghi nhận hiệu suất kém rõ rệt. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhóm doanh nghiệp dịch vụ chuyên môn quy mô nhỏ, các cơ sở giáo dục, cùng một số phân khúc trong lĩnh vực bất động sản.
Về triển vọng cho nửa cuối năm 2025, tâm lý chung vẫn nghiêng về sự lạc quan thận trọng. Cụ thể, 39% hội viên tham gia khảo sát có cái nhìn khá lạc quan, trong khi 32% giữ quan điểm trung lập. Chỉ dưới 10% thể hiện mức độ lạc quan mạnh mẽ đối với triển vọng trong ngắn hạn. Kết quả này phản ánh một môi trường kinh doanh đang kỳ vọng vào sự phục hồi, nhưng vẫn duy trì tâm thế thận trọng trước những thách thức kinh tế còn tiềm ẩn.
Biến động về nhân sự và doanh thu
Xu hướng về nhân sự nhìn chung vẫn duy trì sự ổn định: 61% doanh nghiệp cho biết số lượng nhân viên đã tăng (45%) hoặc được giữ nguyên (16%), trong khi chỉ 9% báo cáo có cắt giảm nhân sự. Kết quả này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn đang hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn, ngay cả khi hiệu suất doanh thu trong ngắn hạn còn chưa thực sự đồng đều.

Về xu hướng doanh thu, bức tranh vẫn còn nhiều đan xen. Hơn một nửa số doanh nghiệp (52%) ghi nhận mức doanh thu tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi 29% đối mặt với sự sụt giảm. Ngành sản xuất chiếm tỷ trọng đáng kể ở cả hai nhóm: một số doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ xuất khẩu gia tăng, trong khi số khác vẫn chịu tác động từ lo ngại về thuế quan cùng biến động trong chuỗi cung ứng.
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam: Xu hướng tích cực, nhưng vẫn còn thách thức
Khi được hỏi về đánh giá tổng thể đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam, 37% doanh nghiệp cho rằng tương đối tích cực, 30% có góc nhìn trung lập. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận những tiến bộ gần đây trong cải cách hành chính, đặc biệt là nỗ lực giảm thiểu thủ tục giấy tờ và đẩy mạnh ứng dụng chính phủ số.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến phản ánh về các thách thức tồn tại, như việc thực thi chính sách còn thiếu nhất quán, quy định còn mơ hồ, cùng sự phối hợp hạn chế giữa các cấp chính quyền địa phương.
Thuế quan: Mối quan ngại hàng đầu
Mối quan tâm lớn nhất của đa số doanh nghiệp hiện nay vẫn là tác động tiềm tàng từ chính sách thuế quan của Mỹ. Hơn một phần ba (36%) cho biết họ vô cùng lo ngại về vấn đề này, trong khi 41% còn lại tương đối lo ngại. Nhiều doanh nghiệp nhận định rằng các chính sách thương mại của Hoa Kỳ đang có tác động nhất định hoặc thậm chí tác động đáng kể đối với hoạt động kinh doanh của họ. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn đề, thậm chí có ý kiến cho rằng các kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng trong tương lai sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức độ ổn định trong quan hệ thương mại.
Tăng trưởng giữa bối cảnh cải cách và tái cân bằng
Bất chấp nhiều thách thức, phần lớn doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai gần. Nhiều công ty đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong khuôn khổ chiến lược “Trung Quốc+1” như một lợi thế cạnh tranh nổi bật. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số, nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng, cùng dòng vốn đổ vào hạ tầng được xem là động lực tích cực thúc đẩy đà tăng trưởng trong nước.
Trong lĩnh vực dịch vụ chuyên môn và logistics, nhiều doanh nghiệp ghi nhận nhu cầu ngày càng cao đối với các giải pháp ứng dụng công nghệ, dịch vụ tuân thủ quy định, cùng thực hành phát triển bền vững. Ở mảng sản xuất, nhiều công ty lạc quan khi ngày càng có nhiều đơn hàng được dịch chuyển sang Việt Nam từ các thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên, phần lớn đều nhấn mạnh rằng kết quả tích cực sẽ phụ thuộc vào cả điều kiện trong nước lẫn sự ổn định của chính sách toàn cầu.
Khảo sát giữa năm 2025 của AmCham cho thấy các doanh nghiệp vẫn tích cực đầu tư, tuyển dụng, đổi mới, nhưng duy trì tâm thế thận trọng trước nhiều thách thức còn tồn tại.