|
Hà Nội --°C / --%
Thứ bảy, 11/01/2025 17:00

Thúc đẩy cuộc cách mạng AI trong lĩnh vực tài chính

Sáng ngày 10/1, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với GreenNode và NVIDIA tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy cuộc Cách mạng AI trong tài chính - ngân hàng”.

toan-canh-100125.jpg

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Quân, Ủy viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc TPBank cho biết, theo xu hướng hội nhập thế giới, nước ta đang trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển bứt phá, tăng tốc ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, ngành Ngân hàng đang nỗ lực tái cấu trúc và tìm kiếm sự hỗ trợ từ AI để đảm bảo hiệu suất, hiệu năng trong hoạt động kinh doanh. Bước sang thềm năm mới 2025, câu chuyện ứng dụng và đẩy mạnh AI song song với chuyển đổi số đang là vấn đề “nóng hổi”, nhận được sự quan tâm lớn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước.

Tại Việt Nam, các TCTD đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển AI trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và đạt được một số bước tiến nhất định đối với chuyển đổi số. Điều đó thể hiện qua việc tập trung triển khai 5 nhóm ứng dụng AI: (i) coi khách hàng là trọng tâm, phân tích tâm lý, nâng cao trải nghiệm khách hàng; (ii) phòng chống gian lận trên không gian mạng bằng GenAI; (iii) quản trị tín dụng, dự báo và phân tích khả năng trả nợ của khách hàng; (iv) nâng cấp khả năng quản trị, nâng cao năng suất lao động thông qua tự động hóa; (v) quản lý danh mục đầu tư.

ong-quan-tpbank-100124-1.jpg
Ông Nguyễn Hồng Quân, Ủy viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc TPBank, phát biểu khai mạc hội thảo

Mặc dù mức độ trưởng thành chuyển đổi số tại các ngân hàng, TCTD đã đầy đủ, công cụ vận hành trong ứng dụng AI đã có những tiến bộ mới, nhưng theo ông Quân, vẫn còn một số thiếu hụt trong việc triển khai, đó là: thách thức, rủi ro về hạ tầng công nghệ, hạ tầng dữ liệu; rủi ro về mặt pháp lý, kỳ vọng của khách hàng chưa được đáp ứng đầy đủ; bên cạnh đó, rủi ro lộ lọt thông tin dữ liệu cũng là mối nguy cơ lớn.

Để khắc phục các hạn chế về AI, ông Quân cho rằng, cần tăng cường đầu tư về hạ tầng công nghệ, cũng như năng lực nhân sự AI , đồng thời nhanh chóng xây dựng khung quản trị nội bộ, đảm bảo an toàn không gian mạng.

Về vấn đề pháp lý, ông Quân cho biết, trong nhiều năm qua, Hiệp hội Ngân hàng đóng vai trò hết sức quan trọng trong phản biện chính sách, kết nối và hợp tác quốc tế, hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy và phát triển ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trên cơ sở đó, hôm nay, VNBA phối hợp với GreenNode và NVIDIA tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy cuộc Cách mạng AI trong tài chính - ngân hàng” nhằm trao đổi về xu hướng phát triển hạ tầng AI trong lĩnh vực ngân hàng tại APAC/Việt Nam và ứng dụng thực tiễn của giải pháp AI trong quy trình vận hành ngân hàng.

“Thời gian qua, AI đã chứng minh khả năng và ưu thế, tầm quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Dù AI không thể thay thế hoàn toàn con người mà chỉ là nền tảng hỗ trợ và tạo ra những công việc mới đòi hỏi kỹ năng cao hơn nhưng tổ chức không có AI sẽ bị “đào thải”, nhất là trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Do đó, tôi hy vọng hội thảo hôm nay sẽ thành công tốt đẹp và mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các ngân hàng, TCTD”, ông Quân bày tỏ.

greennode-100125-1-.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Nghiên cứu Công nghệ và Ứng dụng đổi mới sáng tạo Ngân hàng MSB trình bày chuyên đề tại Hội thảo

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Nghiên cứu Công nghệ và Ứng dụng đổi mới sáng tạo Ngân hàng MSB đã chia sẻ một số khám phá nghiên cứu ứng dụng AI trong ngân hàng. Cụ thể, theo nghiên cứu của hãng tư vấn toàn cầu McKinsey, 2/3 người sử dụng AI trên toàn thế giới, 94% nhà lãnh đạo cho rằng AI sẽ rất quan trọng trong 5 năm tới. Trong đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) tăng ở tất cả lĩnh vực và khu vực trên toàn thế giới, với 1/2 tổ chức đã áp dụng AI trong 2 hoặc nhiều chức năng phòng ban, 65% tổ chức thường xuyên được sử dụng trong ít nhất một bộ phận kinh doanh, 71% nhà lãnh đạo mô tả tổ chức của họ rất tích cực trong việc đầu tư vào AI và 67% người tham gia dự đoán rằng tổ chức của họ sẽ tăng đầu tư vào AI trong 3 năm tới.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, GenAI có khả năng mang lại từ 200-340 tỷ USD mỗi năm cho lĩnh vực ngân hàng, qua đó khẳng định tiềm năng to lớn của công nghệ này.

Các ngân hàng lớn trên thế giới đã và đang triển khai các usecase AI giúp tạo tiếng vang thương hiệu mà không ảnh hưởng đến lợi nhuận. Theo nghiên cứu, trong số các ngân hàng lớn nhất trên thế giới đã có hơn 80% đang sử dụng năng lực AI nhằm cải thiện trải nghiệm trực tuyến và di động từ đâu đến cuối với các nhân viên ảo là một use case chính; 50 - 80% trong số các ngân hàng lớn nhất thế giới đang sử dụng năng lực AI để cải thiện các sản phẩm hiện có, nâng cao trải nghiệm tổng đài, phát hiện gian lận và tuyển dụng với các chatbot đang được triển khai rộng rãi.

Theo ông Hùng, AI có thể chia phân khúc theo 5 năng lực chính, mỗi năng lực tận dụng các công nghệ cụ thể riêng, bao gồm máy học (ML), ngôn ngữ, thị giác máy tính, nhân viên ảo, RPA (robot có thể học hỏi từ kinh nghiệm và hỗ trợ con người hoặc tự hành động dựa trên các điều kiện của môi trường).

Đối với công nghệ AI cho ngân hàng, AI/ML - GenAI có thể tự động hóa một số hoạt động như: tìm nguồn/đánh giá dữ liệu đầu vào, lập tài liệu mô hình/báo cáo, giám sát và phê duyệt sử dụng mô hình, tạo/xác minh code mô hình và thực hiện kiểm thử... và có thể áp dụng trong toàn bộ hoạt động kinh doanh và chức năng của một ngân hàng đa năng. AI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, sản phẩm - dịch vụ, tính bảo mật và vận hành hiệu quả hơn.

Nhằm đảm bảo sự liên kết giữa phát triển và vận hành AI góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đại diện MSB đề xuất cách tiếp cận ứng dụng AI trong lĩnh vực ngân hàng như sau: Thứ nhất, xác định chiến lược AI toàn diện gắn với chiến lược chung của ngân hàng; thứ hai, thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ và dữ liệu để sẵn sàng triển khai; thứ ba, thí điểm ứng dụng AI trong những khâu phù hợp nhất; thứ tư, hợp tác thực hiện hóa và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác bên ngoài.

greennode-100125-2-.jpg
Ông Nguyễn Thành Quế, chuyên gia tư vấn giải pháp của NVIDIA giới thiệu về các giải pháp GenAI

Còn theo ông Nguyễn Thành Quế, chuyên gia tư vấn giải pháp của NVIDIA, GenAI đã vượt qua giới hạn của dữ liệu thực tế và cho phép các tổ chức tài chính – ngân hàng mang tới trải nghiệm cá nhân hoá cho người tiêu dùng, cải thiện đánh giá rủi ro, phát hiện gian lận và quản lý đầu tư thông minh. Sự tiến bộ của các thuật toán học máy, sự gia tăng về lượng dữ liệu và nhu cầu về tiết kiệm chi phí đang thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi GenAI trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Tại Việt Nam, quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo ước đạt 1.885 tỷ USD vào năm 2030, với CAGR 19,51% (Statista). Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực BFSI, đặc biệt là ngành Ngân hàng cũng đã đạt được mức độ trưởng thành cao. Tất cả cho thấy, Việt Nam đã có kinh nghiệm dày dặn và mức độ trưởng thành cao trong ứng dụng AI trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời các khoản đầu tư vào AI trong ngành này đang được tập trung chú trọng và triển khai nhanh chóng và mức độ ứng dụng AI trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam đang không bị bỏ xa so với thế giới.

greennode-100125.jpg
Ông Nguyễn Quang Uy, Giám Đốc Nghiên Cứu AI, GreenNode chia sẻ chủ đề tối ưu hóa quy trình giảm thiểu rủi ro trong vận hành ngân hàng

Nhằm tối ưu hóa quy trình giảm thiểu rủi ro trong vận hành ngân hàng, ông Nguyễn Quang Uy, Giám Đốc Nghiên Cứu AI, GreenNode đã chia sẻ về giải pháp phần mềm xử lý dữ liệu thông minh (IDP) và giải pháp định danh khách hàng điện tử video (video KYC).

Theo đại diện GreenNode, sự kết hợp của công nghệ này sẽ giúp ngân hàng bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt trong việc xử lý dữ liệu nhạy cảm.

toa-dam-100124.jpg
Các chuyên gia chia sẻ tại phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như kinh nghiệm ứng dụng AI trong thực tế. Theo đó, các giải pháp AI tích hợp giúp giải quyết những vấn đề đặc thù của ngành Ngân hàng, như: Quản lý rủi ro tài chính, bảo mật dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật.

Để phát huy tối đa việc ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc đầu tư vào hạ tầng và các ứng dụng AI, các tổ chức cần đặc biệt chú trọng an toàn thông tin, đảm bảo các mô hình và quy trình khai thác dữ liệu tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quyền riêng tư. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực bảo mật của các ứng dụng AI, cũng như thiết lập các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ dữ liệu huấn luyện bị rò rỉ hoặc nguy cơ mô hình AI bị khai thác để trích xuất thông tin nhạy cảm.

Minh Ngọc  
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng
Đồng Nai: Quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngay từ đầu năm 2025
Xử lý dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu: Cần đẩy nhanh việc luật hóa Nghị quyết 42
Lợi nhuận tăng đột biến tại VPBank
DongA Bank đổi tên thành Ngân hàng số Vikki
Agribank tiếp tục triển khai cho vay trả nợ trước hạn tổ chức tín dụng khác trong năm 2025
Không ngại thách thức thì sẽ bứt phá mạnh mẽ
SHB chốt quyền trả cổ tức, ‘phát lộc’ đầu năm tới cổ đông
Thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm
TP.HCM: Tín dụng tháng 1/2025 tăng 0,04%
Vai trò của ngân hàng lớn
Top 10 ngân hàng có tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế lớn nhất năm 2024
Lần đầu tiên kể từ 2023, một ngân hàng trong nhóm Big 4 tăng nhẹ lãi suất huy động
Ngân hàng luôn sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp có tiềm lực, đầu tư vào các dự án có pháp lý minh bạch và rõ ràng
8 nhiệm vụ, giải pháp của ngành Ngân hàng và các ngân hàng thương mại trong năm 2025
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Chính sách tín dụng sẽ tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế
Tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Cơ chế chính sách của Ngân hàng Trung ương năm 2025: Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội
Lãi suất huy động ngân hàng SHB tháng 2/2025
Xem thêm