Cảnh báo sớm và hướng dẫn xử lý biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam
Nghị định nêu rõ, Bộ Công Thương xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm khả năng xảy ra vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề để phòng, tránh và chuẩn bị ứng phó với các vụ kiện.
Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; căn cứ tiến hành, trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, căn cứ chấm dứt điều tra vụ việc phòng vệ thương mại (điều tra); áp dụng, rà soát biện pháp phòng vệ thương mại; xác định trợ cấp và biện pháp chống trợ cấp; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra; xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Về việc xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Nghị định quy định: Hoạt động trợ giúp thương nhân Việt Nam bị nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương được thực hiện trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội ngành, nghề liên quan.
Việc khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu được Bộ Công Thương thực hiện dựa trên cơ sở thông tin thu thập và sau khi phối hợp, trao đổi các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án khởi kiện.

Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách cho các hoạt động trợ giúp thương nhân theo quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương. Các hoạt động trợ giúp thương nhân Việt Nam theo quy định phải phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nghị định nêu rõ, Bộ Công Thương xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm khả năng xảy ra vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề để phòng, tránh và chuẩn bị ứng phó với các vụ kiện.
Bộ Công Thương quy định việc tổ chức và vận hành hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Nghị định quy định trên cơ sở thông tin thu thập hoặc theo đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp có liên quan, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác xem xét xây dựng phương án khởi kiện theo khoản 1 Điều 76 Luật Quản lý ngoại thương, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt phương án khởi kiện trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương chủ trì, tiến hành khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy trình, thủ tục được quy định trong các Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thương nhân Việt Nam, hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại./.
Với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 đạt khoảng 405,53 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,3% so với năm trước, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời phải đối mặt với xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu, điển hình là các quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, năm 2024, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 32 vụ phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng phát sinh từ 12 thị trường. Con số này tăng gần gấp đôi so với năm 2023 (15 vụ việc). Mỹ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 11 vụ (chiếm khoảng một phần ba số vụ năm 2024) và có một thị trường lần đầu tiên điều tra với Việt Nam là Nam Phi.
Không chỉ tăng về số vụ, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung chưa từng có tiền lệ. Ví dụ, Mỹ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia với pin mặt trời và vỏ viên nhộng; Canada lần đầu tiên điều tra chống lẩn tránh với một nước (là Việt Nam)... Cùng với đó, sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng. Các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin mặt trời (4,2 tỉ đô la), tôm (800 triệu đô la), thép chống ăn mòn (242 triệu đô la) cho tới các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi (50 triệu đô la), đĩa giấy (9 triệu đô la)... đều trở thành đối tượng bị điều tra.
Đáng chú ý, năm 2024 xuất hiện nhiều vụ điều tra “kép”, nghĩa là vừa điều tra chống bán phá giá, vừa điều tra chống trợ cấp đối với cùng một mặt hàng. Trong đó, Việt Nam ghi nhận năm vụ kép đối với hàng xuất khẩu, mà vụ Mỹ tiến hành điều tra với tôm nước ấm của nước ta là vụ điển hình nhất.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, năm 2025, các biện pháp phòng vệ thương mại dự báo tiếp tục gia tăng, mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên do tình hình kinh tế - chính trị thế giới dự kiến có nhiều biến đổi.
Về xu hướng điều tra phòng vệ thương mại, các quốc gia có thể đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng, thông qua việc sử dụng các quy định về nền kinh tế phi thị trường, tình hình thị trường đặc biệt hoặc yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn về thủ tục khi tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại. Cùng với đó là tăng cường việc áp dụng các quy định điều tra mới, chưa từng có tiền lệ như các yếu tố về nhân quyền, trợ cấp xuyên quốc gia...; tiếp tục sửa đổi các quy định về phòng vệ thương mại theo hướng bảo hộ và khó dự đoán hơn.
Để tăng cường bảo hộ, các quốc gia cũng có thể tiếp tục sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại có phạm vi áp dụng rộng như tự vệ hoặc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đáng chú ý, các nhóm sản phẩm mục tiêu của các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian sắp tới có thể là các mặt hàng sử dụng nhiều lao động hoặc sử dụng nguyên liệu đầu vào từ những nước thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại như Trung Quốc...
Đặc biệt, nhiều chuyên gia lo ngại về “bão” phòng vệ thương mại từ Mỹ đối với hàng hóa nước ta khi quốc gia này hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước ta với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước năm 2024 đạt 134,6 tỉ đô la, tăng 21,5%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này 119,6 tỉ đô la, tăng 23,3% và nhập khẩu 15 tỉ đô la, tăng 8,8%.
Các thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài cho rằng, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần có tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để đảm bảo có thể hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra nhằm hướng tới kết quả khả quan nhất có thể. Với thị trường Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại nước này khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Mỹ (điều tra trợ cấp) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (điều tra về thiệt hại). Trên thực tế, thông qua công tác phối hợp, nhiều doanh nghiệp trong nước đã không bị áp thuế trợ cấp hay chỉ bị áp mức thuế thấp nhất trong các nước cùng bị điều tra, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng thị phần.