|
Hà Nội --°C / --%
Thứ bảy, 08/02/2025 10:39

Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm 2025 đạt 8% trở lên

Báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ cho biết, điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ cho biết, điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Sáng 7/2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 21, thẩm tra tờ trình về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên của Chính phủ.

chinh-phu-diau-chinh-tang-truong-kinh-te-1-1738913433.jpg
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 21, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Năm 2025 việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu sẽ bù lại cho các năm trước đó

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, năm 2025 việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu sẽ bù lại cho các năm trước đó, 2025 cũng là năm tăng tốc về đích. Bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, cần đánh giá để tìm ra cơ hội mới cho tăng trưởng 8% trở lên. Chính phủ đã có tờ trình đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu theo tinh thần đổi mới, tăng trưởng 8% trở lên, CPI ở mức 4,5- 5%, vậy biện pháp thế nào để kiểm soát lạm phát? Có thể phải huy động thêm các nguồn lực thì phải tháo trần nợ công, nợ nước ngoài ở ngưỡng vượt cảnh báo khoảng 5% GDP.

Trước đó, tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội. Đây sẽ là nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường, dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 18/2 tới đây.

Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2024), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2025 với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

chinh-phu-diau-chinh-tang-truong-kinh-te-3-1738913476.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp.

Trình bày tóm tắt Đề án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khái quát, năm 2024 nền kinh tế phục hồi nhanh trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài và trong nước, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới. GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm một số ít nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; quy mô GDP khoảng 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới, tăng 02 bậc so với năm 2023 ; GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD. Xuất siêu ước đạt 24,77 tỷ USD; tổng thu NSNN vượt 19,8% so với dự toán; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi NSNN thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.

Phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Phát triển nguồn nhân lực chuyển biến tích cực; kinh tế số, kinh tế xanh trở thành động lực tăng trưởng mới; chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số đạt nhiều kết quả, nổi bật là việc triển khai Đề án 06. Năng suất lao động ước tăng 5,88%, vượt mục tiêu đề ra; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 44 thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2023.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; sức mua thị trường còn yếu, phục hồi chậm. Việc triển khai một số dự án hạ tầng trọng điểm còn vướng mắc, chưa triệt để; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân…

Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Đề cập các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, về hoàn thiện thể chế, pháp luật, ông Trần Quốc Phương nêu rõ, ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi; tăng cường kiểm tra, đôn đốc để giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn, khắc phục, chấn chỉnh ngay các vi phạm, khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm, cũng là nhiệm vụ được ông Phương đề cập.

chinh-phu-diau-chinh-tang-truong-kinh-te-4-1738913420.jpg
Năm 2025 việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu sẽ bù lại cho các năm trước đó, 2025 cũng là năm tăng tốc về đích. (Ảnh minh họa)

Chính phủ cũng xác định tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế.

Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Cùng đó là phát huy hiệu quả cơ chế Tổ công tác nhằm chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành. Triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới.

Phát huy hiệu quả các Ban chỉ đạo, Tổ công tác để rà soát, có giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ./.

Tại tờ trình số 53 ngày 27/1/ 2025 Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu:

(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên.

(2) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

(3) Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi NSNN lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Bình Châu  
FED giữ nguyên lãi suất, dự báo tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao hơn trong bối cảnh không chắc chắn
Nhà đầu tư cần thích nghi để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới
Đại diện USABC: Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á
NESTGEN 2025: Cột mốc mới trong hành trình phát triển của thế hệ trẻ
63 Cục Quản lý thị trường chính thức được chuyển giao về các địa phương
Tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt 499,8 nghìn tỷ đồng vượt trên 25,4% dự toán
Tìm thêm thị trường xuất khẩu mới cho thép Việt
Tổ hợp Trang trại và Nhà máy chế biến thịt bò Tam Đảo vinh dự đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm
Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân họp phiên thứ nhất
Kỳ vọng lạm phát tăng cao ảnh hưởng thế nào đến con đường cắt giảm lãi suất của FED?
Bài toán lớn để phát triển ngành bán dẫn và AI
Lũy kế 2 tháng thu thuế tăng 35,1% so với năm 2024
Đầu tư công vào cơ sở hạ tầng là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ
Gỡ “điểm nghẽn” thể chế và các dự án để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm việc với 3 địa phương để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng
Nông nghiệp Việt Nam: Thay đổi cách tiếp cận từ nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh
Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm tới
Các kịch bản về khả năng áp thuế của Mỹ và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam
Thống nhất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024
Xem thêm