Chuyên gia chỉ cách để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong nước
Để chiếm lĩnh thị trường trong nước, các doanh nghiệp Việt cần tập trung xây dựng thương hiệu, phát triển, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chiến lược người Việt dùng hàng Việt...

Tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%
Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", sức mua của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng tăng cao. Hiện có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%...
Những con số biết nói này chứng minh những nỗ lực của các ban, bộ, ngành, địa phương, với cách làm chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm; đồng thời, cho thấy nhận thức của người tiêu dùng đã dần thay đổi, khi tâm lý sính hàng ngoại đã giảm đi.
Bên cạnh đó, các siêu thị, trung tâm thương mại đang ngày càng nâng cao nhận thức về việc cung ứng hàng Việt cho người tiêu dùng, với cơ cấu hàng Việt chiếm đến 90%. Các sản phẩm đều có xuất xứ rõ ràng, có các chứng nhận như hàng Việt chất lượng cao, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)…
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Giám đốc Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon Hà Đông, cho biết, nhà cung cấp hàng Việt thay đổi mẫu mã các sản phẩm thường xuyên, thực hiện các chương trình khuyến mãi hằng tuần, hằng tháng; bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm hàng Việt tốt, một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh được so với hàng nước ngoài.
“Chúng tôi luôn ưu tiên cố gắng để mang sản phẩm hàng nội vào trong siêu thị nhiều nhất. Hiện nay, chúng tôi có khoảng 85% mặt hàng đang trưng bày tại siêu thị là hàng nội, đặc biệt đối với những mặt hàng rau, củ, quả tươi sống lên đến 95%. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp cùng với các cơ quan chính quyền ban, ngành, địa phương tổ chức các chương trình như khuyến khích sử dụng hàng OCOP”, bà Nguyễn Thị Hải Thanh chia sẻ.
Tuy vậy, trên thực tế, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đều đã bật ra khỏi siêu thị và con số 80, 90% hàng Việt đó, hầu hết đều là hàng của các công ty đa quốc gia. Đáng nói, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tư duy sính ngoại còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Tâm lý ưa chuộng hàng ngoại, coi đó là biểu tượng của chất lượng và đẳng cấp, đã gây không ít khó khăn cho hàng Việt Nam trong việc mở rộng thị phần ngay trên sân nhà.
Do đó, để tiếp tục tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trên sân nhà trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, trước hết, cần phải xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn. Cần chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả. Đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa tạo cơ hội cho hàng Việt đến với người tiêu dùng nhiều hơn.
“Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai chương trình, đề án phát triển thương hiệu ngành sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Đồng thời, nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho chủ thể liên quan. Phương thức tiêu dùng thay đổi buộc hệ thống bán lẻ cũng phải thay đổi mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Trong chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối là mắt xích rất quan trọng”, ông Nguyễn Anh Đức bày tỏ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khuyến nghị, doanh nghiệp Việt cần tập trung xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chiến lược người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đi sâu vào chất lượng sản phẩm, tập trung công nghệ mới, nâng cấp các dịch vụ để phục vụ khách hàng nhanh và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tối ưu hoá sản xuất để giảm giá thành.
Theo ông Phú, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai 15 năm qua đã giúp cho hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình…
“Ngoài ra cần chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển phương thức thương mại điện tử… Đây là cách để hàng Việt không chỉ có chỗ đứng ngày càng vững chắc tại thị trường trong nước mà còn vào kênh phân phối của nước ngoài”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Đẩy mạnh thúc đẩy năng suất và chất lượng sản phẩm
Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với ba phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60-65% tùy từng năm.
Như vậy, để đạt tăng trưởng GDP như vậy, thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức.
Theo ông Tuấn, qua theo dõi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch COVID-19. Ngoài ra, với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khi chính quyền Mỹ đưa ra mức áp thuế quan với các quốc gia và đang trong giai đoạn 90 ngày tạm hoãn, xuất khẩu do đó cần có giải pháp để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, hay các thị trường truyền thống có rủi ro về thuế.
Ông Tuấn cho biết, từ thực tế tình hình trong nước và quốc tế, dựa trên dự thảo Kế hoạch tổng thể và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025, Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất giải pháp.
Thứ nhất, kích cầu tiêu dùng nội địa. Với chiến dịch truyền thông quốc gia, tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam, nhấn mạnh chất lượng và giá trị của hàng hóa nội địa.
Các chiến dịch sẽ được triển khai trên nhiều nền tảng, từ truyền hình, báo chí đến mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng. Chương trình xúc tiến thương mại - Tổ chức các sự kiện mua sắm quy mô lớn, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử và ngành dịch vụ.

Các chương trình khuyến mãi và ưu đãi sẽ được thiết kế để kích thích sức mua, đặc biệt trong các giai đoạn tiêu dùng thấp điểm.
Thúc đẩy du lịch nội địa - Phối hợp với ngành du lịch để triển khai các gói khuyến mãi, kết nối trải nghiệm du lịch với các sản phẩm và dịch vụ địa phương, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và quảng bá văn hóa Việt Nam.
Ý nghĩa và tác động dự kiến: Các giải pháp này sẽ góp phần tăng sức mua, củng cố niềm tin tiêu dùng, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị phần và khẳng định thương hiệu trong nước.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Chính sách tài chính ưu đãi - Đề xuất phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Đồng thời, đề xuất các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị áp dụng công nghệ xanh và tiêu chuẩn bền vững. Nâng cao năng lực sản xuất - Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các chương trình khuyến công sẽ được đẩy mạnh để thúc đẩy năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tăng cường kết nối cung - cầu - tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất với các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Ý nghĩa và tác động dự kiến: Các hỗ trợ này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm việc làm và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường. Hệ thống cảnh báo sớm - Bộ Công Thương dự kiến xây dựng nền tảng dữ liệu để theo dõi cung-cầu và giá cả, ứng dụng công nghệ hiện đại để dự báo và ngăn chặn rủi ro thiếu hụt hoặc tăng giá bất hợp lý.
Chương trình bình ổn thị trường - Hướng dẫn các địa phương triển khai các kế hoạch dự trữ và phân phối hàng hóa thiết yếu, phối hợp với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung ổn định trong các giai đoạn cao điểm.
Tăng cường logistics - Đầu tư vào hạ tầng logistics thông minh, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa vận chuyển và giảm chi phí phân phối.
Ý nghĩa và tác động dự kiến: Các giải pháp này sẽ đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, duy trì giá cả ổn định và tạo điều kiện để doanh nghiệp vận hành hiệu quả, củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Thứ tư, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại. Nâng cấp chợ truyền thống - Ứng dụng công nghệ số vào quản lý và thanh toán tại các chợ, đặc biệt ở khu vực nông thôn, để tăng hiệu quả và tiện lợi cho người tiêu dùng.
Phát triển bán lẻ hiện đại - Khuyến khích các mô hình phân phối mới, như chuỗi cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại tích hợp bản sắc địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng.
Tổ chức sự kiện thương mại quốc gia - Triển khai các triển lãm chuyên ngành để kết nối doanh nghiệp trong nước với đối tác quốc tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường.
Ý nghĩa và tác động dự kiến - Hạ tầng thương mại hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao vị thế của ngành bán lẻ Việt Nam trong khu vực.
Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững. Thanh toán không dùng tiền mặt - Hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp các giải pháp thanh toán số, phối hợp với các tổ chức tài chính để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng ví điện tử và mã QR.
Bán lẻ thông minh - Đầu tư vào các mô hình cửa hàng ứng dụng công nghệ AI và IoT, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và quản lý chuỗi cung ứng. Tiêu chuẩn phát triển bền vững - Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để định hướng doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng theo hướng xanh, bền vững.
Ý nghĩa và tác động dự kiến: Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, đồng thời góp phần xây dựng một thị trường trong nước hội nhập và cạnh tranh.
Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa, như gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng, và chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển thị trường trong nước.
Ngân hàng Nhà nước: Phối hợp triển khai các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và sản xuất bền vững.
Các Bộ, ngành liên quan: Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa quy trình chuỗi cung ứng và hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc tế.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng: Tham gia tích cực vào các chương trình kích cầu, áp dụng công nghệ số và ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt Nam.
Ý nghĩa: Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ đảm bảo tính khả thi của kế hoạch, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và củng cố vai trò của thị trường trong nước.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết: Câu chuyện của Việt Nam lớn hơn việc chỉ là đàm phán với Mỹ. Ta đang trong khu vực cùng các nước Đông Á, tiếp tục tự do hóa, dựa trên thương mại có luật lệ, song phải đối mặt chủ nghĩa đơn phương. Vậy ứng xử chúng ta ra sao? Đây không chỉ là vấn đề thuế quan với Việt Nam và nhiều nước ASEAN.
Câu chuyện không chỉ 3-4 năm, mà có thể là 5-10 năm tới. Về câu chuyện tiêu dùng, thị trường nội địa, vài năm gần đây cách làm chính sách của chúng ta phụ thuộc nhiều vào khẩu hiệu mà lại thiếu bằng chứng khoa học. Những nghiên cứu gần đây để có chính sách vừa căn cơ vừa trước mắt thì lại rất yếu.
Với tiêu dùng, để hiểu sâu thì lại đang rất thiếu. Tiêu dùng là cả dịch vụ hàng hóa, chúng ta lại nhấn nhiều vào hàng hóa hơn. Tiêu dùng hơn 150 lĩnh vực, ca nhạc, giải trí, du lịch, giáo dục, y tế, tiêu dùng đầu tư…
Tiêu dùng có cả Nhà nước và tư nhân, Nhà nước đâu chỉ đầu tư, mà còn tiêu dùng mà. 15 năm trước, thống kê cho thấy có tiêu dùng Nhà nước ở Việt Nam, giờ gần như không có.
Đây cũng là vấn đề rất quan trọng. Ngoài ra, nhiều học giả nhấn mạnh vào đóng góp của xuất khẩu, song xuất khẩu đóng góp cho GDP lại bị đánh giá quá cao, xuất khẩu trừ đi nhập khẩu thì đóng góp thương mại lại quá thấp. Trong nhập khẩu còn có cả nhập khẩu tiêu dùng, tức tổng bán lẻ phải trừ đi tiêu dùng bên nhập khẩu.
Từng có người hỏi tôi trong đầu tư công thì nhập khẩu làm đường là bao nhiêu, đây là câu hỏi khó trả lời, do khó bóc tách được. Chưa kể, cũng nhiều câu hỏi như vậy song các nghiên cứu của chúng ta đều không có. Chỉ có thể nói vo hoặc áng chừng. Về tiêu dùng tư nhân, cũng chỉ có một số đơn vị nước ngoài nghiên cứu.
Rất thiếu các thông tin căn cơ. Một số vấn đề cơ bản hơn là tiêu dùng và tiết kiệm, lệch của tiết kiệm - đầu tư mới là xuất nhập khẩu, đó là chưa kể tiết kiệm Chính phủ, tư nhân và tầng lớp.
Ngoài ra, GDP Việt Nam cao hơn thu nhập khả dụng trên đầu người của Việt Nam. Về kích cầu tiêu dùng, đã có nhiều diễn giả nói về giải pháp. Song cần lưu ý Việt Nam quý I/2025 có 6 triệu khách hàng, song cũng có 1,5 - 2 triệu người Việt Nam ra nước ngoài và tiêu dùng nước ngoài.
Đã có nghiên cứu nào về tầng lớp này chưa? Chúng ta có kế hoạch nào để tập trung vào nhóm này? Chưa kể, còn có vấn đề visa du lịch và sản phẩm du lịch chưa đủ, cần có các biện pháp để thu hút thị trường trong nước. Với hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi đang đề nghị giảm thuế cho doanh nghiệp theo kết quả kinh doanh.
Ví dụ, một đơn vị đóng góp thuế năm 2025 là 100 tỷ, nếu năm sau đóng 150 tỷ thì sẽ hưởng phần giảm thuế trong 50 tỷ đó. Cần hỗ trợ doanh nghiệp tiêu dùng thì mới có công việc, lao động có tiền mới tiêu.
Đặc biệt, cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát duy trì tương đối. Nếu lạm phát tăng nhanh hơn thu nhập danh nghĩa thì tiêu dùng tăng khó. Niềm tin người tiêu dùng thấp do họ cần lo cho tương lai. Ổn định vĩ mô do đó rất quan trọng, lạm phát cao là ảnh hưởng người nghèo.
Việt Nam đang thảo khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược dưới dạng Nghị định. Đây có thể là nghị định đầu tiên ở các nước ASEAN bàn tới kiểm soát thương mại chiến lược và chuỗi cung ứng, những mặt hàng quan trọng.
Trong đó, đặc biệt lưu ý tới chuyển giao công nghệ, chuỗi cung ứng và xuất xứ. Điều này là điểm tích cực cho thấy tinh thần hợp tác của Việt Nam để xử lý quan hệ thương mại với các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam.