Thúc đẩy hợp tác công - tư để chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hợp tác công tư đang giữ vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế tại Việt Nam. Trong quá trình chuyển đổi xanh, hợp tác công tư sẽ trở thành nguồn lực to lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hợp tác công tư (PPP) được coi là một trong những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy quá trình này, giúp tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả trong phát triển các dự án xanh. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ tới sự phát triển toàn cầu, việc dịch chuyển sang nền kinh tế xanh và bền vững trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Tại Diễn đàn "Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh" tổ chức vào ngày 22/4 vừa qua, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận để tìm ra hướng đi phù hợp cho hợp tác công tư trong phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều dự án hợp tác công tư (PPP) thành công trong nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế. Nhờ hình thức hợp tác này, nhiều dự án đã được triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn. Có thể thấy, hợp tác PPP sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp SME mạnh dạn chuyển đổi xanh, thay đổi tư duy sản xuất và vận hành. Nhưng từ mục tiêu tới hiện thực thì vẫn còn một khoảng cách xa. Cần phải hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp SME nếu muốn phát triển theo hướng bền vững.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược) nhấn mạnh một trong những rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang gặp phải là khó khăn về tài chính khi triển khai các sáng kiến xanh. Dù chiếm khoảng 90% trong tổng số các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp SME vẫn chưa thực sự trở thành đối tượng quan trọng khi nhắc tới hợp tác công tư.
Bên cạnh đó, một khó khăn nữa đến từ việc các doanh nghiệp SME vẫn e dè với hình thức hợp tác PPP là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức trong vấn đề này. Để có thể đảm bảo hợp tác công tư minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên thì doanh nghiệp SME cần phải có đội ngũ chuyên gia và nhân sự có hiểu biết về PPP cũng như chuyển đổi xanh.
Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn (Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam), hợp tác công tư là giải pháp thiết yếu để các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Mặc dù vậy, hiện nay các doanh nghiệp SME vẫn đang lúng túng trong việc kết nối với Nhà nước để hợp tác, đầu tư. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong hợp tác công tư thì đã có, nhưng cầu nối để tới với doanh nghiệp SME thì vẫn chưa được xây dựng.
Đề xuất một số giải pháp để doanh nghiệp SME tham gia hợp tác PPP, ông Bùi Quang Tuấn cho rằng Chính phủ cần thành lập một tổ chức chuyên trách để kết nối doanh nghiệp với các dự án chuyển đổi xanh. Đặc biệt, tổ chức này cần phải dành sự quan tâm cho các doanh nghiệp SME, để họ mạnh dạn hơn trong việc tham gia các dự án PPP.

Ngoài ra, cần có cơ chế cụ thể về hợp tác PPP cho các doanh nghiệp SME, coi trọng nguồn lực tư nhân để thu hút đầu tư. Khi có Nhà nước hỗ trợ, song hành thì doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn để đầu tư. Nguồn vốn Nhà nước chỉ nên chiếm phần nhỏ, còn lại là tới từ vốn tư nhân. Chính phủ cần tạo điều kiện hết mức để cho doanh nghiệp SME thấy được những lợi ích rõ rệt của việc tham gia đầu tư cho dự án PPP.
Cũng tại diễn đàn, ông Jorgen Hvid, Cố vấn dài hạn Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025, đã chia sẻ những kinh nghiệm của Đan Mạch và kiến nghị một số giải pháp dành cho Việt Nam. Đối với Đan Mạch, khi xây dựng các chính sách sẽ luôn quan tâm tới lợi ích mà các bên tham gia chuyển đổi xanh đạt được. Các doanh nghiệp luôn quan tâm tới những tác động cả tiêu cực lẫn tích cực mà họ sẽ chịu khi tham gia các dự án hợp tác công tư. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có sự đảm bảo rủi ro cho doanh nghiệp.
Chính phủ Đan Mạch luôn duy trì kiểm soát ở một mức nhất định đối với các dự án PPP, còn lại việc quản lý, vận hành sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tư nhân. Theo ông, Chính phủ Việt Nam cũng có thể lấy đây làm bài học kinh nghiệm khi xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp trong hợp tác PPP.