Chuyên gia VPBankS: Định giá chứng khoán còn thấp, tiềm năng tăng trưởng còn nhiều
Hội thảo “VPBankS Talk 5: Đầu tư thông minh cùng AI – Từ dữ liệu đến quyết định” tổ chức ngày 8/7 tại TP.HCM thu hút đông đảo giới đầu tư tham dự, trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tiếp tái lập các mốc điểm cao.

Thị trường đã quay trở lại giai đoạn nới lỏng
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS nhìn nhận, thị trường đã trải qua 6 tháng rất ngắn ngủi nhưng mức độ biến động về thông tin phải ngang bằng hai năm gần đây cộng lại. Kỷ nguyên AI đang phát triển rất nhanh, với những cái tên như Chat GPT, Grok, Deep Seek. Từ đầu năm đến nay, câu chuyện lớn nhất ảnh hưởng đến thị trường là bầu cử Tổng thống Mỹ, tiếp đến là thuế quan, xung đột …
Trong năm vừa qua, một số từ khóa đáng chú ý là “slow” (tăng trưởng kinh tế chậm lại, hạ lãi suất chững lại), “debt” (nợ lên mức rất cao, đặc biệt là Mỹ). Trong bối cảnh này, sự thay đổi về chính trị đang diễn ra rất nhanh, với chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố “Make America Great Again”, muốn biến nước Mỹ là số 1, ưu tiên hàng đầu.
6 tháng qua là giai đoạn đầy thách thức và thay đổi. Cuộc chiến thương mại đang định hình lại kinh tế - chính trị trên toàn cầu. Trở lại năm 2000, xuất khẩu của Mỹ đạt 2.000 tỷ USD, gấp 4 lần Trung Quốc. Nhưng chỉ sau 24 năm, Trung Quốc đã xuất khẩu 6.100 tỷ USD, cao hơn cả nước Mỹ. Thuế quan, ngoài mục tiêu giành lại thị phần thương mại, còn nhằm mục tiêu để xác lập lại trật tự chính trị.
Trong nước, trước khi bầu cử diễn ra, tất cả cổ phiếu, thị trường chứng khoán đều hướng theo khả năng ông Trump chiến thắng và lợi suất trái phiếu, USD đều lên cao. Nhưng khi nhậm chức, ông Trump thúc đẩy câu chuyện thuế quan, từ đó ép đồng USD, lợi suất trái phiếu giảm xuống. Năm 2025, Mỹ có lượng trái phiếu đáo hạn là 9.000 tỷ USD.
Với việc tạo ra sức ép thuế quan, ông Donald Trump làm thị trường chứng khoán, trái phiếu sụt giảm. Nếu đáo hạn khoảng 9.000 tỷ USD với lãi suất cao như thời điểm cuối 2024 thì chi phí vốn rất lớn. Ngoài ra, ông Trump cũng hướng đến thu hẹp thâm hụt thương mại và gây sức ép lên Fed để hạ lãi suất.
Trọng tâm của câu chuyện thuế quan là giữa Mỹ và Trung Quốc. Căng thẳng đã leo thang rất nhanh, nhưng chỉ sau 1 tháng, Mỹ đã chủ động đàm phán, hòa hoãn và giảm thuế từ trên 100% xuống còn khoảng 30%. Trong giai đoạn vừa rồi, có thể nói ông Trump rất chủ động về chính sách thuế quan: chủ động đưa lên, chủ động hạ xuống. Vì vậy, có thể kỳ vọng rằng nhiều quốc gia sẽ đàm phán được mức thuế thấp hơn hiện nay. Nhưng thuế quan trung bình toàn cầu sẽ không còn trở lại như trước nữa.
Sau đêm 7/7, một số quốc gia được giảm thuế so với thời điểm 2/4, nhưng một số lại tăng nhẹ như Nhật Bản, Malaysia. Việt Nam đang lợi thế nhờ việc đạt mức thuế cạnh tranh hơn nhiều so với các quốc gia định hướng xuất khẩu trong khu vực. Nhờ đó, Việt Nam có lợi thế trong thu hút FDI và nhà đầu tư nước ngoài mới. Trong chu kỳ tới, hầu hết các ngân hàng trung ương đều hạ lãi suất. Đến cuối năm nay, nhiều khả năng Fed sẽ hạ lãi suất thêm hai lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản (bps).
Với xu hướng trên, ông Sơn đánh giá, các thị trường tài sản có thể hưởng lợi. Sau giai đoạn thắt chặt tiền tệ năm 2021 – 2023, thị trường đã quay trở lại giai đoạn nới lỏng, cung tiền M2 của 12 ngân hàng trung ương đang tăng rất nhanh. Chính sách quyết định định hướng, nhưng cung tiền quyết định xu hướng, nên giai đoạn nào tiền lỏng, giá tài sản sẽ lên, giai đoạn nào thắt chặt, tài sản sẽ xuống. Do đó, trong giai đoạn vừa giảm lãi suất, vừa tăng cung tiền, xu hướng thị trường tài sản sẽ tiếp tục đi lên, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia VPBankS dự báo tăng trưởng năm nay sẽ chậm lại do nhiều yếu tố: chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị. Ngoài ra, Fed hạ lãi suất cũng chưa nhanh như ông Donald Trump kỳ vọng, nên tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2025 được dự báo ở mức 1,5 – 1,6%, toàn cầu là 2,3%, kinh tế Trung Quốc chậm lại tương đối rõ rệt. Việt Nam là một điểm sáng của châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
Câu chuyện quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm là nâng hạng
Ông Trần Hoàng Sơn đề cập, năm 2024, thị trường chứng khoán Mỹ rất hấp dẫn, được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ “Magnificent Seven”. Giai đoạn này, Nvidia tăng trưởng rất tốt theo quý. NĐT đã đặt nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng của AI.
Tuy nhiên, đầu năm 2025, các mô hình AI với chi phí thấp như DeepSeek xuất hiện, khiến NĐT đặt câu hỏi về tiềm năng tăng trưởng của Nvidia. Trong nửa đầu năm, những cổ phiếu định giá cao như Nvidia bị điều chỉnh rất mạnh. Ngoài ra, chính sách thuế quan của ông Donald Trump đã làm cho nhiều NĐT toàn cầu giảm bớt niềm tin vào thị trường chứng khoán, tài sản của Mỹ. Đầu năm, USD đã giảm rất sâu, kéo theo tài sản bằng USD kém hấp dẫn hơn.
Tương tự như nhiều thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng tốt so với chứng khoán Mỹ. Hai tháng tới, Việt Nam sẽ đến kỳ đánh giá để nâng hạng. Đây là yếu tố giúp Việt Nam bám sát xu hướng tăng trưởng của thị trường mới nổi, xu hướng toàn cầu. Chúng ta đã nhanh chóng vượt qua sóng giảm tháng 4 và vượt đỉnh. Niềm tin NĐT đã nhanh chóng trở lại, với thanh khoản phục hồi rất nhanh.
Trong thời gian vừa qua, số lượng tài khoản đã vượt con số 10 triệu, cho thấy thị trường chứng khoán đang hút nhiều NĐT trở lại. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận năm nay sẽ đồng hành xu hướng chung của chính sách tiền tệ và tài khóa, có thể đạt 15 – 16%. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có tài chính ngân hàng, chứng khoán, BĐS, thép có thể sẽ tiếp tục phục hồi. Những biến động gần đây đã có thể qua đi.
Về mặt định giá, P/E đang ở mức 13,9 – 14 lần. So với dữ liệu lịch sử, định giá này vẫn đang ở mức rất thấp, cho thấy tiềm năng thị trường rất nhiều. P/E forward hiện chỉ khoảng 10 – 11 lần, cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất tốt.
Cuối 2025 đến đầu 2026, thị trường còn cơ hội từ thị trường IPO hút dòng vốn ngoại. Các thỏa thuận IPO mới có thể đạt 47,5 tỷ USD, trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin. Giai đoạn 2017 – 2018, khi có những câu chuyện như bán vốn của VNM đã có nhịp tăng trưởng rất tốt.
Và câu chuyện quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm là nâng hạng. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đáp ứng 7/9 yếu tố trọng yếu liên quan đến Emerging Market (Thị trường mới nổi) của FTSE. Ngoài ra, chúng ta cũng đã triển khai thành công NPF vào tháng 9/2024, đưa KRX vào hoạt động trong tháng 5, đơn giản hóa quy trình mở tài khoản cho NĐT nước ngoài. Đồng thời, từng bước hoàn thiện quy trình xử lý với các giao dịch thất bại.
Trong ngắn và trung hạn, Việt Nam sẽ từng bước xây dựng hệ thống OTA, CCP vào cuối năm 2025, đầu 2026. Đồng thời, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á. Chuyên gia VPBankS dự báo khoảng 70% Việt Nam sẽ được nâng hạng ngay trong tháng 9/2025. Tuy nhiên, cũng có 30% khả năng được nâng hạng vào tháng 3/2026 do các vấn đề liên quan đến chênh lệch về thời gian thanh toán và thời gian phân phối chứng khoán trên KRX cũng như số lượng giao dịch lỗi ít, FTSE cần thêm thời gian để đánh giá xử lý lỗi.
Nếu được nâng hạng, dự báo dòng vốn thụ động và chủ động vào Việt Nam có thể đạt 3 – 7 tỷ USD. Diễn biến NĐT mua ròng từ đầu tháng 7 đến nay đã đạt hơn 6.000 tỷ đồng. NĐT mua rất nhanh trong các phiên gần đây, giống xu hướng các nhà đầu tư mua ròng trước, trong và sau nâng hạng ở nhiều thị trường khác. Việc giải ngân 3 – 7 tỷ USD trong một thời gian ngắn sẽ tạo ra một cú hích rất lớn cho thị trường.
Dựa trên các kịch bản độ nhạy thị trường, diễn biến thanh khoản. Chuyên gia VPBankS kỳ vọng thanh khoản thị trường có thể đạt đến 28.000 tỷ đồng nhờ câu chuyện nâng hạng, triển khai sản phẩm mới: giao dịch thông trưa, giảm thời gian thanh toán … Nhờ đó, chúng ta có thể sớm chứng kiến VN-Index đạt 1.500 hoặc 1.550 điểm trong năm nay hoặc đầu năm sau.
Trong ngắn hạn, RSI và một số chỉ báo kỹ thuật đang vào vùng quá mua. Vì vậy, nên ở những vùng kháng cự như 1.430 hay 1.450 điểm, có thể xuất hiện những đợt điều chỉnh kỹ thuật. Khi điều chỉnh xong, thị trường sẽ lấy đà và lên vùng cao mới là 1.500 – 1.550 điểm trong 6 tháng tới.