Giá cà phê tăng mạnh khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 46%
Giá cà phê trong nước và thế giới đều tăng, trong đó giá cà phê được giao dịch tại khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam tiếp tục theo đà tăng. So với đầu tuần, mặt bằng giá cà phê nội địa có sự phục hồi mạnh, tăng tổng cộng khoảng 8.000 đồng/kg từ vùng đáy thiết lập ngày 10/4.

Giá cà phê nội địa tăng mạnh, cao nhất đạt gần 134.000 đồng/kg
Theo thông tin từ nhiều nhà vườn và doanh nghiệp thu mua trong nước, sáng ngày 17/4, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ.
Cụ thể, mức giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên đã được nâng lên mức dao động từ 132.700 - 133.800 đồng/kg, tăng 700 - 800 đồng/kg so với ngày hôm trước (16/4). Đây cũng là phiên tăng giá thứ 7 liên tiếp, phản ánh xu hướng phục hồi tích cực trên thị trường nội địa.
Trong đó, Đắk Nông ghi nhận mức giá cao nhất, đạt 133.800 đồng/kg sau khi được điều chỉnh tăng 800 đồng/kg. Cùng lúc, giá cà phê tại hai tỉnh trọng điểm là Đắk Lắk và Gia Lai cũng tăng thêm 700 đồng/kg, lên mức 133.700 đồng/kg. Riêng tỉnh Lâm Đồng, mặc dù là khu vực có mức giá thấp hơn so với các địa phương khác, cũng ghi nhận mức tăng tương tự là 700 đồng/kg, đưa giá cà phê tại đây lên mức 132.700 đồng/kg.

Tính từ đầu tuần đến nay, giá cà phê trong nước đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng tổng cộng khoảng 8.000 đồng/kg so với mức giá thấp nhất được thiết lập vào ngày 10/4. Diễn biến này cho thấy tín hiệu khởi sắc rõ rệt của thị trường sau giai đoạn chạm đáy trước đó.
Trên Sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica tiếp tục xu hướng tăng tại hầu hết các kỳ hạn giao dịch. Cụ thể, hợp đồng arabica giao tháng 5/2025 được ghi nhận ở mức 376.05 cent/pound, tăng 6,65 cent so với phiên giao dịch liền trước. Tương tự, kỳ hạn tháng 7/2025 cũng tăng 6,65 cent, đạt mức 373.80 cent/pound.
Các kỳ hạn xa hơn cũng ghi nhận đà tăng ổn định: hợp đồng giao tháng 9/2025 đạt mức 367.70 cent/pound, tăng 6,35 cent; trong khi kỳ hạn giao tháng 12/2025 được giao dịch ở mức 360.20 cent/pound, tương ứng mức tăng 6,15 cent so với phiên trước đó.
Giới phân tích nhận định, sự suy yếu của đồng USD là một trong những yếu tố thúc đẩy đà tăng này. Chỉ số Dollar Index đã giảm xuống mức 99,64 điểm - gần mức thấp nhất trong ba năm qua, qua đó giúp kích hoạt làn sóng mua bù bán khống của các quỹ đầu cơ và nhà đầu tư lớn.
Nguyên nhân thúc đẩy đà tăng mạnh của giá cà phê

Sự khởi sắc giá cà phê còn được cho là có liên quan đến động thái mới từ chính quyền Hoa Kỳ. Cụ thể, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày, nhiều thị trường hàng hóa, trong đó có cà phê đã đồng loạt phản ứng tích cực với xu hướng tăng giá. Động thái này được các nhà nhập khẩu coi là cơ hội ngắn hạn để đẩy mạnh hoạt động nhập hàng, bởi sau khoảng thời gian 90 ngày, chính sách thuế quan có thể tiếp tục điều chỉnh theo hướng khó lường.
Ngoài ra, theo đại diện của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, giá cà phê thế giới duy trì ở mức cao trong thời gian gần đây chủ yếu do sự sụt giảm nguồn cung toàn cầu. Nhiều quốc gia sản xuất lớn đã chủ động hạn chế lượng hàng bán ra, cũng như điều kiện thời tiết bất lợi tại các vùng trồng cà phê trọng điểm của Brazil - quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới - cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng thu hoạch.
Theo nhiều doanh nghiệp, giá cà phê hiện tại trong nước vẫn đang nằm trong mức khá cao so với các năm và nếu thuận lợi có thể đạt lại mức đỉnh 135.500 đồng/kg được ghi nhận trước đó.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tác động từ yếu tố thuế quan của Mỹ chủ yếu mang tính ngắn hạn. Song, về dài hạn, thị trường cà phê sẽ tiếp tục được điều tiết bởi các yếu tố nền tảng như cung cầu thực tế, sản lượng vụ mùa, tình hình thời tiết và xu hướng tiêu dùng toàn cầu.
Do đó, theo giới phân tích, dù đã có tín hiệu hồi phục, song giá cà phê thế giới vẫn tiềm ẩn rủi ro khi yếu tố đầu cơ và chính sách thuế từ Mỹ còn nhiều bất ổn. Nông dân và doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ trong các quyết định mua bán và xuất khẩu trong ngắn hạn.
Cụ thể, người nông dân có thể xem xét bán từng phần để tận dụng giá tốt mà vẫn giữ hàng phòng rủi ro thị trường điều chỉnh. Các hộ có tồn kho lớn nên theo dõi sát giá quốc tế để đưa ra quyết định phù hợp.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cần chủ động điều chỉnh chính sách thu mua, kết hợp ký kết lại giá với các hợp đồng cũ để phù hợp với diễn biến mới. Việc nắm bắt xu hướng thị trường sớm sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại và tối ưu lợi nhuận.
Xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 3 vừa qua giảm đến gần 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, đối với mặt hàng cà phê conilon (robusta), sau giai đoạn xuất khẩu mạnh mẽ nửa đầu niên vụ 2024 - 2025, từ tháng 3 vừa qua, sản lượng xuất khẩu cà phê giảm 84% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do nhu cầu nội địa tăng và nguồn dự trữ giảm vào cuối vụ. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu cà phê conilon của Brazil đạt 346.000 tấn, thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm trước.