Ưu tiên tín dụng xanh phát triển hợp tác xã
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã luôn dành sự quan tâm cho khu vực kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nói riêng trong tiếp cận vốn tín dụng xanh. Bên cạnh các giải pháp chung giúp định hướng dòng vốn tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm ưu tiên phát triển hợp tác xã.
Bám sát chủ trương, các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể (KTTT) và hợp tác xã (HTX), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xác định HTX là một trong những đối tượng ngành ngân hàng phải ưu tiên đầu tư tín dụng. Trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng, hỗ trợ HTX phát triển và chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững.
NHNN ban hành nhiều cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng ưu đãi có đối tượng thụ hưởng là HTX nông nghiệp, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn thấp. Đặc biệt, NHNN đã triển khai Chương trình tín dụng tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và Chương trình cho vay liên kết thực hiện Đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của HTX. Cùng với đó, NHNN đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để đánh giá nguyên nhân, bàn các giải pháp tăng cường tín dụng cho khu vực HTX.

Sự vào cuộc quyết liệt của NHNN trong việc hỗ trợ các HTX nông nghiệp đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Chính sách cho vay không tài sản đảm bảo giúp nhiều HTX dễ tiếp cận vốn, thúc đẩy sản xuất lúa gạo chất lượng cao và giảm phát thải. Hiện nay các TCTD tham gia đã sẵn sàng nguồn vốn để cho vay Chương trình sau khi Bộ NN&PTNT tổng hợp, công bố chung vùng chuyên canh, các liên kết. Đến cuối năm 2024, có 35 TCTD tham gia cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX với dư nợ đạt 6.855 tỷ đồng, tăng 11,53% so với cuối năm 2023.
Nhiều HTX nông nghiệp đã mạnh dạn đăng ký vay vốn nông nghiệp khi nhận thấy những lợi ích từ các chính sách ưu đãi. Theo thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên HTX, đến cuối tháng 01/2025 đạt hơn 7,3 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2,51 triệu tỷ đồng chiếm 68,03% tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn.
Mặc dù vậy, để tín dụng xanh tiếp cận được nhiều HTX hơn nữa thì vẫn còn không ít khó khăn. Một nguyên nhân dễ thấy nhất là nhận thức về sự cần thiết phải chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững còn hạn chế từ đó dẫn đến chậm trễ trong hành động của các HTX. Ngoài ra, HTX cũng đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận thị trường và tổ chức sản xuất liên kết, thị trường tiêu thụ không ổn định nên không thể đáp ứng yêu cầu tham gia gói tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, máy móc hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, trong khi đó, hầu hết HTX hiện nay gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính do hạn chế về tài sản thế chấp, năng lực quản lý tài chính yếu, hiệu quả kinh doanh không ổn định và chưa có hồ sơ tín dụng tốt.

Nắm bắt được những khó khăn mà các HTX đang phải đối mặt, NHNN đã và đang đưa ra các giải pháp để giúp đỡ HTX. Ngày 31/03/2025, NHNN đã có Tờ trình Chính phủ liên quan tới chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các chính sách mới về nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với HTX, chính sách cho vay phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, phù hợp với yêu cầu sản xuất trong tình hình mới.
NHNN cũng yêu cầu 15 chi nhánh khu vực trên cả nước thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình cho vay đối với HTX, kịp thời có giải pháp xử lý khó khăn vướng mắc trong hoạt động tín dụng đối với loại hình kinh tế này.
Đối với Liên minh HTX Việt Nam, NHNN đề nghị phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các HTX phát huy trách nhiệm xã hội đối với môi trường nói chung và chủ động tiếp cận ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. NHNN cũng mong muốn Liên minh HTX Việt Nam chủ động trao đổi với các HTX thành viên nhằm nắm bắt nhu cầu, vướng mắc, khó khăn, từ đó kiến nghị xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp với đặc thù vùng, miền và lĩnh vực sản xuất của các HTX.
Đối với các HTX, NHNN yêu cầu đảm bảo hoạt động đúng bản chất của HTX, xây dựng và triển khai phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, tham gia và tuân thủ các quy định của mô hình sản xuất liên kết, minh bạch tài chính, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động làm cơ sở để các TCTD cho vay. Ngoài ra, HTX cũng cần đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để gói tín dụng được sử dụng đúng mục đích.
Ngày 14/4 vừa qua, Chính phủ đã có buổi làm việc nhằm xác định 45 loại hình dự án đầu tư thuộc 7 lĩnh vực được xác nhận đáp ứng tiêu chí môi trường để cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Với vai trò chủ chốt trong nền KTTT, việc có thêm những chính sách ưu đãi sẽ giúp các HTX tăng khả năng tiếp cận tín dụng xanh, từ đó hướng tới phát triển bền vững.