|
Hà Nội --°C / --%
Thứ sáu, 21/02/2025 08:02

Nâng cao năng suất quốc gia tạo sức bật khai phá những nguồn lực của đất nước trong kỷ nguyên mới

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và hội nhập sâu rộng, nâng cao năng suất chất lượng không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Năng suất không chỉ là thước đo hiệu quả mà còn là thước đo của sự tiến bộ.

Tính đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đang đứng thứ 34 trong Top 40 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào GDP bình quân đầu người và năng suất lao động, Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung nguồn lực, từng bước nâng cao năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.

nang-suat-chat-luong-3-1740021283.jpg
Các khách mời tham gia Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao năng suất quốc gia, tạo động lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới". (Ảnh vietq)

Nâng cao năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao năng suất quốc gia, tạo động lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới" nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến nhằm phân tích đa chiều, thảo luận sâu về vấn đề nâng cao năng suất quốc gia thông qua góc nhìn đa chiều.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Trần Hậu Ngọc - Phó Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định: Cải thiện và thúc đẩy nâng cao năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt vấn đề kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Viện Năng suất Việt Nam (thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia), tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2020 của Việt Nam vào khoảng 5,29%/năm. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, năng suất lao động tăng 5,88%/năm, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 05-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tư, BCHTW Đảng khóa XI về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó đề ra mục tiêu “Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%”.

nang-suat-chat-luong-1-1740021370.jpg
TS. Trần Hậu Ngọc - Phó Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.(Ảnh vietq)

Trong giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng năng suất lao động đạt được cao nhất vào năm 2019 (đạt 6,28%). Bên cạnh đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân đạt 6,5%/năm. Điều này đặt ra những yêu cầu phải cải tổ, đẩy mạnh các đột phá, đặc biệt là đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong 3 năm từ 2020 đến 2023, tốc độ tăng năng suất lao động đã giảm hơn so với giai đoạn trước, sở dĩ có sự giảm là do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, bên cạnh đó, xung đột giữa Nga – Ukraine làm cho kinh tế toàn cầu giảm sút, điều này cũng làm cho các mặt hàng xuất khẩu có sự suy giảm.

Tuy nhiên đến năm 2024, năng suất lao động đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhờ nỗ lực tập trung cải thiện năng suất. Từ các hoạt động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhiều cơ hội phát triển đã được mở ra, cùng với chiến lược ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy chính sách khoa học công nghệ, trong đó đặc biệt các ứng dụng chuyển đổi số đã thay đổi phương thức sản xuất đáng kể.

Về năng suất lao động của Việt Nam và một số nước Châu Á, trong thập kỷ qua, năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng cao nhất trong các nước ASEAN. Giai đoạn 2016 - 2023, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam đạt 5,6%/năm, được ghi nhận là có tốc độ tăng năng suất trong nhóm nước dẫn đầu trong khu vực.

Giai đoạn này tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của một số nước: Singapore là 3,3%/năm, Malaysia tăng 2,6%/năm, Thái Lan tăng 2,6%/năm, Indonesia tăng 2,4%/năm, Philippines tăng 2,8%/năm, Brunei giảm 2,5%/năm, Hàn Quốc tăng 3,8%/năm và Nhật Bản giảm 0,2%/năm.

Với những nỗ lực cải thiện năng suất trong thập kỷ qua đã giúp cho Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng năng suất, tạo cơ hội thu hẹp dần khoảng cách về mức năng suất so với các nước có nền kinh tế tiên tiến hơn.

Năm 2023 - 2024, đối diện với thách thức suy giảm kinh tế toàn cầu, một số nước vẫn duy trì tốc độ tăng năng suất ở mức khá, bao gồm Hàn Quốc, Malaysia. Một số nước tăng trưởng năng suất chậm như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, thậm chí Singapore tăng trưởng âm.

Tốc độ tăng năng suất của Việt Nam đã chậm hơn giai đoạn trước và chỉ ở mức tăng trưởng trung bình dẫn đến nguy cơ ngày càng khó bắt kịp năng suất với các nước phát triển hơn.

nang-suat-chat-luong-4-1740021210.jpg
Hoạt động tại Trung tâm khơi nguồn sáng tạo Bloom và xúc tiến đổi mới toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam về nghiên cứu công nghệ sáng tạo. (Ảnh: TTXVN)

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Theo TS. Trần Hậu Ngọc: Triển khai các mục tiêu cải thiện năng suất của Đảng và Chính phủ, nhiều chính sách, chương trình, hoạt động nâng cao năng suất đã được thực thi ở các bộ, các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thông qua đó, các kết quả cải tiến năng suất đã được ghi nhận. Năng suất nhân tố tổng hợp không ngừng cải thiện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Các chủ trương của Đảng và nhà nước thể hiện thông qua: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Đây là những định hướng rất quan trọng đã được đề ra.

Để cụ thể hoá những chủ trương theo Nghị quyết Đại hội Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến thúc đẩy năng suất. Trong đó, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (ban hành theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/08/2020 – Chương trình 1322) với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó là Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 36/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/1/2021). Mục tiêu nhằm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, TFP dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

nang-suat-chat-luong-2-1740021520.jpg
PGS. TS. Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.(Ảnh vietq)

Bên cạnh đó, Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 (Quyết định số 1305/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/11/2023) với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.

Ngoài ra, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu đặt ra đến năm 2030 liên quan đến năng suất là: Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế.

Đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP.

Nhận định về vài trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong nâng việc cao năng suất PGS. TS Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Bên cạnh vốn, công nghệ, quản trị,… thì nguồn nhân lực là đầu vào quan trọng của năng suất. Khi có con người tốt sẽ ra được vốn, công nghệ, phương pháp,... Có thể khẳng định, năng suất chất lượng bắt đầu từ con người.

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, muốn đạt được thắng lợi chúng ta phải có cách làm năng suất riêng “lấy yếu đánh mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều” giống như trong quân sự.

Đi vào chi tiết chúng ta biết rằng, tỷ lệ lao động Việt Nam thông qua đào tạo chiếm khoảng 50-60%, còn trong một số lĩnh vực quan trọng thì tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 25%. Như vậy, giáo dục tại các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề,… hiện nay có sứ mệnh rất quan trọng đó là đào tạo nâng cao năng lực và tay nghề của người lao động.

"Là một người làm giáo dục tôi cho rằng cách làm giáo dục đào tạo của Việt Nam ngày càng tiệm cận hơn so với chuẩn mực đào tạo quốc tế, gắn với thực tiễn và có nhiều cải tiến.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng luôn tồn tại khoảng cách giữa yêu cầu của thị trường với năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục. Sứ mệnh của các trường đại học, cao đẳng là cung cấp thái độ, kiến thức, kỹ năng cơ bản cho sinh viên. Còn một phần trách nhiệm rất quan trọng nữa là hoạt động đào tạo từ phía doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên trích ra một phần để đầu tư cho hoạt động đào tạo và đây là điều rất thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu của chính doanh nghiệp", PGS. TS Phan Chí Anh cho biết thêm./.

Bình Châu (tổng hợp)  
Nâng cao năng suất quốc gia tạo sức bật khai phá những nguồn lực của đất nước trong kỷ nguyên mới
Để ngành tôm bứt phá và phát triển bền vững cần nhân rộng các mô hình tuần hoàn, kinh tế xanh
Hút vốn và khơi thông đầu tư cho năng lượng tái tạo
Những dự án đầu tư lớn đang tạo lực đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Tạo động lực giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng phát huy lợi thế thương mại điện tử
Công nghệ và bền vững Những trụ cột định hình ngành du lịch toàn cầu năm 2025
Để giữ vị thế cường quốc xuất khẩu hồ tiêu, Việt Nam cần chủ động sản xuất xanh nâng tầm giá trị
TP.HCM cần xây dựng Trung tâm hội chợ, triển lãm xứng tầm
“Mỏ vàng” năng lượng tái tạo giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững
Đóng góp những sáng kiến và giải pháp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn
Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp phát triển ngành sữa
Đẩy mạnh phát triển nhuyễn thể và rong biển là phù hợp với xu thế xanh
Chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm
Tạo lực hấp dẫn luồng vốn FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường
2025 – Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
Góc nhìn ngoại giao, văn hóa và môi trường
Giải pháp khơi nguồn tài chính xanh tạo sức bật cho các chuỗi liên kết nông nghiệp hiện đại
Nâng cao nhận thức và hành động về phát triển kinh tế di sản
Xem thêm