VN30 lập đỉnh mới, VN-Index vững vàng tiến bước trong sắc xanh
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thể hiện sự khởi sắc trong phiên giao dịch cuồi cùng trong tuần với tâm điểm là sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số VN30 tăng mạnh 24,67 điểm, tương ứng 1,57%, lên 1.594,01 điểm, mức cao kỷ lục mới trong lịch sử, vượt qua đỉnh cũ được thiết lập vào cuối tháng 11/2021. Trong phiên, chỉ số này đã có thời điểm chạm ngưỡng 1.600 điểm.
VN-Index cũng giữ được đà tăng ổn định, kết phiên tại 1.457,76 điểm, tăng 12,12 điểm (+0,84%) so với tham chiếu. Sàn HNX ghi nhận mức tăng nhẹ 0,37 điểm (+0,16%), lên 238,81 điểm. Sắc xanh có phần lấn lướt khi toàn thị trường ghi nhận 404 mã tăng, trong khi có 395 mã giảm và 722 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao. Riêng sàn HOSE, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 1,27 tỷ cổ phiếu với giá trị hơn 31.940 tỷ đồng, tăng đáng kể so với phiên hôm qua. Trên HNX, giá trị giao dịch đạt hơn 2.369 tỷ đồng với 143,02 triệu cổ phiếu được trao tay. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 35.081 tỷ đồng, với tổng khối lượng hơn 1,52 tỷ cổ phiếu.
Về diễn biến, VN-Index mở cửa trong sắc xanh, tiến sát 1.460 điểm ngay từ đầu phiên nhờ lực kéo từ các cổ phiếu đầu ngành. Trong phiên sáng, chỉ số này từng vượt 1.460 điểm trước khi lùi nhẹ do áp lực chốt lời nhưng sau đó hồi phục trở lại nhờ lực cầu ổn định từ khối nội và ngoại. Phiên chiều diễn ra với nhịp giằng co, song bên mua chiếm ưu thế, giúp chỉ số duy trì đà tăng đến hết phiên.
Trong nhóm VN30, sắc xanh chiếm ưu thế với 17 mã tăng, 10 mã giảm và 3 mã đứng giá. Nổi bật là cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tăng 6,3%, đóng góp tới 6,11 điểm cho chỉ số VN-Index. Theo sau là VCB (+2,57 điểm), VHM (+1,85 điểm), HPG (+1,30 điểm) và FPT (+0,95 điểm). Ở chiều ngược lại, VPL (-0,57 điểm), CTG (-0,49 điểm), HVN (-0,30 điểm) và GAS (-0,27 điểm) là các mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung.
Về nhóm ngành, bất động sản là điểm sáng của thị trường với mức tăng 2,30%, dẫn dắt bởi các mã như VIC (+6,3%), VHM (+2,21%), VRE (+0,53%) và KBC (+0,36%). Ngành công nghệ thông tin đứng thứ hai với mức tăng 1,93%, chủ yếu nhờ FPT (+2,18%). Ngành nguyên vật liệu cũng ghi nhận mức tăng ổn định 0,78% với sự đóng góp từ HPG (+3,38%) và DGC (+2,17%). Ngược lại, dịch vụ truyền thông là ngành giảm mạnh nhất trong ngày với 1,10%, do ảnh hưởng từ VNZ (-3,48%), VGI (-1,18%) và CTR (-0,78%).
Khối ngoại tiếp tục giữ vai trò nâng đỡ thị trường khi mua ròng hơn 1.145 tỷ đồng trên cả ba sàn, trong đó riêng HOSE ghi nhận giá trị mua ròng 1.194 tỷ đồng. Top cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất bao gồm SSI (+512,75 tỷ đồng), HPG (+270,04 tỷ đồng), VHM (+103,48 tỷ đồng), VCB (+94,79 tỷ đồng) và MSN (+93,29 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, SHB (-118,52 tỷ đồng), CTG (-99,22 tỷ đồng) và E1VFVN30 (-70,53 tỷ đồng) là những mã bị bán ròng đáng chú ý.
Đáng chú ý, việc chỉ số VN30 lập đỉnh lịch sử diễn ra trong bối cảnh dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn còn nhiều room cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này lý giải sự chênh lệch đáng kể khi mức tăng của VN-Index (+0,84%) chỉ bằng khoảng một nửa mức tăng của VN30 (+1,57%).
Theo thống kê, trong tuần này khối ngoại liên tiếp mua ròng 6/6 phiên với tổng giá trị 6.826 tỷ đồng. Dòng tiền phần lớn đổ vào nhóm cổ phiếu đầu ngành như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản đang tạo ra lực đẩy quan trọng giúp các chỉ số chính tiếp tục mở rộng biên độ tăng.
Dù diễn biến thị trường có phần phân hóa ở một số thời điểm trong phiên, nhưng xu hướng tăng vẫn là chủ đạo nhờ lực kéo từ các mã dẫn dắt. Nhìn chung, phiên giao dịch ngày 11/7 kết thúc trong trạng thái tích cực, khép lại tuần giao dịch đầu tiên sau thỏa thuận thương mại Việt – Mỹ bằng một phiên tăng điểm ấn tượng.