"Xanh hóa" giáo dục để tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh
Hiện nay, hoạt động khuyến học không chỉ diễn ra trong bối cảnh xã hội số, mà còn cần thích ứng với yêu cầu của một xã hội xanh, hướng đến xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam.
Hiện nay, hoạt động khuyến học không chỉ diễn ra trong bối cảnh xã hội số, mà còn cần thích ứng với yêu cầu của một xã hội xanh, hướng đến xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam.

Giáo dục xanh phải gắn với phát triển kinh tế xanh
Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Hội Khuyến học Việt Nam đã xây dựng chương trình "Khuyến học xanh", triển khai theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050".
Tiếp nối định hướng này, sáng 15/4, Hội Khuyến học Hà Nội đã tổ chức hội thảo chuyên đề "Khuyến học xanh - Vì sự phát triển bền vững của thủ đô" nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Hà Nội về tầm quan trọng của Chiến lược tăng trưởng xanh đối với sự phát triển bền vững của thủ đô.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh nhấn mạnh: ngày nay, khuyến học không chỉ hoạt động trong một xã hội số, mà còn trong một xã hội xanh để xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Trong 5 năm tới (2025 - 2030), nhiệm vụ trọng tâm của Hội Khuyến học là thực hiện thắng lợi các mô hình học tập theo đúng chức năng của Hội. Đó là hỗ trợ và khuyến khích việc dạy và học của công dân, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập suốt đời của công dân trong hệ thống giáo dục liên tục.
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam chỉ rõ, nói đến khuyến học xanh thì phải nói đến giáo dục xanh. Đó là giáo dục cho con người có lối sống xanh; suy nghĩ, hành động lành mạnh và luôn hướng đến sự cân bằng của môi trường.

Làm rõ khái niệm chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giáo dục, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng thư kí Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho biết: Giáo dục xanh là phát triển kiến thức, kỹ năng, phát triển giá trị, quan điểm mang tầm thế giới để tạo ra thế hệ, lớp người hành động đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội. Giáo dục xanh là nền giáo dục định hướng cho tương lai, tập trung vào bảo vệ môi trường, tạo ra một thế giới công bằng hơn về mặt sinh thái, tự nhiên, xã hội.
Do đó, theo GS.TS Phạm Tất Dong, việc "xanh hóa" giáo dục là hướng tới đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tham gia nền kinh tế xanh - một xu thế tất yếu trên toàn cầu.
"Giáo dục là một bộ phận của hệ thống kinh tế quốc dân, do đó chiến lược giáo dục xanh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xanh. Việc chuyển đổi giáo dục không thể tách rời các mục tiêu và định hướng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia" - GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực xanh
Phát triển xanh và bền vững vừa là mục tiêu vừa là động lực quan trọng trong xu thế phát triển chung với mọi quốc gia trên thế giới hiện nay. Phát biểu tại hội thảo, TS.KTS Ngô Thị Kim Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - nhấn mạnh vai trò then chốt của lực lượng "lao động xanh" trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh.

Lao động xanh là lực lượng làm việc trong các ngành nghề có tác động tích cực đến môi trường, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Khác với lao động thông thường, lao động xanh cần có hiểu biết chuyên sâu về công nghiệp xanh, công nghệ tái tạo và các giải pháp bảo vệ môi trường.
Do đó, để xây dựng được đội ngũ này, công tác đào tạo là yếu tố then chốt. Hội Khuyến học các cấp có thể đóng vai trò hỗ trợ đào tạo lao động xanh thông qua việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo cơ hội học nghề, khuyến khích học tập suốt đời và kết nối cơ hội nghề nghiệp – bà Dung chia sẻ.
Hiện nay, xu hướng tuyển dụng lao động xanh tại Việt Nam chủ yếu xuất hiện ở một nhóm nhỏ các doanh nghiệp lớn và công ty đa quốc gia, dù thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh toàn cầu.
Theo thống kê của ManpowerGroup Việt Nam (2023–2024), nhu cầu lao động xanh cao nhất thuộc về lĩnh vực sản xuất (33%), sau đó là các ngành khoa học đời sống, y tế,... Đồng thời, nhiều ngành nghề khác cũng đang dần chuyển đổi theo hướng xanh hoá.
Theo bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nhu cầu về kỹ năng xanh đang vượt xa nguồn cung. Dự báo đến năm 2030, khoảng 60% thanh niên có thể thiếu kỹ năng cần thiết để tham gia vào nền kinh tế xanh. Do vậy, cần có những giải pháp kịp thời để thu hẹp khoảng cách này, bảo đảm tất cả mọi người - bất kể xuất thân hay giới tính - đều có cơ hội tiếp cận công bằng với những kỹ năng xanh cần thiết.
Để phát triển thị trường lao động xanh một cách bền vững, bà Cao Lê Thanh Loan - Giám đốc cấp cao tại ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh, để phát triển thị trường lao động xanh một cách bền vững, trước mắt cần đẩy mạnh truyền thông và giáo dục cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động về ý nghĩa của chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp nên xây dựng đội ngũ nội bộ hoặc hợp tác với các đơn vị tư vấn để tìm hướng đi phù hợp, tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả và mở ra cơ hội việc làm mới.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện chuyển đổi xanh. Về lâu dài, nguồn nhân lực và kỹ năng sẽ là yếu tố then chốt để phát triển bền vững. Các cơ sở giáo dục - đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và người lao động để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của thị trường việc làm xanh.