Áp lực bán giải chấp quá lớn, VN-Index mất mốc 1.100 điểm
Dù lực cầu đã chủ động bắt đáy trong phiên hôm nay (ngày 9/4) sau khi có tin tức về lịch đàm phán thuế quan với Mỹ, song áp lực bán giải quá lớn khiến thị trường có thêm phiên giảm sâu khi VN-Index mất mốc 1.100 điểm.

VN-Index mở cửa phiên hôm nay lao dốc 59 điểm theo quán tính. Chỉ số chung sau đó rút chân tăng mạnh khi có tin tức về lịch đàm phán thuế quan với Mỹ. Tuy nhiên, từ khoảng 10h sáng, áp lực “call margin” và bán giải chấp từ các công ty chứng khoán đem lực cung trở lại thị trường, khiến VN-Index chỉ kịp le lói trong chốc lát. Một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận lực cầu tích cực như VIC, VHM, VRE và SAB cùng một nhóm nhỏ các cổ phiếu riêng lẻ có quy mô vốn hóa vừa và nhỏ khác. Thanh khoản giao dịch cải thiện 20% so với phiên sáng hôm qua với số mã cổ phiếu giảm sàn ít hơn, cho thấy lực cầu bắt đáy đã quay trở lại thị trường tích cực hơn.
Sang tới phiên chiều, VN-Index có vận động tích cực ngay từ đầu phiên khi tiến lên ngưỡng 1.120 điểm. VIC, VHM và VRE tiếp tục là “trụ cột” cho chỉ số chung xuyên suốt cả phiên. Tới cuối phiên, áp lực bán giải chấp vẫn còn cùng với lực cung từ những nhà đầu tư đã bắt đáy trong các phiên cuối tuần trước khiến chỉ số chung nới rộng mức giảm trở lại lên gần 39 điểm. Thanh khoản giao dịch trung bình ngay tăng 35%.

Trong rổ VN30, GVR, HPG, BCM, MSN, SSI, GAS, PLX, BVH là những mã giảm sàn. Ngoài ra, một số mã ngân hàng giảm mạnh như CTG giảm 6,11%, VCB giảm 5,91%, HDB giảm 5,94%, STB giảm 4,89%, BID giảm 3,13%.
Ở chiều ngược lại, SAB trở thành mã có mức tăng tốt nhất rổ VN30 với mức tăng 3,52%. Bộ 3 mã nhà Vingroup cũng ghi nhận mức tăng mạnh, với VIC tăng 3,45%, VHM tăng 3,19% và VRE tăng 2,86%. Ngoài ra, SSB, LPB và FPT cũng đảo chiều thành công, trong đó SSB tăng 1,58%, LPB tăng 0,96%, FPT tăng nhẹ 0,19%.

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 38,49 điểm (-3,40%), xuống 1.094,3 điểm, với 133 mã tăng và 351 mã giảm, trong đó có 147 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,6 tỷ đơn vị, giá trị đạt 32.402 tỷ đồng, tăng 37,6% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 83,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.073,5 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 8,47 điểm (-4,21%), xuống 192,58 điểm, với 63 mã tăng và 134 mã giảm, trong đó có 48 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 143,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.942,3 tỷ đồng, tăng 60% về khối lượng và 50% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 317 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,09%), xuống 84,41 điểm, với 110 mã tăng và 214 mã giảm, trong đó có 24 mã giảm sàn khi đóng cửa. Tổng khối lượng giao dịch đạt 84,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.005,6 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ hơn nhiều so với thị trường cơ sở. Trong khi VN30-Index giảm 28,83 điểm (-2,41%), xuống 1.168,68 điểm thì hợp đồng đáo hạn tháng 4 chỉ giảm nhẹ 0,5 điểm (-0,04%), xuống 1.178 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 580.281 hợp đồng, tổng giá trị tới 68.204,3 tỷ đồng; khối lượng mở 57.786 hợp đồng.
CTCK Vietcombank cho biết, thông tin về tình hình thuế quan với Mỹ đang mang tính trọng yếu với thị trường chứng khoán Việt Nam và được dự kiến sẽ có diễn biến tiếp theo vào đầu phiên sáng ngày mai (10/4). Khối lượng giao dịch trong phiên tăng mạnh kèm với biên độ vận động lớn trong phiên phản ánh cả lực cung bán giải chấp margin trên diện rộng, đồng thời lực cầu chủ động kỳ vọng vào kịch bản thông tin tích cực.
Theo đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư vẫn cần ưu tiên quản trị rủi ro cho danh mục và chờ đợi sự xuất hiện của các thông tin mới có thể tác động đến chênh lệch cung cầu của thị trường, nhưng đồng thời có thể tận dụng các nhịp hồi phục trong phiên của thị trường để cơ cấu lại danh mục hoặc lướt sóng ngắn hạn các cổ phiếu có sẵn trong tài khoản để hạ giá vốn.