|
Hà Nội --°C / --%
Thứ ba, 29/04/2025 11:50

Đẩy mạnh hợp tác với Indonesia, Việt Nam tạo dư địa mở rộng xuất khẩu thị trường Halal

Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức thương mại, các doanh nghiệp cần đổi mới mô hình, tập trung vào thị trường tiềm năng như Halal để mở rộng xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm. Bởi vậy, cần tăng cường hợp tác với Indonesia - thị trường Halal lớn nhất thế giới.

Nội dung trên được nhấn mạnh tại Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Indonesia” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 28/4. Sự kiện thu hút sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp hai nước, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt khai thác thị trường Halal tiềm năng.

xuat-khau-thi-truong-ha-lal-3-1745893515.jpg
Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Indonesia”. (Ảnh CTV)

Doanh nghiệp tập trung vào thị trường tiềm năng như Halal để mở rộng xuất khẩu

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, cho biết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, đặc biệt là những thách thức từ hàng rào kỹ thuật và bảo hộ thương mại, điển hình như chính sách áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ, đã tạo áp lực lớn đến thị trường thương mại quốc tế; trong đó có Việt Nam.

Trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng do nhu cầu thế giới sụt giảm, giá nguyên liệu tăng, chi phí logistics cao và sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực.

Vì vậy, doanh nghiệp cần đổi mới mô hình, tập trung vào thị trường tiềm năng như Halal để mở rộng xuất khẩu, đồng thời chủ động ứng phó với nguy cơ sụt giảm ở thị trường truyền thống.

Theo ông Trần Phú Lữ, thời gian qua Việt Nam và Indonesia không ngừng tăng cường và mở rộng hợp tác, tạo dựng mối gắn kết bền chặt giữa hai nền kinh tế theo hướng cùng có lợi và phát triển bền vững.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2025, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Indonesia đạt 4,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt 1,4 tỷ USD tập trung vào các nhóm hàng chủ lực như: càphê, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại, hàng dệt may, điện thoại và linh kiện... Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn trong khối ASEAN.

Riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2024 tổng kim ngạch thương mại với Indonesia đạt 1,6 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

xuat-khau-thi-truong-ha-lal-5-1745893501.jpg
Nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường Hala. (Ảnh: TL)

Dù tăng trưởng tích cực, nhưng trong bối cảnh xuất khẩu chung đang chịu thách thức lớn trong bối cảnh khó khăn chung, những con số này cho thấy hai bên cần phải đẩy mạnh hơn các hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của thành phố.

Theo các báo cáo nghiên cứu, ngành công nghiệp Halal và thị trường sản phẩm Halal còn nhiều dư địa để khai thác. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường Halal, bao gồm thực phẩm và đồ uống (F&B) và các ngành hàng khác, đạt 10.000 tỷ USD; trong đó, riêng lĩnh vực F&B dự kiến đạt 5.910 tỷ USD vào năm 2033.

Indonesia là thị trường Halal lớn nhất thế giới với hơn 280 triệu dân; trong đó phần lớn theo đạo Hồi. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đạt chuẩn Halal sang thị trường này.

Tuy nhiên, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn và thách thức, ITPC sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, đặc biệt các thị trường giàu tiềm năng như Indonesia.

Bởi vậy, để chinh phục thị trường này, doanh nghiệp cần hiểu rõ và tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Văn phòng Chứng nhận Halal (HCA), cho biết Indonesia yêu cầu hầu hết sản phẩm nhập khẩu phải có chứng nhận Halal của Cơ quan Bảo đảm Sản phẩm Halal Indonesia (BPJPH). Những sản phẩm không đạt chuẩn sẽ phải ghi nhãn “Non-Halal” rõ ràng.

Quy trình cấp chứng nhận bao gồm việc kiểm tra hồ sơ, đánh giá thực tế, tuân thủ Tiêu chuẩn SJPH số 20/2023 và đăng ký trên hệ thống SIHALAL. Logo Halal phải được in rõ trên bao bì theo quy định. Lộ trình bắt buộc dán nhãn Halal dự kiến sẽ hoàn thiện trước ngày 17-10-2026. Đây là rào cản kỹ thuật đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ để đảm bảo việc thâm nhập suôn sẻ vào thị trường Indonesia.

Hợp tác song phương và liên kết khu vực là "chìa khóa" khai thác các thị trường giàu tiềm năng

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM nhìn nhận, thị trường Halal với hơn 2 tỷ người Hồi giáo là thị trường đầy tiềm năng, tuy nhiên, thời gian qua, các DN Việt chưa chú ý nhiều tới thị trường này. Bên cạnh đó, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Hiện nay, ngành lương thực thực phẩm hiện chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, là một trong 04 ngành công nghiệp trọng yếu ưu tiên phát triển của TPHCM.

"Để hỗ trợ các DN trong nước, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, các sở, ngành của TPHCM nên đẩy mạnh tuyên truyền về thị trường Hala để các DN hiểu rõ và chủ động kết nối thị trường hơn" bà Chi cho biết.

xuat-khau-thi-truong-ha-lal-2-1745893622.jpg
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp tìm hiểu tiêu chuẩn Halal khi xuất khẩu hàng vào thị trường Indonesia. (Ảnh CTV)

Thúc đẩy trao đổi thương mại cũng là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa định hướng hợp tác mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất khi chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam – Indonesia lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào ngày 10/3/2025 vừa qua.

Việt Nam và Indonesia nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành, mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, hướng tới việc xây dựng quan hệ đối tác số, kinh tế số, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, xây dựng giải pháp công nghệ mới dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và đặc biệt là các sản phẩm Halal.

Bà Soneta Asmara - Lãnh sự phụ trách Kinh tế Indonesia nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa suy giảm và chuỗi cung ứng phân mảnh, hợp tác song phương và liên kết khu vực là chìa khóa để vượt qua khó khăn. Cả Việt Nam và Indonesia đều có những điểm tương đồng: dân số trẻ, đô thị hóa mạnh, đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách kinh tế và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu qua các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Việt Nam và Indonesia đều là động lực tăng trưởng của ASEAN, với các ngành mũi nhọn như năng lượng xanh, phương tiện di chuyển điện và công nghệ cao. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, hai bên cần cụ thể hóa các cam kết bằng những hành động thiết thực, từ hỗ trợ chứng nhận Halal, đào tạo doanh nghiệp đến xây dựng chuỗi cung ứng chung.

xuat-khau-thi-truong-ha-lal-1-1745893675.jpg
Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM chia sẻ tiềm năng thị trường Indonesia. (Ảnh CTV)

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Indonesia có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, tạo nền tảng để mở rộng hợp tác đa lĩnh vực giữa hai nước; trong đó, ngành công nghiệp Halal là trọng tâm hợp tác, không chỉ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Hồi giáo mà còn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng toàn cầu nhờ cam kết về chất lượng và an toàn.

“Ngành công nghiệp Halal không chỉ giới hạn ở thực phẩm và đồ uống, mà còn bao gồm mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang, du lịch và dịch vụ tài chính. Điều này mở ra nhiều cơ hội hợp tác lớn cho các quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng này; trong đó có Việt Nam. Indonesia, với vai trò là quốc gia Hồi giáo, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn Halal, đồng thời kỳ vọng hợp tác với Việt Nam trong đa dạng các lĩnh vực”, ông Agustaviano Sofjan nói thêm.

Đồng thời, ông Agustaviano Sofjan còn đề xuất ba hướng tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và kỹ thuật trong chứng nhận Halal, đẩy mạnh liên doanh đầu tư vào lĩnh vực Halal (chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, du lịch), và khuyến khích doanh nghiệp hai nước tham gia triển lãm thương mại Halal quốc tế, như Halal Indo 2025 sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây.

Ông Trần Phú Lữ cho biết, ITPC cam kết tiếp tục đóng vai trò kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố khai thác các thị trường giàu tiềm năng, đặc biệt là thị trường Halal. Hội thảo lần này cũng cụ thể hóa định hướng hợp tác sau khi Việt Nam và Indonesia chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào ngày 10/3/2025, tạo tiền đề thúc đẩy giao thương và đầu tư song phương.

Với sự hỗ trợ từ ITPC, HCA và các đối tác Indonesia, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội vượt qua thách thức, tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường 280 triệu dân của Indonesia và xa hơn là thị trường Halal toàn cầu. Đây là thời điểm để doanh nghiệp hành động, đổi mới và vươn xa trên hành trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

Trọng Bình  
Đẩy mạnh hợp tác với Indonesia, Việt Nam tạo dư địa mở rộng xuất khẩu thị trường Halal
Giá vàng trong nước giảm theo xu hướng vàng thế giới
Vietjet nhận tàu bay mới, đưa vào khai thác phục vụ cao điểm kỳ nghỉ lễ
Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025 níu chân du khách 'Trải nghiệm xứ Trà
Du lịch Quảng Nam tiếp tục bứt tốc từ các sản phẩm du lịch xanh và những điểm đến hấp dẫn
Chìa khóa then chốt tạo động lực cho doanh nghiệp vượt khó trong thách thức
Giá vàng trong nước tăng, vàng thế giới sụt giảm
Giải phóng sức sản xuất, khơi dậy tiềm năng phát triển của kinh tế tư nhân
Chuyên gia chỉ cách để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong nước
FPT Long Châu đẩy mạnh chuyển đổi AI, mục tiêu mở mới 430 cửa hàng gồm nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng
Phú Mỹ và TGS hợp tác phát triển chuỗi giá trị xanh
Thúc đẩy hợp tác công - tư để chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Giá vàng trong nước vọt lên đỉnh mới
Giá vàng ngày 21/4: Tăng trở lại
Kinh tế Đắk Nông tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nỗ lực vượt khó
Đổi mới sáng tạo trong xây dựng thương hiệu quốc gia khẳng định vị thế thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế
Nestlé đầu tư gần 1.900 tỷ đồng mở rộng nhà máy Trị An: Dấu ấn 30 năm gắn bó và phát triển cùng Việt Nam
Đổi mới sáng tạo giữ vai trò động lực tăng trưởng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp
Giá vàng ngày 19/4: Giảm mạnh sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng
Khánh Hòa đón chuyến bay đầu tiên từ Khabarovsk
Xem thêm