Diễn biến giằng co trong nước – thế giới, giá quốc tế tăng mạnh, thị trường nội địa gồng mình bình ổn.
Trong phiên giao dịch ngày 30/5/2025, thị trường vàng ghi nhận nhiều biến động đáng chú ý khi giá trong nước điều chỉnh giảm nhẹ sau chuỗi ngày tăng nóng, trong khi giá vàng quốc tế lại đi lên do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô từ Mỹ và châu Âu. Sự trái chiều giữa hai thị trường phản ánh không chỉ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước mà còn là tác động của bối cảnh toàn cầu đầy bất định.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC mở cửa sáng nay được các doanh nghiệp lớn như SJC, DOJI hay Phú Quý niêm yết quanh mốc 116 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 118,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tức giảm khoảng 500.000 đồng/lượng so với phiên liền trước. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI hiện tại đang công bố mức giá bán ra khá cao lên đến 119 triệu đồng/lượng trong khi vẫn giữ nguyên giá mua vào cao nhất so với các đối thủ còn lại (116,5 triệu đồng/lượng).

Ngoài ra, ngược lại với DOJI, Công ty TNHH Vàng Mi Hồng hiện đang công bố giá vàng ở mức giá 116.500 - 118.000 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra, cho thấy xu hướng kinh doanh chênh lệch nhằm bảo toàn biên lợi nhuận trước biến động khó lường của thị trường.
Sự điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh thị trường vàng trong nước đã chứng kiến những phiên tăng vọt suốt từ đầu tháng 5, đặc biệt sau khi giá vàng thế giới vượt mốc 3.500 USD/ounce vào khoảng gần cuối tháng 4 – mức cao chưa từng thấy trong năm nay, dựa trên tâm lý ảnh hưởng lớn từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.
Trái ngược với diễn biến trong nước, giá vàng thế giới trong phiên sáng ngày 30/5 (theo giờ Việt Nam) tiếp tục duy trì xu hướng tăng khi giao dịch quanh mốc 3.316 USD/ounce, nhích nhẹ 0,65% so với phiên liền trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự giảm sút trong kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ và tâm lý phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư khi nhiều số liệu kinh tế quan trọng như niềm tin tiêu dùng, đơn đặt hàng dài hạn và chỉ số sản xuất đều có dấu hiệu suy yếu.
Đồng USD giảm giá, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đi xuống và những lo ngại về việc Fed có thể kéo dài chính sách lãi suất cao là những động lực chính kéo vàng đi lên.

Theo giới phân tích, giá vàng quốc tế đang được hỗ trợ mạnh từ kỳ vọng về một chu kỳ nới lỏng tiền tệ sắp tới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới có dấu hiệu “mất lửa” sau một thời gian dài chống chọi với lạm phát. Dù Fed chưa chính thức đưa ra lộ trình cắt giảm lãi suất, nhưng các số liệu gần đây – đặc biệt là báo cáo việc làm không mấy khả quan – khiến thị trường bắt đầu định giá khả năng Fed sẽ hạ lãi suất vào quý III năm nay.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và tình hình xung đột chưa có hồi kết ở Ukraine – Nga cũng là những yếu tố củng cố vị thế của vàng như một “hầm trú ẩn” an toàn trong danh mục đầu tư toàn cầu. Tâm lý lo ngại chiến tranh lan rộng và sự sụp đổ của các kênh đầu tư rủi ro khiến dòng tiền tiếp tục đổ vào các tài sản bảo toàn giá trị, trong đó có vàng.