Doanh nghiệp đa cấp phải rà soát toàn bộ sản phẩm sau vụ thuốc giả, sữa giả
Nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đa cấp rà soát sản phẩm và hoạt động quảng cáo.

Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm nêu rõ, thực phẩm chức năng được quy định gồm 4 nhóm (thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt), trong đó nhóm thực phẩm bổ sung có thể tự công bố.
Theo đó, phần lớn sản phẩm thực phẩm được tự công bố; riêng 4 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong quản lý các nhóm thực phẩm cụ thể; đồng thời làm rõ vai trò thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Chính sách này được xem là bước cải cách tích cực, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động linh hoạt, chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, không ít trường hợp đã lợi dụng điều này để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, dán nhãn sữa, thuốc cao cấp... rồi quảng cáo thổi phồng, đánh lừa người tiêu dùng.
Nhiều trường hợp sản xuất, phân phối sản phẩm sữa giả, thuốc giả; quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm thực phẩm, với sự tham gia của những người có ảnh hưởng trong xã hội đã bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ hoặc bị khởi tố.
Điển hình như, đầu tháng 4, Bộ Công an phát hiện đường dây sữa giả liên quan đến 573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai… Nhiều sản phẩm có chất lượng thực tế chỉ đạt dưới 70% so với công bố đã được tiêu thụ rộng rãi, thậm chí xuất hiện tại một số bệnh viện.
Không chỉ vậy, các sản phẩm sữa giả trên còn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, được một số người nổi tiếng và chuyên gia y tế quảng cáo rầm rộ.
Hay như mới đây, tại Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã triệt phá một đường dây buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn với tổng khối lượng lên đến 10 tấn, thu lợi bất chính khoảng gần 200 tỷ đồng...
Tại Phú Thọ, lực lượng chức năng phát hiện một kho hàng thực phẩm giả với số lượng lớn do Công ty TNHH Famimoto Việt Nam quản lý. Tang vật bị thu giữ gồm hơn 71.000 lít dầu ăn, 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh và gần 84 tấn phụ gia, cùng hơn 1,5 triệu vỏ bao bì, can nhựa.

Nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp bán hàng đa cấp khẩn trương, nghiêm túc thực hiện rà soát việc công bố sản phẩm và hoạt động quảng cáo sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm trong danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm đã được công bố đúng quy định, lưu hành đúng nội dung công bố, đảm bảo rõ ràng, chính xác thông tin về thành phần, công dụng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu các doanh nghiệp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế. Không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng người có ảnh hưởng (KOL/Influencer…) để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp và người có ảnh hưởng đều phải đảm bảo minh bạch thông tin, không gây hiểu nhầm và tuân thủ nghiêm quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Theo Bộ Công Thương, trên cả nước hiện chỉ còn 16 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (giảm 4 doanh nghiệp so với đầu năm 2024)./.
- Tin liên quan
- • TP.HCM chưa phát hiện sản xuất, buôn bán sữa giả