Doanh nghiệp đẩy mạnh tận dụng các FTA đa dạng các thị trường xuất khẩu để giữ nhịp tăng trưởng
Hiện nay, Hoa Kỳ chiếm 30% thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Bởi vậy, một số sản phẩm chủ lực như ngành đồ gỗ, thủy sản, nông nghiệp dự báo cũng chịu ảnh hưởng bởi thuế đối ứng cao, dẫn đến chi phí tăng và xuất khẩu giảm tại thị trường Hoa Kỳ, điều này cũng ảnh hưởng tới việc đóng góp vào tổng thể xuất khẩu chung.

Doanh nghiệp xuất khẩu có những cách tiếp cận và ứng phó khác nhau
Dưới những tác động từ biến động thị trường, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu đều có những cách tiếp cận và ứng phó khác nhau nhằm duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và ổn định thị trường.
Hiện Hoa Kỳ chiếm 30% thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, chính sách thuế quan của Hoa Kỳ có thể ảnh tới một số ngành của Việt Nam, như ngành điện tử (bao gồm các nhà sản xuất lớn như: Samsung, Intel và LG) là các tập đoàn có đóng góp quan trọng vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Theo đó, việc áp thuế cao có thể ảnh hưởng đến các công ty này làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ, buộc các doanh nghiệp phải tính toán lại chiến lược toàn cầu của mình.
Mặc dù một số linh kiện như chất bán dẫn được miễn trừ thuế đối ứng, song sự gián đoạn tổng thể về chuỗi cung ứng điện tử vẫn là mối quan ngại lớn với các tập đoàn trên. Ngoài ra, các ngành như dệt may, giày dép có sử dụng nhiều lao động của Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với thách thức đáng kể, các ngành sản xuất chủ lực, kim ngạch xuất khẩu lớn và đặc biệt nhạy cảm với mức thuế đối ứng cao tại thị trường Hoa Kỳ dẫn đến giảm tiêu dùng tại thị trường này.
Đối với ngành đồ gỗ, thủy sản, nông nghiệp dự báo cũng chịu ảnh hưởng bởi thuế đối ứng cao, dẫn đến chi phí tăng và xuất khẩu giảm tại thị trường Hoa Kỳ, điều này cũng ảnh hưởng tới việc đóng góp vào tổng thể xuất khẩu chung.

Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan khu vực XVI Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là tình huống ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh – nơi nhiều doanh nghiệp phụ thuộc thị trường Mỹ, đơn vị đã và đang triển khai nhiều giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, Chi cục đã thành lập các tổ ở trên địa bàn để trực tiếp đến các DN trên địa bàn có hàng hóa xuất khẩu nước Mỹ để nắm bắt vướng mắc, khó khăn của DN trong quá trình xuất khẩu. Từ đó tổng hợp, sẽ kiến nghị và xử lý theo thẩm quyền nhằm tạo thuận lợi nhất cho DN.
Để tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, Chi cục Hải quan khu vực XVI đã có yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải giải quyết thủ tục hải quan liên tục, kể cả vào ngày lễ và cuối tuần. Ưu tiên hàng đầu được dành cho việc xử lý các lô hàng sắp hết thời hạn lưu kho. Đồng thời, các hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng tạm thời được dừng lại. Cơ quan Thuế và Hải quan cũng đang nỗ lực đẩy nhanh quy trình hoàn thuế và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp.
Tăng cường đàm phán để vận động xử lý các vấn đề thuế đối ứng hỗ trợ doanh nghiệp
Từ thực tế hiện nay, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, tăng cường đàm phán để vận động xử lý các vấn đề thuế đối ứng, đặc biệt là triển khai lộ trình cụ thể để Việt Nam bảo vệ lợi ích thương mại trước các biện pháp thuế quan tiềm tàng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong thương mại song phương giữa hai nước về công nghiệp, thương mại, đầu tư, công nghiệp, năng lượng, trí tuệ nhân tạo…
Ông Hưng cũng nhấn mạnh việc đa dạng các thị trường xuất khẩu, thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA mới để phân chia các rủi ro trong trường hợp thị trường có những biến động và tìm các thị trường xuất khẩu thay thế cho thị trường Hoa Kỳ.
Đại diện Thương vụ kiến nghị các nhà quản lý đưa ra các biện pháp kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa thông qua kích cầu tiêu dùng trong nước để bù đắp cho suy giảm xuất khẩu tiềm tàng trong thời gian tới.
Đối với các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, nâng cấp công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đơn giản hóa các quy định kinh doanh và cải thiện cơ sở hạ tầng để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo sự cạnh tranh hơn nữa tại thị trường Hoa Kỳ…

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Hoa Kỳ. Trong 90 ngày hoãn thuế của Hoa Kỳ, doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất, cũng như giữ được giá mua nguyên liệu tốt.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng chủ động kết nối với Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan trong công tác đàm phán với các đối tác, đồng thời sẵn sàng phương án dự phòng trong trường hợp bất lợi có thể xảy ra.
Đại diện Vasep kiến nghị, ngoài các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, cơ quan chức năng cũng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Phân tích thêm về cơ hội trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho rằng, Việt Nam có nhiều thuận lợi, động lực tăng trưởng. Đơn cử, xuyên suốt thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đồng thời đã có phản ứng nhanh chóng đối với chính sách áp thuế đối ứng 46% cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh nhận định, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở ra cơ hội lớn để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp, đặc biệt là chế biến, chế tạo và công nghệ cao. Kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là những động lực tăng trưởng mới, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… qua đó giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, đầu tư công đang được đẩy mạnh với quyết tâm triển khai các dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, điện hạt nhân, thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu ("đại bàng") đầu tư vào Việt Nam./.
- Tin liên quan
- • Tiếp tục gia hạn các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất
- • Người Mỹ vẫn bi quan về nền kinh tế ngay cả sau khi Tổng thống Donald Trump tạm dừng áp thuế quan đối ứng trong 90 ngày
- • Việt Nam chuẩn bị 3 kịch bản tăng trưởng nông nghiệp và giải pháp ứng phó với thuế quan Mỹ