Tiếp tục gia hạn các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn khôi phục sản xuất, Bộ Tài chính liên tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các gói hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục gia hạn các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến tháng 6/2025.

Theo đó, Bộ Tài chính đã thực hiện tiếp tục gia hạn các chính sách giảm thuế, phí và lệ phí đã được triển khai trong giai đoạn trước, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến tháng 6/2025 và đang tiếp tục đề xuất thực hiện 1,5 năm tới, đến hết năm 2026 cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn lệ phí trước bạ 0% cho ôtô điện chạy pin đến hết 28/2/2027; điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu và kéo dài ưu đãi thuế cho công nghiệp hỗ trợ ôtô đến hết năm 2027; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.
Bên cạnh đó, duy trì giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% cho dịch vụ công trực tuyến đến hết 2025; đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025 cho người sử dụng đất, không áp dụng cho tiền thuê đất nợ các năm trước và tiền chậm nộp; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất phát sinh từ các kỳ tính thuế tháng 2 đến tháng 6/2025.
Tổng quy mô gói hỗ trợ giai đoạn 2020-2024 lên tới gần 900.000 tỷ đồng. Đối với các giải pháp đã và đang triển khai, dự kiến tổng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân năm 2025 khoảng 204.000 tỷ đồng, cao hơn mức hỗ trợ năm 2024, nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Trao đổi với báo chí, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô và doanh thu đang hạn chế thì việc giảm thuế, giảm phí vô cùng quan trọng.
“Với chính sách này, chúng tôi đánh giá cao tinh thần làm việc quyết liệt của Chính phủ thời gian qua vì đã chạm mạnh đến mong muốn của doanh nghiệp,” ông Mạc Quốc Anh nói.
Ngoài ra, Cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ hộ kinh doanh và cá nhân qua sàn thương mại điện tử. Từ ngày 1/4/2025, các sàn thương mại điện tử và nền tảng số có chức năng thanh toán sẽ phải khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Quy định này giúp giảm thiểu thủ tục hành chính cho người nộp thuế và tạo thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

Đặc biệt, năm nay, cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số tiếp tục là hai trụ cột quan trọng trong chiến lược nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế một cách minh bạch, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt để lên các phương án, kịch bản về chính sách tài khóa trình Chính phủ./.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, từ năm 2020 - 2024, tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất đã ước đạt gần 900.000 tỷ đồng; riêng trong 3 tháng đầu năm 2025, con số này khoảng 22.200 tỷ đồng. Đây là các nguồn tài chính được để lại một phần và có tác dụng quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiếp đến, chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất (nhất là giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng) còn giúp giảm giá thanh toán hàng hóa và dịch vụ, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy sức mua xã hội, tăng tổng cầu và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước. Các số liệu về tốc độ tăng GDP của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024, về mức độ tăng của tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng những tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước (khoảng 9,4%) đã thể hiện được điều đó.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026, trong đó mở rộng thêm các mặt hàng được giảm thuế suất như công nghệ thông tin, sản phẩm kim loại đúc sẵn, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, xăng dầu.
Ý kiến chuyên gia cho rằng, các đề xuất này chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy những kết quả và tác động tích cực của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ trước đến nay, tiếp tục góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy tiêu dùng, tăng tổng cầu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
- Tin liên quan
- • Bộ Tài chính đề xuất 7 trường hợp giá bất động sản được trừ để tính thuế VAT
- • Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gửi gắm kỳ vọng đối với Bộ Tài chính và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
- • Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Bộ Tài chính ủng hộ việc có chính sách hỗ trợ giảm thuế thu nhập cho DNNVV