Dự án kho dữ liệu tài khoản nghi ngờ: BIDV mở màn, kế đến là Vietcombank, MB, Vietinbank, Agribank nhập cuộc
Thông tin được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại buổi họp báo công bố chương trình Ngày không tiền mặt 2025 với chủ đề "Thanh toán không tiền mặt thúc đẩy kinh tế số", với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM.
Chương trình do Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, thời báo Ngân Hàng và báo Tuổi Trẻ phối hợp Sở Công Thương TP.HCM, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đồng tổ chức.

Trả lời báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, tội phạm công nghệ ngày càng gia tăng đòi hỏi ý thức của tổ chức trong việc đầu tư công nghệ nhằm nâng cao bảo mật và bảo vệ khách hàng. Chúng ta dùng trí tuệ nhân tạo - AI để phát triển sản phẩm thì tội phạm cũng lợi dụng AI vào các hoạt động phạm tội.
Do vậy, tới đây NHNN sẽ quy định dừng cung cấp dịch vụ trên môi trường trực tuyến nếu tổ chức cung ứng không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Lãnh đạo NHNN nhìn nhận, cuộc chiến với tội phạm mạng là cuộc chiến không điểm dừng, do vậy đòi hỏi các tổ chức cung ứng phải hết sức quan tâm.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng nêu, đã có quy định các tổ chức tín dụng phải gửi thông tin về tài khoản nghi ngờ gian lận về NHNN để thực hiện dự án xây dựng kho dữ liệu nghi ngờ nhằm chia sẻ lại cho các tổ chức tín dụng.
Vị này thông tin, hiện kho dữ liệu đã thu thập được trên 350.000 tài khoản nghi ngờ và kho dữ liệu này sẽ được chia sẻ lại trên tinh thần win - win, tức tổ chức tín dụng nào gửi thông tin về NHNN thì sẽ được NHNN chia sẻ lại. Ngân hàng đầu tiên được chia sẻ là BIDV từ 1/4 vừa qua.
Khách hàng BIDV khi chuyển tiền đã được thông báo nếu tài khoản nhận tiền thuộc diện nghi ngờ.
Theo ông Tuấn, qua một tháng thử nghiệm, đến nay đã có 40.000 lượt khách hàng quyết định dừng giao dịch với giá trị 160 tỷ đồng. Tới đây nhiều ngân hàng khác sẽ áp dụng như Vietcombank, MB, Vietinbank, Agribank, sau đó NHNN sẽ sơ kết giai đoạn đầu áp dụng để khắc phục những vướng mắc trước khi triển khai cho toàn ngành ngân hàng sau tháng 7.
Khi biện pháp này được triển khai rộng rãi, khách hàng sẽ tương đối yên tâm khi thực hiện chuyển tiền vì đã được cảnh báo sớm, từ đó góp phần hạn chế thiệt hại cho người tiêu dùng, nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là của khách hàng.
"Theo thống kê của chúng tôi thì dù nhận được cảnh báo từ ngân hàng nhưng tỷ lệ khách hàng quyết định vẫn chuyển - từ chối ngang nhau, nhưng biện pháp này được xem như kênh nhằm cung cấp thêm thông tin cho người chuyển tiền trước khi chuyển", ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Việc xác minh tính chính chủ trong giao dịch chuyển và rút tiền tại ngân hàng, cũng như tính xác thực của người đứng đầu doanh nghiệp khi mở tài khoản ngân hàng cũng trở thành chủ đề được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh tồn tại những lỗ hổng khiến kẻ gian lợi dụng, lừa đảo.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, đối với người đến rút tiền tại ngân hàng, không bắt buộc phải xuất trình dữ liệu sinh trắc học, nhưng vẫn phải xuất trình giấy tờ tùy thân hợp lệ.
Trong tất cả các giao dịch tại quầy, ngân hàng - tổ chức cung ứng dịch vụ phải xác minh danh tính người giao dịch là đúng người xuất trình. Một thực tế là hiện nay giao dịch viên chủ yếu dùng phương pháp quan sát bằng mắt thường để đối chiếu giấy tờ tùy thân từ người xuất trình. Điều này đặt áp lực rất lớn lên nhân viên, khiến họ gần như phải kiêm luôn vai trò của lực lượng chức năng - công an.
Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn cho biết trong tương lai gần, việc xác minh sẽ dựa trên công nghệ - so sánh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thay vì chỉ dựa vào cảm quan. Dĩ nhiên, khách hàng vẫn có thể dùng thẻ căn cước công dân điện tử (VNeID) để thực hiện các giao dịch trực tiếp tại quầy một cách an toàn, chính xác hơn.