Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với chính sách nhập khẩu
Nhận định mức thuế bổ sung sẽ tác động mạnh theo hướng bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những khó khăn từ việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn.
Nội dung trên được nhấn mạnh tại Hội nghị “Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức. Hội nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động thích ứng với tình hình mới, vì lợi ích hài hòa của Việt Nam và các đối tác.

Những khó khăn từ việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho Việt Nam
Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng các đại diện các bộ, ngành liên quan đã ghi nhận ý kiến từ các Hiệp hội, doanh nghiệp... về tình hình xuất nhập khẩu chung của Việt Nam, chính sách của một số thị trường trên thế giới, cập nhật tình hình Hoa Kỳ, đồng thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án đàm phán của các Hiệp hội, doanh nghiệp và trao đổi các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, những khó khăn từ việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn.
Mục tiêu này, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Đồng thời, Bộ trưởng gợi mở 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với các hiệp hội ngành hàng, 8 nhóm nhiệm vụ đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và đề nghị các bộ, ngành liên quan quan tâm thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu từ các nước lớn (đặc biệt là Hoa Kỳ), duy trì tăng trưởng bền vững.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gửi các kiến nghị, đề xuất bằng văn bản về Bộ Công Thương trước 20/4 để Bộ rà soát và tập trung giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền; hoặc chuyển cho các bộ, ngành chức năng và báo cáo Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề không thuộc chức năng hoặc vượt thẩm quyền.
Mục tiêu cao nhất là giúp các Hiệp hội, doanh nghiệp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình hình mới, tiếp tục vững vàng vượt qua khó khăn để ngày càng phát triển, đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của đất nước.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, những ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ, tìm kiếm phương án giải quyết hợp lý cho vấn đề thuế đối ứng, hướng đến mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại phù hợp, ổn định, cân bằng, cùng có lợi.
Chính sách thuế gây áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu về lợi nhuận
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn đánh giá, tình hình thương mại quốc tế đang diễn biến nhanh và khó lường, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ công bố áp dụng chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là 119,5 tỷ USD và nhập khẩu từ Hoa Kỳ 15,1 tỷ USD; mức thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng hơn 2 lần so với 2019, hiện chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Mức thuế bổ sung sẽ tác động mạnh theo hướng bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ, như dệt may, da giầy chiếm 21,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 7,58%; nông thủy sản chiếm 3,45%...

Khi bị áp dụng chính sách này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn với hàng hoá nội địa và hàng hoá từ các nước khác được áp mức thuế thấp hơn khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Điều này gây áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu về khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bị tăng tồn kho, khi các đối tác Hoa Kỳ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các nước không bị áp thuế cao.
Cùng sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI), các đại biểu đến từ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu chung của Việt Nam và tình hình xuất khẩu một số mặt hàng sang Hoa Kỳ.
Đồng thời, phân tích chính sách của một số thị trường lớn trên thế giới và cập nhật tình hình Hoa Kỳ; dự báo các những khó khăn, thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới; đề xuất phương án đàm phán về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Theo hướng dẫn mới được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) công bố hôm 11/4, Tổng thống Donald Trump miễn thuế đối ứng với các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính và thiết bị công nghệ khác và linh kiện.
Tuy nhiên, nhóm hàng điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện) chiếm 28,65% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng. Bởi Nhà Trắng cho biết, việc miễn trừ trên được đưa ra vì ông Trump muốn đảm bảo các doanh nghiệp có thời gian chuyển sản xuất về Hoa Kỳ./.
Chủ động xây dựng kịch bản, phương án đàm phán với Hoa Kỳ về thỏa thuận thương mại đối ứng
Trước đó, ngày 2/4/2025 (theo giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Donald Trump đã chính thức công bố những thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ, bao gồm việc áp dụng mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, gây áp lực lớn và lo lắng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ngay sau đó, Việt Nam đã phản ứng chủ động, kịp thời. Đặc biệt, tối 4/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm rất thành công với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chính phủ cũng đã chủ động báo cáo, đề xuất nhiều nội dung và được Bộ Chính trị đồng ý.
Về phía mình, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp, tăng cường tiếp xúc với các cấp khác nhau của phía Hoa Kỳ và làm rõ quan điểm của phía Việt Nam.
Ngày 9/4/2025 (theo giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Donald Trump thông báo tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại không có hình thức trả đũa đối với Hoa Kỳ.
Ngày 12/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 753/QĐ-TTg về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ; trong đó Bộ trưởng Bộ Công Thương là Trưởng đoàn, Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Đoàn đàm phán.
Đoàn đàm phán có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản, phương án đàm phán với Hoa Kỳ về thỏa thuận thương mại đối ứng, trên tinh thần bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tiến hành đàm phán với phía Hoa Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng phù hợp, cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.
Hiện nay, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đang khẩn trương chuẩn bị phương án đàm phán; đồng thời ngày 14/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán cũng đã có Công hàm chính thức gửi Trưởng Đại diện Thương mại (USTR), Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ để thông báo về đầu mối đàm phán của Việt Nam, đề nghị Hoa Kỳ xác nhận thông tin về nhóm đàm phán của Hoa Kỳ và về lịch trình đàm phán.