Làm sao để chứng khoán Việt Nam tăng thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Hàn Quốc?
Chuyên gia chứng khoán từ Hàn Quốc chỉ ra nhiều yếu tố để thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng thu hút được dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc.
Tại hội thảo đầu tư năm 2025 do Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức ngày 19/4 tại TP.HCM, ông Min Byungkyu, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Yuanta Hàn Quốc chia sẻ tới nhà đầu tư Việt Nam chủ đề “Khai phá tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam sau KRX: Bài học từ Hàn Quốc”.
Vị này đề cập, 2025 là năm kỳ vọng thị trường Việt có mức tăng tưởng trung bình cao hơn so với các quốc gia khác ở cùng khu vực. Nhiều thập kỷ Việt Nam luôn là quốc gia đáng để đầu tư, hấp dẫn với nhà đầu tư. Việt Nam cũng là quốc gia tạm gọi thay thế Trung Quốc câu chuyện dịch chuyển sản xuất với lợi thế dân số ở độ tuổi lao động cao hơn, chi phí nhân công thấp hơn. Việt Nam có nhiều dòng vốn FDI đổ vào khu công nghiệp, nhà máy với 70% FDI đổ vào sản xuất. Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Nhà đầu tư Hàn Quốc đồng ý nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tốt. Tuy nhiên họ chưa thấy đủ thuyết phục để đầu tư. Bởi, họ chưa quen đầu tư thị trường Việt Nam, thị trường quen thuộc với họ là Mỹ. Tổng mức đầu tư Hàn Quốc gần 150 tỷ USD nhưng con số bóc tách phần lớn đầu tư ở thị trường Mỹ, chiếm 65,3% tổng đầu tư ra nước ngoài.
Có giai đoạn 2017-2019 nhà đầu tư Hàn đổ nhiều vào thị trường Việt Nam nhưng các hoạt động mang tính đầu cơ ngắn hạn nhiều hơn đầu tư. Dù năm nay chỉ số VN30 có mức độ tăng trưởng tốt tuy nhiên nhà đầu tư Hàn chưa tích cực đầu tư.
Tại thị trường Việt, nhà đầu tư Hàn chủ yếu đầu tư thông qua quỹ ETF bởi vì nhà đầu tư không có nhiều thông tin về thị trường. Điểm nữa là liên quan giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là điều Chính phủ cần cân nhắc chỉnh sửa để có nhiều cơ hội đầu tư cho khối ngoại. Nhà đầu tư Hàn chọn nắm những cổ phiếu lớn như VIC, HGP…
Ông Min Byungkyu chỉ ra, ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư Hàn còn e dè với thị trường Việt liên quan vấn đề thuế đối ứng, điều này khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Việt Nam đang đứng trước rủi ro là quốc gia chịu thuế đối ứng cao nhất trong Asean. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,5 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dù Việt Nam có câu chuyện nhìn chung hấp dẫn nhưng câu chuyện thuế đối ứng tác động tâm lý nhà đầu tư e dè trong ngắn hạn.
Dù vậy, chuyên gia Yuanta nhấn mạnh, dòng tiền vẫn đổ vào nơi nào có hiệu suất tốt. Việt Nam cũng có khả năng hút dòng tiền với câu chuyện nâng hạng thị trường theo đánh giá của MSCI.
Quan sát ở 5 quốc gia được nâng hạng thị trường bởi MSCI, quy trình sẽ gồm đưa vào danh sách chờ trong 2 năm, sau đó MSCI thông báo ở năm kế tiếp, sau 1 năm sẽ được chính thức nâng hạng.
Chuyên gia Hàn lưu ý, một khi thị trường được nâng hạng lên mới nổi sẽ xảy ra hiện tượng chốt lời, bán tháo. Điều này đã nhìn thấy điều này với chỉ số Hàn. Với thị trường Việt Nam nên chuẩn bị cho kịch bản như vậy. Chuyên gia cũng đề cập việc Việt Nam chưa cho bán khống, cần lưu ý vấn đề này. Cuối cùng, nếu sẵn sàng nâng hạng lên thị trường mới nổi thì cần tập trung vào yếu tố thanh khoản, vốn hoá, đây là yêu cầu gắt gao mà MSCI đặt ra.
Ở góc độ doanh nghiệp, để thu hút nhà đầu tư chiến lược từ Hàn Quốc, chuyên gia Yuanta cho rằng, về cơ bản, doanh nghiệp cần có hoạt động kinh doanh với doanh số lợi nhuận tăng trưởng tốt. Từ đó đầu tư ngược lại cho hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần chú ý vấn đề giá cổ phiếu, nếu rớt quá sẽ khó thu hút.
Ngoài ra, quản trị doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin với nhà đầu tư. Cần chú trọng công bố thông tin, các báo cáo hoạt động của doanh nghiệp bằng tiếng Anh, không những vậy cần dịch sang cả tiếng Hàn để tăng chú ý với nhà đầu tư.