Tạo lập hệ sinh thái bền vững cho Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM
Sáng 22/4, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM - Không gian phát triển và đào tạo nguồn nhân lực”. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng chủ trì Hội thảo.

Cùng chủ trì hội thảo có Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thành phố Trương Minh Huy Vũ và Phó Gián đốc Sở Tài chính Đinh Khắc Huy. Tham dự Hội thảo có TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành uỷ, các chuyên gia kinh tế các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp cùng đại diện các sở, ban ngành.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm tham vấn các nhà khoa học, doanh nghiệp và các cơ quan đơn vị liên quan đến Không gian phát triển và đào tạo nguồn nhân lực của Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM. Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, quá trình thực hiện, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế đã có sự tập trung từ Trung ương tới địa phương. Đến thời điểm này, Ủy ban Kinh tế Tài chính Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo, Ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội cũng thẩm tra phiên toàn thể, và các các ý kiến đều thống nhất sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, diễn ra trong tháng 5/2025 để thông qua việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, hoạt động Fintech tại Thành phố cũng rất sôi động, hiện nay cũng được xếp hạng 88/115 trên toàn cầu, góp phần cho thị trường tài chính Thành phố sôi động. Ngoài ra, Thành phố đang tích cực cùng các bộ, ngành trung ương trình Chính phủ để được thông qua tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội với 02 nội dung chính như: Hoàn thiện về ranh giới địa giới hành chính; Trung tâm tài chính quốc tế gồm 3 cơ quan: cơ quan quản lý điều hành, cơ quan giám sát và cơ quan giải quyết tranh chấp.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng mong muốn qua Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đề xuất nhiều ý kiến cũng như chia sẻ về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cùng các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo lập hệ sinh thái bền vững cho Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM sắp tới, bảo đảm Trung tâm tài chính quốc tế có nền tảng vững chắc, cạnh tranh và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chia sẻ định hướng chiến lược dài hạn phát triển nguồn nhân lực tại Hội thảo, ông Trương Minh Huy Vũ đưa ra giải pháp chiến lược thu hút, giữ chân nhân tài, như: thu hút nhân tài thông qua hợp tác với các trường học, đại học và doanh nghiệp; Xây dựng cơ chế nhập cư cởi mở để giúp Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM tiếp cận với đội ngũ nhân lực tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp quốc tế; Xây dựng hệ sinh thái và chính sách đãi ngộ hấp dẫn cho chuyên gia tài chính trong và ngoài nước để định cư và làm việc tại Trung tâm tài chính TP.HCM; Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân sự quốc tế và gia đình họ sinh sống tại Thành phố bằng cách cải thiện trường học, y tế, giao thông và cơ sở hạ tầng ICT.
Đối với giải pháp chiến lược đào tạo, nâng cấp kỹ năng, phát triển nhân lực, ông Trương Minh Huy Vũ cho rằng cần nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có thông qua đào tạo thực hành, cập nhật chương trình đại học (đặc biệt trong STEM). Thiết lập các khóa đào tạo chuyên biệt để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ. Khuyến khích hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế như ACCA, BUV, ICAEW để nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực tài chính. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng đào tạo, bao gồm trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính – công nghệ.
Tương tự, bà Trần Minh Hường, Giám đốc Nhân sự, Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam cũng đưa ra các Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Bà Trần Minh Hường cho rằng nguồn nhân lực là 1 trong những nút thắt lớn nhất để thành lập một Trung tâm Tài chính Quốc tế thực sự tại Việt Nam. Khoảng cách hiện tại về kỹ năng khá đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, phái sinh, công nghệ tài chính (fintech) và tài chính pháp lý quốc tế... Trung tâm tài chính quốc tế hỗ trợ các hoạt động tài chính và các sản phẩm phức tạp hơn rất nhiều so với các sản phẩm và hoạt động ngân hàng thương mại cơ bản và truyền thống hiện tại. Vì vậy, đòi hỏi kiến thức tài chính và kinh nghiệm ‘thực chiến’ chuyên sâu và nâng cao, tính chuyên nghiệp và khả năng thích ứng toàn cầu.
Bà Trần Minh Hường cũng đưa ra những kỹ năng & năng lực cần có của nhân sự làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế, như: phải có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về tài chính quốc tế, ngân hàng đầu tư, thị trường vốn, giao dịch phái sinh, quản trị rủi ro. Do vậy, việc được đào tạo và đạt chứng chỉ CFA, CPA, FRM, ACCA là rất cần thiết. Kỹ năng công nghệ gồm Công nghệ tài chính (Fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn, an ninh mạng… Ngôn ngữ và giao tiếp đa văn hóa: Tiếng Anh lưu loát (ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn là lợi thế), kỹ năng giao tiếp và đàm phán quốc tế. Tư duy toàn cầu và khả năng thích ứng với thị trường: Tư duy phân tích và khả năng ứng phó khủng hoảng toàn cầu. Các tài năng Việt Nam cần được xem là những nhà lãnh đạo có tầm nhìn quốc tế và khu vực, và có thể làm việc ở cả những thị trường khác ngoài Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng cho rằng việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế được xác định là việc mới và khó nhưng không phải vì thế mà không làm được.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, các chính sách liên quan Trung tâm tài chính quốc tế được Trung ương và địa phương trao đổi, thảo luận rất kỹ để bảo đảm an ninh quốc gia, phòng tránh rủi ro cao nhất và thấy được giải pháp thực hiện. Hiện Thành phố đã dự thảo lần thứ 25 và dần hoàn thiện với nhiều chính sách thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho 02 Thành phố triển khai thành công.
Về nguồn nhân lực TTTCQT, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng cho biết Thành phố xây dựng nguồn nhân lực và mong muốn các tổ chức Tài chính, các viện, trường đại học đang hoạt động trên địa bàn Thành phố giới thiệu nhân sự và đồng hành cùng vì sự phát triển chung của Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng đề nghị Sở Xây dựng, Sở Nông nghiêp và Môi trường tiếp tục rà soát vị trí không gian, quy hoạch cũng như kết nối giao thông cho Trung tâm tài chính quốc tế. Đồng thời, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ rà soát và giới thiệu nguồn nhân lực. Thành phố sẽ tiếp tục ký kết Biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực với các trường đại học để Thành phố có chiến lược phát triển bền vững.