Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng
Năm 2025, ngành Ngân hàng tỉnh Kiên Giang tiếp tục xác định đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo sát sao từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kiên Giang cùng nỗ lực của các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng hợp tác xã và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, vốn tín dụng ngân hàng không chỉ tăng trưởng tích cực mà còn trở thành công cụ hiệu quả hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần đạt được những kết quả kinh tế ấn tượng.
Ông Trần Văn Phước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang chia sẻ, tổng dư nợ cho vay khách hàng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Kiên Giang năm qua đạt 135.438 tỷ đồng, tăng 5,83% so với năm 2023. Trong đó, tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh chiếm 79% tổng dư nợ và có mức tăng trưởng cao. Các chi nhánh ngân hàng thương mại đã giải ngân tổng cộng 3.088 tỷ đồng, cho 1.981 lượt khách hàng vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 60.000 tỷ đồng dành cho các lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản.
Đáng chú ý, sang năm 2025, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn từ năm 2020 - 2025.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh cần xác định và công bố định mức chi phí thực tế trong việc sản xuất lúa gạo theo mô hình liên kết lúa gạo đạt tiêu chuẩn, theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng dễ dàng tiếp cận và xem xét cho vay đối với các doanh nghiệp và nông dân trong lĩnh vực này.
Các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã sẵn sàng triển khai cho vay theo chương trình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg. Tuy nhiên, đến nay chưa phát sinh dư nợ từ chương trình này.
Trong năm 2024, ngành Ngân hàng Kiên Giang đã huy động hơn 42 tỷ đồng để hỗ trợ các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở cho người nghèo, trường học và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang Trần Văn Phước, đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục bám sát mục tiêu và giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời kết nối chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng. Đồng thời, cải tiến thủ tục hồ sơ ngân hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025.
Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán liên ngân hàng qua các hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, thông suốt, phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025. Chủ động dự báo về tình hình nhu cầu thanh toán và có phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp để bố trí đầy đủ nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp Tết Dương lịch và Tết nguyên đán 2025.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM phù hợp với từng địa bàn, khu vực; giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời; xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến giao dịch thanh toán rút tiền của người dân; có biện pháp đảm bảo hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán ổn định, thông suốt nhằm phục vụ tốt công tác thanh toán; xử lý và phản hồi kịp thời các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng theo quy định; khắc phục các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hoạt động thanh toán thông suốt, liên tục, ổn định, an toàn;…