TP.HCM rực rỡ và nghĩa tình chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
Tháng Tư lại về, mang theo niềm tự hào dân tộc và những ký ức không thể nào quên. Tròn nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất, TP.HCM rực rỡ cờ hoa, chan chứa nghĩa tình, hòa cùng nhịp đập của hàng triệu con tim hướng về ngày trọng đại của dân tộc.
Ngày 30/4/1975, thời khắc quan trọng của lịch sử Việt Nam, đã mở ra một kỷ nguyên mới: non sông liền một dải, Bắc – Nam sum họp một nhà.
50 năm sau, TP.HCM, từ một chiến trường khốc liệt đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học hàng đầu cả nước. Và chính nơi đây, đang sống trọn từng khoảnh khắc thiêng liêng của tháng Tư lịch sử.
Từ trái tim treo cờ, đến nhịp đập tự hào trong lễ duyệt binh
Không khí chào mừng 50 năm thống nhất đất nước lan tỏa khắp TP.HCM. Từ đại lộ rợp bóng cờ đến từng con hẻm nhỏ, ngôi nhà nào cũng rực rỡ sắc đỏ vàng.
Người dân thành phố không cần ai nhắc nhở, họ tự tay treo cờ, lau bảng tuyên truyền, trang hoàng phố phường như một nghi lễ thiêng liêng. Với họ, mỗi lá cờ không chỉ là biểu tượng quốc gia, mà còn là một phần máu thịt, là ký ức và lòng tri ân dành cho thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do.


“Mỗi lần treo cờ là một lần tôi nhớ tới bạn bè mình – những người không bao giờ trở về từ chiến trường”, ông Nguyễn Văn Minh (82 tuổi, cựu chiến binh, ngụ Q.3) xúc động nói khi cẩn thận chỉnh lại lá cờ trước hiên nhà.

Cùng với không khí trang trọng đó, người dân thành phố đang háo hức chờ đón lễ duyệt binh lịch sử. Nhiều gia đình, từ ông bà đến con cháu, đều hăng hái tham gia dọn dẹp, trang trí phố phường. Các đoàn thể, sinh viên tình nguyện cũng góp sức lan tỏa niềm tự hào dân tộc, tạo nên bức tranh cộng đồng giàu nghĩa tình và tinh thần đoàn kết.

Lịch sử sống động qua từng địa danh
Hàng ngàn du khách từ khắp nơi cũng đổ về TP.HCM để hòa mình vào không khí thiêng liêng này. Các tour tham quan di tích lịch sử như: Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh… đều kín lịch. Mỗi người đến đây không chỉ để “xem” mà còn để sống, để cảm nhận và để tự hào.
Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp các đơn vị lữ hành tổ chức loạt tour đặc biệt như “Biệt động Sài Gòn”, “Ký ức Sài Gòn – Chợ Lớn”, “Huyền thoại về những anh hùng”... Du khách được dẫn lối qua những địa danh từng in dấu lịch sử như Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, địa đạo Phú Thọ Hòa, cầu Thị Nghè...

Tại Bảo tàng TP.HCM, gian trưng bày “Sài Gòn ngày toàn thắng” tái hiện một thời khói lửa qua những hiện vật như: radio, xe máy , báo in cũ... “Lần đầu tôi thấy xe tăng thật và hiểu vì sao người Việt xúc động đến thế khi nhắc đến ngày 30/4”, chị Emma, du khách Pháp chia sẻ khi đi du lịch tại TP.HCM vào tháng 4.

Không ít cựu chiến binh từ khắp nơi trở lại TP.HCM, thăm lại những nơi từng in dấu chân mình. Từ địa đạo Củ Chi đến Hội trường Thống Nhất, họ cũng lần đầu trải nghiệm metro số 1, xe buýt 2 tầng – biểu tượng cho một thành phố đang không ngừng vươn lên từ ký ức.
Cà phê, nhà hàng, khách sạn cũng "hòa nhịp tri ân"
Nhiều quán cà phê tại TP.HCM đã khoác lên mình “bộ áo” lịch sử với những góc hoài niệm ảnh tư liệu, radio cổ, xe đạp Thống Nhất, bảng hiệu “50 năm Thống nhất đất nước”... Không gian ấy không chỉ là chốn thư giãn, mà là nơi để người trẻ tìm hiểu lịch sử, người lớn sống lại ký ức xưa, và cộng đồng cùng lan tỏa tinh thần tự hào dân tộc.


Tại Q.1, quán cà phê Ống gây ấn tượng với bộ ly làm từ tre, cỏ bàng và lá buông, in hình cờ Tổ quốc và thông điệp "50 năm Giải phóng miền Nam", "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Việt Nam – Kỷ nguyên vươn mình". “Chúng tôi hy vọng có thể lan tỏa tinh thần yêu nước, cùng mọi người đón chào ngày lễ trọng đại này", anh Nguyễn Huỳnh, chủ quán cho biết.
Còn các khách sạn lớn như: Rex, Majestic, Kim Đô… đều kín phòng từ sớm. Nhiều gói “combo lễ” gồm phòng nghỉ, tour xem duyệt binh và buffet tối 30/4 được du khách đón nhận nồng nhiệt..
Một thành phố nghĩa tình, một lễ kỷ niệm đáng nhớ
Không chỉ sống trong ký ức, TP.HCM đang kể chuyện bằng chính những công trình và sự kiện mang dấu ấn tri ân: mô hình xe tăng 390 vượt Dinh tại công viên 30/4, triển lãm ảnh “Thành phố 50 năm phát triển” đã thu hút đông đảo người dân và du khách.
Còn Thành Đoàn TP.HCM tổ chức Hành trình Sống mãi tuổi 20 lần thứ 8, với chủ đề “Hội ngộ 50 năm thành phố Hồ Chí Minh - Niềm tin và Khát vọng”; tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cho thanh niên Cụm Đông Nam Bộ; giao lưu với hoạ sỹ Đặng Ái Việt và giới thiệu website “Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng”.


Tại Nhà Văn hóa Thanh niên, các hoạt động như giao lưu nhân chứng lịch sử, thi sáng tác tranh cổ động, chiếu phim tài liệu… diễn ra liên tục trong tuần lễ kỷ niệm, góp phần làm sống dậy những ký ức hào hùng.
Từ một thành phố từng hứng chịu chiến tranh, TP.HCM hôm nay đang sống trong những ngày đáng nhớ nhất: tràn đầy tri ân, tự hào và niềm tin vào tương lai. Dưới sắc cờ đỏ, từng con phố, từng quán cà phê, từng điểm du lịch… đều là một phần của câu chuyện lịch sử – được kể lại bằng trái tim nghĩa tình, sáng tạo và không ngừng vươn lên.

50 năm, không chỉ để nhớ, mà để tiếp bước. Và TP.HCM, bằng cách riêng của mình, đang kể lại câu chuyện ấy trọn vẹn, sâu sắc và đầy cảm xúc.