|
Hà Nội --°C / --%
Thứ ba, 13/05/2025 12:14

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, vốn đầu tư điều chỉnh tăng gấp gần 3,9 lần và góp vốn mua cổ phần tăng gấp gần 2,1 lần cùng kỳ.

Báo cáo nhanh tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 4 tháng đầu năm 2025, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, về tình hình đăng ký đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, về đăng ký mới có 1.204 dự án đầu tư mới (tăng 14,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 5,59 tỷ USD (giảm 23,8% so với cùng kỳ).

Về điều chỉnh vốn, có 540 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 44,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 6,4 tỷ USD (gấp gần 3,9 lần cùng kỳ).

Về góp vốn, mua cổ phần, có 1.106 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 8,3% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,83 tỷ USD (gấp gần 2,1 lần cùng kỳ).

dau-tu-nuoc-ngoai.jpg
Tình hình đăng ký đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2025. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.

Về tình hình đăng ký đầu tư theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 8,9 tỷ USD, chiếm gần 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 35,1% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,83 tỷ USD, chiếm 20,5 % tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 61,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; dịch vụ lưu trú và ăn uống với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 611 triệu USD và hơn 352 triệu USD.

Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 38,5%) và số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 62%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm gần 40%).

Theo đối tác đầu tư, đã có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,2 tỷ USD, chiếm hơn 23,5% tổng vốn đầu tư, tăng 10% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 3,3 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)…

thu-hut-dau-tu.jpg
Tình hình thu hút đầu tư theo đối tác trong 4 tháng đầu năm. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,7%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 18%) và số giao dịch GVMCP (chiếm 26,4%).

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2025. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,69 tỷ USD, chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ. Đồng Nai đứng thứ hai với hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 2,3 lần cùng kỳ. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,48 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 77,7% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam,…

Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 39,5%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 21,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 66,9%).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, vốn đầu tư điều chỉnh (gấp gần 3,9 lần) và góp vốn mua cổ phần (gấp gần 2,1 lần) cùng kỳ đã bù đắp mức giảm của vốn đầu tư mới, đưa tổng vốn đầu tư của cả nước trong 4 tháng đầu năm tăng 39,9%.

Số lượng dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, các giao dịch góp vốn mua cổ phần cũng đều tăng lên cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư trong nước tiếp tục được củng cố, khi không chỉ đến đầu tư mới mà còn mở rộng quy mô hoạt động hiện hữu.

Các nhà đầu tư từ châu Á - như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc - vẫn chiếm ưu thế, nhưng đồng thời cũng có dấu hiệu khởi sắc từ một số thị trường nhỏ hơn, thể hiện tính đa dạng hóa dòng vốn đầu tư. Các địa phương có năng lực thu hút tốt tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt cả về số lượng và quy mô dự án.

Tính lũy kế đến hết tháng 4 năm 2025, cả nước có 43.020 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 513,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 329,3 tỷ USD, bằng gần 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 315,8 tỷ USD (chiếm 61,5% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với gần 76,4 tỷ USD (chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 42,1 tỷ USD (chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư).

Theo đối tác đầu tư, có 150 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 93,2 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 85,6 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo địa bàn, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với hơn 59,4 tỷ USD (chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Hà Nội với gần 44,2 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư); Bình Dương với gần 42,8 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).

Về tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm 2025, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 43 dự án mới và thực hiện 12 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 309,3 triệu USD (gấp hơn 3,1 lần cùng kỳ).

M.Đ  
Chứng khoán 13/6: Cổ phiếu Vietinbank làm trụ đỡ, họ Vingroup giảm đồng loạt
Chứng khoán giữ vững 1.320 bất chấp áp lực từ nhóm Vingroup
Ông Phạm Nhật Vượng chuyển nhượng gần 119 triệu cổ phiếu VIC vào hai công ty chiến lược VinSpeed và VinEnergo
Chứng khoán rung lắc, nhóm cổ phiếu Viettel và FPT dẫn sóng giữa phiên điều chỉnh
Novaland xin kéo dài thời gian đáo hạn lô trái phiếu quốc tế hơn 300 triệu USD
Hòa Phát mạnh tay chi gần 4.200 tỷ đồng xây dựng Khu công nghiệp Hòa Tâm tại Phú Yên, phát hành thêm gần 1,3 triệu cổ phiếu 
Thị trường chứng khoán 10/6: Cổ phiếu họ Vingroup đảo chiều, VN-Index hồi phục nhẹ sau phiên đỏ lửa
Vingroup và Vinhomes đồng loạt giảm sàn, chứng khoán “bốc hơi” gần 20 điểm
Tâm điểm chứng khoán: Cổ phiếu Ngân hàng, Bất động sản 'quay xe'
Thị trường chứng khoán 6/6: Áp lực bán lan rộng, nhóm dầu khí và thép giữ nhịp thị trường
HOSE công bố 43 doanh nghiệp vốn hóa hơn 1 tỷ USD, 3 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ USD
Đầu tư cổ phiếu bất động sản thắng đậm
Thận trọng bao trùm thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng vẫn “đỏ”
HOSE sắp đón hai “tân binh” do Chứng khoán SSI và Phố Wall tư vấn
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm, chứng khoán “hụt hơi” trước vùng cao nhất 3 năm
Thị trường tăng gần 11 điểm, nhóm chứng khoán dẫn dắt thanh khoản
Cổ phiếu PNJ và TPBank biến động mạnh sau kết luận thanh tra vàng
Ông Phạm Nhật Vượng chuyển nhượng 48 triệu cổ phiếu Vingroup, thúc đẩy đại dự án đường sắt siêu tốc VinSpeed
Tâm điểm chứng khoán: VN-Index chững lại sau 4 tuần tăng, họ Vin và Novaland là trụ đỡ
Thị trường chứng khoán 30/5: VN-Index đỏ lửa cuối tuần, Novaland tiếp tục được khối ngoại gom mạnh
Xem thêm