Vượt qua 'trái cây vua' xuất khẩu chuối bứt tốc tăng trưởng trong những tháng đầu năm
Do những rào cản về kiểm soát chất lượng khiến sầu riêng không giữ được thế thượng phong xuất khẩu. Trong 2 tháng đầu năm 2025, trái cây vua này đã không giữ được ngôi đầu, nhường chỗ cho thanh long. Điều đặc biệt là trái chuối đã khẳng định vị thế tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai.

Thống kê của Cục Hải quan cho thấy, năm 2024, sầu riêng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất khi thu về 3,21 tỷ USD, chiếm gần 45% tổng giá trị trong ngành rau quả. Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng sụt giảm mạnh 69,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đem về 52,6 triệu USD.
Đáng chú ý, “vua trái cây” sau 2 năm chiếm giữ ngôi đầu đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả Việt Nam, chỉ còn chiếm chưa đến 7,7%.
Xuất khẩu thanh long của nước ta cũng sụt giảm, nhưng ở mức nhẹ hơn so với sầu riêng. Thế nên, với con số 93,8 triệu USD, loại quả này đã thế chỗ sầu riêng để trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong hai tháng qua ở ngành hàng rau quả, với tỷ trọng gần 13,7%.
Tương tự, năm 2024, xuất khẩu chuối chỉ xếp thứ 4 với giá trị đạt 380 triệu USD, chiếm tỷ trọng khiêm tốn 5,32%. Hai tháng đầu năm nay, loại quả “siêu thực phẩm” này đạt 71,6 triệu USD, vượt qua dừa và sầu riêng để chiếm giữ top 2 về giá trị xuất khẩu của ngành hàng thế mạnh 7 tỷ USD.
Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chuối lớn nhất của nước ta. Thị trường tỷ dân này tăng nhập khẩu chuối từ Việt Nam trong năm 2024, đạt gần 625.250 tấn, giá trị khoảng 261,5 triệu USD. Theo đó, lần đầu tiên sau 10 năm, Việt Nam đã soán ngôi của Philippines để trở thành nhà cung cấp chuối số 1 cho thị trường Trung Quốc.

Quả chuối của Việt Nam ghi điểm nhờ chất lượng vượt trội, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý. Đồng thời, doanh nghiệp Việt cũng đã tận dụng lợi thế địa lý với khoảng cách vận chuyển ngắn, giúp giảm chi phí logistics đáng kể so với các nước khác như Philippines hay Ecuador. Ngoài Trung Quốc, chuối của Việt Nam còn được xuất khẩu mạnh sang Hàn Quốc, Nhật Bản...
Đồng Nai là một trong những tỉnh có sản lượng chuối xuất khẩu đứng đầu cả nước. Năm 2024 là năm thành công khi Đồng Nai tăng cả sản lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng chuối tươi. Cụ thể, toàn tỉnh xuất khẩu được gần 292 ngàn tấn chuối, thu về khoảng 117 triệu USD.
Cây chuối đang nằm trong tốp đầu cho thu nhập tốt. Tại nhiều địa phương trên địa bàn Đồng Nai, nông dân tập trung chuyển đổi sang trồng giống chuối cấy mô xuất khẩu. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tính đến cuối năm 2024, tổng diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh đã nhân rộng lên gần 17 ngàn hécta, tăng hàng ngàn hécta so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích chuối tăng nhanh cũng là thách thức không nhỏ cho thị trường xuất khẩu.
Nhận định về thị trường xuất khẩu trái chuối tươi trong năm 2025, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) Lý Minh Hùng so sánh, chi phí vận chuyển chuối xuất khẩu hiện tiếp tục tăng thêm khoảng 10% so với trước. Giá tăng nhưng hợp tác xã vẫn gặp khó khăn khi tìm container trống để đóng hàng xuất khẩu. Thời gian xuất khẩu kéo dài hơn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng trái chuối tươi, tỷ lệ hao hụt lớn hơn. Ngoài ra, dự báo năm 2025, tình hình chung của kinh tế thế giới vẫn khó khăn, sức tiêu dùng sẽ giảm cũng là thách thức không nhỏ cho xuất khẩu nông sản nói chung, cho trái chuối tươi nói riêng.
Theo ông Lý Minh Hùng, trước đây, trái chuối của Việt Nam có lợi thế xuất khẩu mạnh vào mùa đông và mùa xuân, do nhiều nước không làm được vụ đông. Nhưng hiện nay, đây không còn là cơ hội riêng của Việt Nam, vì nhiều nước nhiệt đới có thế mạnh xuất khẩu chuối cũng tập trung làm vụ đông như Việt Nam nên nguồn cung vào vụ này không thiếu. Ngoài việc phải trồng chuối rải vụ cho thu hoạch quanh năm, nông dân cần đầu tư chăm sóc, chuyển đổi sang sản xuất an toàn để đạt chuẩn xuất khẩu vào cả những thị trường khó tính. Các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung, trái chuối tươi nói riêng, phải nỗ lực mở rộng nhiều thị trường, chứ không để phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường lớn là Trung Quốc.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc trồng chuối, từ khí hậu, thổ nhưỡng đến kinh nghiệm canh tác của người nông dân. Sản lượng chuối của Việt Nam khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Vị trí địa lý thuận lợi cũng giúp cho việc vận chuyển chuối sang các thị trường lân cận trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí.
Nhu cầu tiêu thụ chuối trên thế giới ngày càng tăng, do nhận thức về lợi ích sức khỏe của loại trái cây này. Đây là cơ hội lớn cho chuối Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho xuất khẩu chuối Việt Nam, các chuyên gia nhận định, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm kiếm các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Đông và các nước ASEAN. Áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chuối xuất khẩu đạt chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng./.