Chuẩn bị sẵn sàng để vận hành bộ máy mới của chính quyền địa phương 2 cấp sau khi sắp xếp, sáp nhập
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ, các cơ quan tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ cần thực hiện để sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Chuẩn bị sẵn sàng để 1/7/2025 vận hành bộ máy mới sau khi sắp xếp, sáp nhập.

Chiều 14/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để triển khai Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị hai cấp ở địa phương.
Phiên họp nhằm triển khai ngay Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 11, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị 2 cấp ở địa phương.
Trước đó, Hội nghị Trung ương 11 họp từ ngày 10-12/4 đã thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện; thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố; thống nhất sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Sáng 14/4, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chủ trì phiên họp thảo luận, thông qua Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị 2 cấp ở địa phương.
Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo nêu rõ, cùng với các công việc thường xuyên, chúng ta đang cùng lúc khẩn trương triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay: Thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chuẩn bị, tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tổ chức tốt các ngày lễ lớn; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời, ứng phó tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ, các cơ quan tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ cần thực hiện để sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; bảo đảm không bỏ sót, không trùng chéo nhiệm vụ.
Các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thực hiện các kế hoạch của Trung ương, của Chính phủ có hiệu quả và tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nếu vượt thẩm quyền.
Các bộ trưởng, trưởng ngành bám sát tiến độ để chỉ đạo công việc, phân công với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền".

Chính phủ, các bộ, ngành phải hướng dẫn các nhiệm vụ đã được phân công, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ hướng dẫn, thuộc thẩm quyền của các bộ thì các bộ hướng dẫn.
Các công việc phải được thực hiện đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan; quá trình thực hiện phải kiểm tra, đôn đốc, báo cáo theo quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương. Các Phó Thủ tướng theo phân công hằng tháng kiểm tra các địa phương, các tổ công tác của thành viên Chính phủ đôn đốc, Văn phòng Chính phủ và bộ ngành có bộ phận theo dõi các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Về cơ sở pháp lý, Thủ tướng nêu rõ, đề xuất Quốc hội dùng một luật để sửa nhiều luật có liên quan, trong đó có nội dung về tổ chức chính quyền địa phương, thẩm quyền của cấp xã, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc triển khai Trung tâm phục vụ hành chính công tại cấp tỉnh, xã, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, thống nhất phần mềm để xử lý trên phạm vi cả nước và làm thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới; các tỉnh, thành phố thành lập trung tâm xúc tiến và kêu gọi đầu tư.
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thêm việc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Bộ Công an cùng các cơ quan rà soát các quy định liên quan để tiếp tục triển khai thông suốt Đề án 06.
Các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương về tổ chức, bộ máy bên trong của các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương. Về các thủ tục hành chính đang thuộc thẩm quyền của cấp huyện, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, đề xuất việc thực hiện cho cấp tỉnh, cấp xã.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc sắp xếp địa giới, sáp nhập cấp xã cần tạo thuận lợi nhất cho người dân, như việc đi học của các cháu học sinh.
Thủ tướng lưu ý, quá trình sắp xếp cần bảo đảm tiến độ và chất lượng, tuân thủ quy định, nội dung nào thiếu quy định hoặc có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua thì giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền; các cơ quan bám sát tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề nổi lên, đồng thời bảo đảm công việc thường xuyên thông suốt.
Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ động hướng dẫn, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương chuẩn bị sẵn sàng để 1/7/2025 vận hành bộ máy mới sau khi sắp xếp, sáp nhập.
Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ sở vật chất, trụ sở các cơ quan sau khi sắp xếp, bảo đảm phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí, ưu tiên sử dụng cho y tế, giáo dục và mục đích công cộng.
Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp
Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đề án nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sắp xếp. Trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, cần cân nhắc thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí, điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế-xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.
Đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của đơn vị hành chính sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Ưu tiên bố trí các khu thương mại tự do, khu, cụm công nghiệp, đô thị, cảng biển, logictics, hồ chứa nước, đập thủy điện... trong phạm vi 1 đơn vị hành chính cấp xã để thuận lợi trong quản lý nhà nước.
Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã thành các đơn vị hành chính cấp xã mới, bảo đảm tinh gọn, giảm cấp trung gian; xây dựng và củng cố chính quyền địa phương cấp xã vững mạnh, gần dân, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị-hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ.
Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập gồm: Thành phố Hà Nội, thành phố Huế, các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.
Còn lại 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất, thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Trong đó có 19 tỉnh gồm:
1. Tuyên Quang (hợp nhất Tuyên Quang và Hà Giang),
2. Lào Cai (hợp nhất tỉnh Lào Cai và Yên Bái),
3. Thái Nguyên (hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên),
4. Phú Thọ (hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình),
5. Bắc Ninh (hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang),
6. Hưng Yên (hợp nhất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình),
7. Ninh Bình (hợp nhất tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định),
8. Quảng Trị (hợp nhất tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị),
9. Quảng Ngãi (hợp nhất tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi),
10. Gia Lai (hợp nhất tỉnh Gia Lai và Bình Định),
11. Khánh Hòa (hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa),
12. Lâm Đồng (hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận),
13. Đắk Lắk (hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên),
14. Đồng Nai (hợp nhất tỉnh Đồng Nai và Bình Phước),
15. Tây Ninh (hợp nhất tỉnh Tây Ninh và Long An),
16. Vĩnh Long (hợp nhất tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh),
17. Đồng Tháp (hợp nhất tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp),
18. Cà Mau (hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau),
19. An Giang (hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang).
Bốn thành phố gồm:
1. Hải Phòng (hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng),
2. Thành phố Đà Nẵng (hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng),
3. Thành phố Hồ Chí Minh (hợp nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh),
4. Thành phố Cần Thơ (hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang).
- Tin liên quan
- • TỔNG THUẬT: Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng
- • Việt Nam-Hàn Quốc tăng cường hợp tác thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới kim ngạch 150 tỷ USD vào năm 2030
- • Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển với thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh