Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển với thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đề án phát triển kinh tế tư nhân phải có tính hành động, tính chiến đấu cao; thể hiện cần ngắn gọn, song mang tầm Nghị quyết; Yêu cầu tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển với thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của đất nước…
Chiều 14/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để đóng góp, hoàn thiện thêm một bước Đề án phát triển kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Tại Phiên họp, các đại biểu tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến vào luận dự thảo các báo cáo, tờ trình, Đề án phát triển kinh tế tư nhân, nhất là về phạm vi, đối tượng; vị trí vai trò của kinh tế tư nhân; nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về cơ chế, chính sách pháp luật vượt trội cho phát triển kinh tế tư nhân; vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội, ngành hàng trong phát triển kinh tế tư nhân…
Đặc biệt, các đại biểu nêu bật yêu cầu về sự tham gia của kinh tế tư nhân trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối; cơ chế, chính sách ưu đãi về ứng dụng khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, thủ tục hành chính… cho kinh tế tư nhân.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương Thường trực Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng dự thảo các báo cáo, tài liệu đầy đủ, dày dặn, công phu, chất lượng; đánh giá cao các thành viên Ban Chỉ đạo đã dành thời gian, công sức, trí tuệ có các ý kiến sâu sắc, sát thực tế đóng góp cho Đề án.
Cho rằng về mặt hồ sơ, Đề án đã được chuẩn bị khá đầy đủ, Thủ tướng lưu ý về nội dung cần có đột phá hơn nữa, với yêu cầu, mục tiêu cao hơn nữa để tạo áp lực, tạo động lực, truyền cảm hứng, quyết tâm thực hiện.
Thủ tướng chỉ đạo việc đặt tên gọi cần ngắn gọn, phản ánh được nội dung, có kế thừa, phát triển, có tính đột phá; nhiệm vụ, giải pháp phải đột phá hơn, giảm hàm lượng miêu tả, trong đó các giải pháp phải khả thi; đồng thời phải có sự gắn kết giữa quan điểm, phương châm, mục tiêu, giải pháp; trong đó xác định rõ vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân; mối quan hệ giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác, đặt trong tổng thể của sự đột phá, đổi mới, phát triển đất nước.
Yêu cầu tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển với thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của đất nước…, Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo phải bám sát các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và gần đây nhất là bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm; tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, kết hợp với lý luận và kinh nghiệm, bài học quốc tế để hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị.
Đề án cần có tính kế thừa, phát triển và đột phá; việc phát triển kinh tế tư nhân cần đặt trong tổng thể toàn bộ sự đổi mới, phát triển, đột phá của đất nước, trong triển khai 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng và nhân lực), trong thực hiện "bộ tứ chiến lược" (gồm đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; hội nhập quốc tế trong tình hình mới).

Theo Thủ tướng, cần xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng, đóng góp cũng như những điểm nghẽn, nút thắt khiến kinh tế tư nhân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; mối quan hệ giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác.
Yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra với phát triển kinh tế tư nhân cần mang tính phấn đấu cao hơn nữa, tạo áp lực, tạo động lực, truyền cảm hứng và nỗ lực, quyết tâm thực hiện; đồng thời phải có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, phương châm, chỉ tiêu, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp.
Với định hướng thể chế phải thông thoáng, vượt qua tư duy thông thường, hạ tầng thông suốt, quản trị và nhân lực thông minh, các nhiệm vụ, giải pháp, phải mang tính đột phá hơn nữa, vừa có tính định hướng, định tính, vừa có tính định lượng, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước, bảo đảm tính hành động, tính chiến đấu, tính khả thi, tính hiệu quả, bảo đảm đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng cho rằng các giải pháp phải tháo gỡ được các nút thắt, điểm nghẽn; xác định nguồn lực bên trọng là cơ bản, chiến lược, lâu dài quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá; bảo đảm tiếp cận nguồn lực của đất nước một cách bình đẳng, bảo đảm cạnh tranh.
Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân phải đồng thời gắn với tái cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, trưởng thành, hợp tác với khu vực FDI, nhất là trong chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng lưu ý, cách thể hiện phải ngắn gọn, giản dị nhưng mang tầm chiến lược, bảo đảm "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền; dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai, dễ giám sát, dễ đánh giá.