Để phát triển năng lượng, Việt Nam cần xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn
Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định tại hội thảo tham vấn: "Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam".

Theo ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mức 2 con số. Do đó, yêu cầu về tăng trưởng năng lượng là bắt buộc để đạt được tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển năng lượng, Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.
Trên thực tế, để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, tháng 2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết nêu rõ, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nghị quyết 55-NQ/TW cũng nêu rõ: “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Thuỷ, Điều phối viên Quốc gia ETP/UNOPS cho rằng, bên cạnh Nghị quyết số 55-NQ/TW, các văn bản pháp luật khác như: Luật Điện lực, Luật Đầu tư... cũng đã đề cập đến vấn đề khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng.

Còn theo ông Philip Timothy Rose, Giám đốc ETP, việc thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện năng tại Việt Nam dự kiến lên tới trên 134 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng đối mặt với nhiều rủi ro, vì nhu cầu vốn lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, trong khi đó khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đa số là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, nên khả năng để tiếp cận nguồn vốn là vô cùng khó khăn. Vì thế, giải bài toán vốn cho doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng vẫn cần được quan tâm và bản thân khu vực tư nhân khó có thể đáp ứng được nếu không có chính sách hỗ trợ của nhà nước và các cơ quan liên quan.
TS. Gavin Harper - chuyên gia cao cấp của tổ chức LSE Consunlting - đã đưa ra một số bài học thành công tại Anh. Theo đó, Việt Nam cần phát triển một khung pháp lý rõ ràng bằng việc cung cấp sự chắc chắn và minh bạch cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.
Đồng thời, thúc đẩy hợp tác công - tư bằng việc tận dụng chuyên môn và nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân. Hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) như tài trợ cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực chính như công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp lưu trữ năng lượng.
“Việt Nam cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với việc có chính sách đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo để tạo ra nguồn nhân tài cho ngành năng lượng”, TS Gavin Harper nói.
Còn PGS TS Nguyễn Thị Nhung, chuyên gia của Dự án “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” cho rằng, cần giải quyết các vấn đề chính sách và pháp lý để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
“Xây dựng khuôn khổ giá điện cho các loại dự án năng lượng tái tạo khác nhau để giúp nhà đầu tư chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch triển khai dự án. Phối hợp với Bộ Tài chính để chính thức hóa các chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí cho các khoản đầu tư xanh nói chung và các dự án năng lượng tái tạo nói riêng”, TS. Nhung đề xuất.
TS. Nguyễn Thị Nhung cũng đề xuất ưu tiên vốn trong nước bằng cách thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh. Xây dựng hệ thống giám sát toàn diện để đánh giá hiệu quả của các nguồn tài trợ nói chung, với trọng tâm đặc biệt vào dòng vốn xanh.
Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp và dịch vụ (DISE), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), đã tổ chức hội thảo tham vấn với chủ đề “Khuyến khích khu vực tư nhân tiếp cận và tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”. Hội thảo không chỉ là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, mà còn đánh giá những thách thức lớn trong nỗ lực huy động vốn đầu tư tư nhân vào chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam./.