Doanh nghiệp gấp rút hoàn thiện đơn hàng xuất khẩu, chủ động thích ứng với chính sách mới
Hiện các doanh nghiệp đang chờ thông tin đàm phán của Chính phủ về chính sách thuế đối ứng với Mỹ. Các doanh nghiệp cho biết đang tranh thủ thời gian vàng để xuất khẩu các đơn hàng, tái cơ cấu chuỗi giá trị và xây dựng các kế hoạch dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ sớm thống nhất một chính sách thuế ổn định, minh bạch và dài hạn.
Việc chính phủ Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng 46% trong vòng 90 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là khoảng thời gian quan trọng để doanh nghiệp chủ động thích ứng trước khi chính sách mới có hiệu lực.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết ngay sau khi Mỹ công bố tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với các nước từ ngày 9/4, nhiều doanh nghiệp đã lập tức lên kế hoạch tận dụng "cơ hội vàng" này để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex (TP.HCM) - thông tin, doanh nghiệp của ông đã họp ngay hôm đó để triển khai thu mua nguyên liệu, phục vụ tăng cường sản xuất.
“Để gấp rút hoàn thành đơn hàng, từ thời điểm đó đến nay, nhà máy luôn vận hành hết công suất, trên tinh thần "làm ngày, làm đêm" để đáp ứng các đơn hàng đã ký và những hợp đồng được nối lại sau khi bị trì hoãn giao hàng trong thời gian Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng.
Chúng tôi xác định trước mắt sẽ tập trung giải quyết nhanh gọn các hợp đồng này. Nếu có thêm hợp đồng mới thì cũng sẽ phải bảo đảm tiến độ giao hàng sớm trong giai đoạn 90 ngày. Sau đó là tiếp tục chờ những quyết định cuối cùng”, ông Kịch nói.
Theo bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết, trong thời gian này, các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nói chung đã có kế hoạch tăng cường xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy vậy, bà Hằng khuyến nghị doanh nghiệp không được quên tính đến phương án chuyển hướng và đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, qua các hiệp định thương mại tự do… để giảm phụ thuộc lớn vào một thị trường.
Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Việt Tiến Vũ Đức Giang cũng chia sẻ, 90 ngày Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng là thời gian doanh nghiệp này đẩy tiến độ sản xuất, hoàn tất đơn hàng đã ký trong quý II và giao hàng đến đối tác.
“Tuy vậy, chúng tôi vẫn chủ động xây dựng giải pháp ứng phó với mọi tình huống, tập trung vào việc đàm phán với khách hàng trên tinh thần cùng chia sẻ, ngoài ra là tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất...”, ông Giang nói.

Ông Giang cũng nhấn mạnh, trong năm 2025, trước các rủi ro về thuế quan, HĐQT doanh nghiệp vẫn định hướng không thay đổi mục tiêu kinh doanh, theo đó tiếp tục thúc đẩy sự ứng phó linh hoạt, bên cạnh đó là triển khai khánh thành chi nhánh và trung tâm kho ở Hà Nội.
“Chuyện gì diễn ra sau này chúng ta không thể đoán trước được nhưng thời điểm này, tôi cho rằng doanh nghiệp đang đứng trước một khoảng lặng quý giá. Đây không chỉ là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu mà còn là cơ hội để khẳng định năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Để nắm bắt cơ hội này, điều kiện tiên quyết không phải là giá lao động rẻ mà là khả năng tư duy chiến lược, quản trị rủi ro và nâng cấp vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.Vì thế, tại thời điểm này, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh ký kết các hợp đồng với các đối tác truyền thống, đồng thời tiếp tục tìm kiếm đối tác mới để mở rộng các đơn hàng từ này đến hết tháng 6”, ông Giang nhấn mạnh.

Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào các cuộc đàm phán thuế song phương hoặc đa phương từ phía Nhà nước sẽ sớm mang lại một chính sách thuế ổn định, minh bạch và dài hạn. Chỉ khi đó, hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu mới có thể phát triển bền vững và giảm thiểu rủi ro từ các biến động chính sách.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, về lâu dài, cùng với việc đa dạng hóa thị trường, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa khách hàng cũng như các mặt hàng xuất khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường trọng điểm. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tập trung vào công nghệ cũng như chuyển đổi số, robot hóa dây chuyền sản xuất đáp ứng sự đa dạng về đơn hàng đòi hỏi thời gian ngắn hơn và chất lượng tốt hơn./.
- Tin liên quan
- • Tìm giải pháp hóa giải thách thức cho doanh nghiệp trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ
- • Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng: Doanh nghiệp có thêm dư địa, song cần định vị chiến lược, tránh gián đoạn chuỗi cung ứng
- • TP.HCM: Doanh nghiệp cần chủ động đối phó và thích ứng khi Mỹ áp mức thuế đối ứng