Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng: Doanh nghiệp có thêm dư địa, song cần định vị chiến lược, tránh gián đoạn chuỗi cung ứng
Với việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày để hai bên đàm phán, hy vọng các DN sẽ có dư địa, thêm thời gian để các doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất và xuất khẩu, tránh bị gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Các DN cũng nên xem xét việc xuất khẩu sang Mỹ dựa trên tính toán cạnh tranh.
Nội dung trên được chi sẻ tại Tọa đàm “Tác động của thuế quan Mỹ: Trực diện thách thức - Hành động kịp thời”, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 11/4, tại Hà Nội.

Các chính sách về thương mại của Mỹ thời gian tới sẽ còn nhiều thay đổi
Việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu đang tạo ra áp lực ngày càng lớn, đặt lên vai Việt Nam trong việc củng cố và mở rộng các mối quan hệ thương mại tin cậy. Mặc dù mức thuế đối ứng 46% được Mỹ tạm hoãn 90 ngày, thực hiện mức thuế bổ sung 10% song các chuyên gia cho rằng, đối với Việt Nam mọi quyết định lúc này đều mang tính chất then chốt.
Tại Tọa đàm, ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tại Việt Nam cho biết, các chính sách về thương mại của Mỹ thời gian tới sẽ còn nhiều thay đổi.
Phân tích thực tế về chính sách thương mại của Mỹ, ông Thành cho rằng, Tổng thống Trump đã có chủ trương cân bằng thâm hụt thương mại giữa Mỹ với thế giới, khi nhận thấy Mỹ đang là “nạn nhân” của các hệ thống thương mại đa phương; Mỹ cũng nghĩ rằng đã bị đối xử “không công bằng” với các quốc gia khác, thậm chị là bị lợi dụng.
Chính vì thế Mỹ muốn thay đổi hệ thống thương mại hiện nay để trở lại vị trí số 1, trở thành trung tâm của thế giới. Điều này đã được hiện thực hóa bằng hàng loạt chính sách thương mại mới trong đó có điều chỉnh thuế quan ngày 2/4 vừa qua song Mỹ vẫn muốn đàm phán riêng với từng nước để có chính sách thuế quan phù hợp nhất.
Đánh giá tác động của thuế quan Mỹ đến DN, ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn chiến lược/Tư vấn thương vụ tại PwC Việt Nam nhận thấy, các DN không hề muốn có biến động và thay đổi về chính sách, nhất là tác động từ thuế quan vì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các DN xuất khẩu.
Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu, việc thay đổi thuế quan từ Mỹ sẽ mang lại hệ quả nhất định, khiến GDP có thể bị ảnh hưởng do “mức độ phơi nhiễm” rất cao của các DN xuất khẩu, nhất là các DN đang bán hàng hóa cho Mỹ, trong khi nhóm DN này đang là động năng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Hiền cho rằng, với việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày để hai bên đàm phán, hy vọng các DN sẽ có dư địa, thêm thời gian để các DN lập kế hoạch sản xuất và xuất khẩu, tránh bị gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Các DN cũng nên xem xét việc xuất khẩu sang Mỹ dựa trên tính toán cạnh tranh. Đồng thời, DN xem xét nguồn cung giữa Việt Nam với những thị trường khác, tính toán sản lượng xuất khẩu sang các thị trường để đề ra phương hướng và tỷ trọng xuất khẩu, điều này lúc này phải được tính toán một cách kỹ lưỡng.
Còn đối với các DN tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước, ông Hiền cũng lưu ý cần phải dự đoán trước về tốc độ tăng trưởng của thị trường, dự báo sức mua hàng hóa của người tiêu dùng có thể giảm đi trong thời gian tới và điều này sẽ tác động đến sự phát triển của DN, nên các DN dạng này cũng cần chuẩn bị lập kế hoạch ứng phó từ trước.
“Với bối cảnh hiện nay, khả năng các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có thể sẽ phải điều chỉnh, tuy nhiên trong thế giới bất định, chúng ta cùng chờ đợi những diễn biến mới và bất ngờ có thể xảy ra. Trước mắt, các DN xuất khẩu cần tận dụng tối đa khoảng thời gian 90 ngày này để sắp xếp lại hệ thống giao dịch, cân đối lại thị trường và lập kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trong dài hạn”, ông Hiền khuyến nghị.
Doanh nghiệp lạc quan vì Việt Nam luôn có động lực cũng như lợi thế
Các chuyên gia cũng cảnh báo, trong tương lai gần Mỹ sẽ đưa ra tiêu chuẩn mới về quy tắc xuất xứ hàng hóa chặt chẽ hơn, nhất là với những nguyên phụ liệu khai thác, nên các quốc gia cần có đàm phán mới về vấn đề này. Các DN cần chuẩn bị sản phẩm thích ứng để sẵn sàng tham gia vào thị trường Mỹ. Hơn nữa, các mức thuế đối ứng sẽ luôn thay đổi và có thể tăng lên rất cao, nên các DN hơn lúc nào hết phải sẵn sàng tâm thế cũng như phát huy tinh thần tự cường và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Nói lên quan điểm thực tiễn từ cộng đồng DN châu Âu, Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert cho biết, mặc dù thế giới đang trong bối cảnh rất xáo trộn về thương mại nhưng góc nhìn về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam của các DN châu Âu rất lạc quan. Các DN châu Âu đã xác định, trong kịch bản xấu nhất (Việt Nam bị áp thuế cao), thì 20% doanh thu của các DN sẽ bị “ném qua cửa sổ”. Rất nhiều DN đã áp dụng chiến lược phòng vệ.
Tuy nhiên, điều này sẽ không thể khiến các DN rút lui khỏi thị trường Việt Nam. “Một DN không phải là 1 cái ô tô, có thể rẽ trái , rẽ phải được ngay mà phải mất thời gian. Thời gian phản ứng của DN rất khác so với thời gian phản ứng thay đổi hàng ngày của Tổng thống Trump. Hiện chưa có DN nào nói rằng sẽ đóng cửa nhà máy. Tôi tin chắc rằng sẽ không có DN EU nào bỏ lại Việt Nam phía sau. Hầu hết các thành viên cho biết là đang chờ và xem xét” - ông Bruno nói.

Theo ông, chuỗi cung ứng không phải muốn chuyển là được mà phải có cơ sở về kinh tế. Tổng quan các thành viên EuroCham là lạc quan thận trọng. Nếu Việt Nam “chơi đúng bài” và các DN châu Âu đi nhanh thì hoàn toàn có cơ hội để phát triển.
Thậm chí, ông còn cho rằng, Việt Nam chắc chắn có khả năng trở thành nước có lợi thế trong vấn đề này, khi có tới 1/4 DN được hỏi tin rằng điều này sẽ mang lại cơ hội.
“Lĩnh vực xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng các DN có tính tự cường cùng khả năng chống chịu rất cao, thậm chí Việt Nam đã từng trải qua những giai đoạn còn tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay, nhưng đều đã vượt qua và phát triển được. Đặc biệt trong những dự báo kinh tế vĩ mô cho thấy, Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trường GDP 8% trong năm nay và Eurocham hoàn toàn lạc quan về điều này”, ông Bruno Jasparte bày tỏ.
Chủ tịch EuroCham cũng khẳng định trách nhiệm của cơ quan này đối với các DN Việt Nam, để đảm bảo tương lai cũng như khả năng chống chịu của DN, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ. Các DN Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện điều chỉnh, thay đổi định hướng của mình, vì trước đây Trung Quốc là công xưởng của thế giới nhưng hiện nay Việt Nam đang chiếm dần các vị trí đó bằng tính tự cường cùng sự thích nghi, thích ứng rất cao. Đặc biệt, các thành việc EuroCham sẽ thấy Việt Nam là ngôi nhà, là điểm đến đầu tư để cùng điều chỉnh, thích ứng mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Thêm khẳng định cam kết với Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier nói: “EU là đối tác ổn định và chúng tôi muốn duy trì sự ổn định đó tại Việt Nam. Chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam cũng như rất nhiều các đối tác khác để có thể đảm bảo rằng hệ thống thương mại đa phương vẫn tiếp tục được thực hiện”.
Đại sứ cho biết, các DN EU đã đầu tư tại Việt Nam không chỉ để xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà để phục vụ thị trường Việt Nam, thị trường châu Á- Thái Bình Dương, thị trường EU.
Hoa Kỳ chỉ chiếm 13% tổng thương mại toàn thế giới, còn 87% ở các khu vực khác. Do đó, 2 năm tới, hai bên cần phối hợp với nhau để bù lại phần đã bị phá hủy.
“EU coi trọng Việt Nam. EU là một đối tác ổn định, đáng tin cậy mà Việt Nam cần. Chúng tôi sẽ không để Việt Nam thất vọng, các doanh nghiệp EU sẽ không để Việt Nam thất vọng. Chúng ta phải phối hợp để vì thịnh vượng chung và vì ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu” - Đại sứ Julien Guerrier khẳng định./.