Tìm giải pháp hóa giải thách thức cho doanh nghiệp trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ
Theo rà soát hiện có hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Hoa Kỳ. Việc ứng phó hiệu quả với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn mở ra cơ hội khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nội dung trên được nhấn mạnh tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” vừa diễn ra sáng 18/4.

Việt Nam định vị lại vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Phát biểu tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, theo rà soát của VCCI, hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Hoa Kỳ, với các mặt hàng chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị…
Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử... Điều này cho thấy, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tổn thương nặng nề – mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất, mất việc làm, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô.
Không chỉ vậy, chúng ta còn đối diện với các tác động dây chuyền và chuyển hướng thương mại: hàng hóa từ các nước bị áp thuế sẽ tìm cách chuyển sang các thị trường khác – trong đó có Việt Nam – làm gia tăng cạnh tranh, nguy cơ gian lận thương mại, “trung chuyển” hàng hóa và bị điều tra chống lẩn tránh thuế.

Trước việc áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ, thời gian qua VCCI và nhiều Hiệp hội doanh nghiệp đã chủ động kiến nghị một số giải pháp như đẩy mạnh đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ ở cấp cao, nhằm đạt được các thỏa thuận song phương, giảm xung đột, minh bạch thông tin, thúc đẩy nhập khẩu từ Hoa Kỳ (LNG, nông sản, công nghệ cao…), cân bằng thương mại và tạo niềm tin chính trị.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng thông qua tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường tại EU, Canada, Australia… đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh, và phát triển thị trường nội địa.
Tái cấu trúc chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, phát triển công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics, công nghệ cao… nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu và rủi ro thương mại.
Tham gia chuỗi cung ứng chiến lược của Hoa Kỳ từ việc đầu tư vào các trung tâm kỹ thuật bán dẫn, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… để trở thành mắt xích đáng tin cậy thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu – đây là cơ hội vàng mà Việt Nam cần chủ động nắm bắt.
Nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics -để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Các chuyên gia kỳ vọng với những chiến lược phát triển trên, sẽ giúp Việt Nam định vị lại vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Trong nguy luôn có cơ. Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Công cho biết.
Tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững
Đồng quan điểm với VCCI, tham gia thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, dù chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Theo ông Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, các doanh nghiệp nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và tín dụng để tối ưu chi phí, đồng thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi kép – xanh hóa và số hóa – nhằm xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các yêu cầu ESG.
“Việc đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ và nguồn vốn để thích ứng với chuyển đổi xanh và mô hình kinh doanh tuần hoàn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, từ công nghệ, nhân lực đến quản trị rủi ro và minh bạch xuất xứ hàng hóa. Cuối cùng, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore”, vị chuyên gia này khuyến nghị.

Đồng thời đề xuất, Việt Nam cần kịp thời xử lý kịp thời các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm, có lộ trình đàm phán hợp lý nhằm đạt mức thuế suất thấp hơn. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổ công tác trong việc thực thi các cam kết đã được thống nhất, cũng như vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, cần kích cầu đầu tư – tiêu dùng trong nước để giữ vững mặt trận xuất khẩu và từng bước cơ cấu lại nền kinh tế, gia tăng nội lực, tự chủ, tự cường.
Việc ứng phó hiệu quả với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn mở ra cơ hội khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã cùng trao đổi để đánh giá tác động đa chiều với các ngành hàng, doanh nghiệp, thảo luận phương hướng ứng phó của các doanh nghiệp đối với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho hay thuế đối ứng mà Mỹ áp với các quốc gia nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng nặng nề. Trong số 15 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ thì ngành gỗ sẽ chịu tác động lớn nhất. Thuế này cũng sẽ tác động đến chuyển hướng thương mại toàn cầu, cạnh tranh tại thị trường nội địa sẽ gay gắt hơn khi hàng hoá không vào được Mỹ sẽ chuyển hướng qua Việt Nam.

Theo ông Tuấn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải tự lực xoay sở, các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ cần có giải pháp giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần khai thác hết tiềm năng các FTA và thị trường của hơn 60 đối tác thương mại.
“Gốc rễ vấn là năng lực cạnh tranh, kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp. Vai trò các ngành hàng, hiệp hội trong quá trình tham vấn đàm phán chiến lược với Mỹ cũng quan trọng”, ông Tuấn nói.