|
Hà Nội --°C / --%
Thứ bảy, 19/04/2025 11:32

Khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi Việt Nam, kho tài nguyên khổng lồ thúc đẩy nền kinh tế không carbon

Theo Báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển và xa bờ Việt Nam”, ước tính tiềm năng kỹ thuật điện gió toàn vùng đặc quyền kinh tế lên tới 1.068 GW (tại độ cao 100m), trong đó khu vực biển phía Nam chiếm gần 900 GW. Nguồn năng lượng trên sẽ đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế không carbon.

tiem-nang-dien-gio-ngoai-khoi-viet-nam-3-1745024533.jpg
Theo Báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển và xa bờ Việt Nam”, ước tính tiềm năng kỹ thuật điện gió toàn vùng đặc quyền kinh tế lên tới 1.068 GW (tại độ cao 100m), trong đó khu vực biển phía Nam chiếm gần 900 GW.(Ảnh minh họa)

Việt Nam từng bước định hình một ngành công nghiệp điện gió biển quy mô lớn

Chiều 18/4, tại Hà Nội, Cục Khí tượng Thuỷ văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố Báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam năm 2025.

Chia sẻ tại lễ công bố Báo cáo, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh, ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào.

Nguồn năng lượng trên sẽ đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế không carbon.

“Tuy nhiên các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc từ biển cũng hoạt động hết sức phức tạp, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tính ổn định của việc vận hành và khai thác nguồn năng năng lượng tái tạo này. Vì vậy, việc đánh giá khách quan tiềm năng năng lượng gió biển, có xét đến tác động, rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan là rất cần thiết và có ý nghĩa”, ông Cường nhấn mạnh.

tiem-nang-dien-gio-ngoai-khoi-viet-nam-2-1745024575.jpg
Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh TTXVN)

Sau gần 2 năm thực hiện nghiên cứu, Báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển và xa bờ Việt Nam” do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thực hiện, với sự hỗ trợ của UNDP và Đại sứ quán Na Uy, là cơ sở khoa học quan trọng góp phần hiện thực hóa chiến lược đó.

Cụ thể, ước tính tiềm năng kỹ thuật điện gió toàn vùng đặc quyền kinh tế lên tới 1.068 GW (tại độ cao 100m), trong đó khu vực biển phía Nam chiếm gần 900 GW. Đây là con số vượt xa các đánh giá trước đó của Ngân hàng Thế giới (599 GW) nhờ phạm vi khảo sát rộng hơn, sử dụng dữ liệu vệ tinh kết hợp số liệu thực đo tại các trạm quan trắc ven biển, hải đảo và phao biển.

Bên cạnh đó, khu vực ven bờ (tới 6 hải lý) vốn dễ tiếp cận, chi phí đầu tư hạ tầng thấp cũng ghi nhận tiềm năng kỹ thuật lớn với tổng công suất 57,8 GW. Các cụm tiềm năng nổi bật tập trung tại Bạc Liêu - Cà Mau (trên 16 GW), Ninh Thuận - Bình Thuận (trên 24 GW), còn vùng Bắc Bộ chỉ đạt 0,17 GW.

Ngoài ra, báo cáo phân tích chi tiết tính biến động theo mùa, cho thấy gió mùa Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng Ba năm sau mang lại hiệu suất phát điện tối ưu cho khu vực phía Bắc và Trung. Tháng 12 là giai đoạn “vàng” cho sản lượng điện gió ngoài khơi toàn quốc. Ngược lại, tháng Năm và tháng Sáu có tốc độ gió thấp, cần được tính toán kỹ trong vận hành và bảo trì hệ thống.

Kết quả nghiên cứu trên không chỉ là nền tảng khoa học phục vụ quy hoạch và đầu tư, mà còn là cơ sở để Việt Nam từng bước định hình một ngành công nghiệp điện gió biển quy mô lớn, góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 và nâng cao vị thế năng lượng tái tạo quốc gia trên bản đồ thế giới.

Tạo nền tảng cho quản lý, hoạch định các chính sách phát triển điện gió ngoài khơi

Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman chia sẻ, báo cáo cung cấp bộ Atlat gió ngoài khơi chi tiết nhất từ trước đến nay với dữ liệu mô phỏng chuỗi thời gian dài tới 30 năm và có độ phân giải cao. Đây là công cụ thiết thực để hỗ trợ quy hoạch không gian biển, phát triển ngành điện gió và thu hút đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa phê duyệt quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể ven biển và quy hoạch điện VIII điều chỉnh.

Theo bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Na uy tại Việt Nam, việc công bố báo cáo có ý nghĩa quan trọng, đây cũng kết quả về sự hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam. Báo cáo trên sẽ có thông tin kỹ thuật giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng chính sách điện gió phù hợp. Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm của Na Uy cũng cho thấy, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong chia sẻ dữ liệu, thực hiện quy hoạch không gian biển và phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

tiem-nang-dien-gio-ngoai-khoi-viet-nam-1-1745024762.jpg
Các đại biểu tham dự Lễ công bố thảo luận về các vấn đề trong khai thác điện gió ở Việt Nam. (Ảnh CTV)

Các chuyên gia cũng nhận định đây là lần đầu tiên, Việt Nam sở hữu bộ dữ liệu khí hậu gió biển có độ phân giải cao (3x3 km), xây dựng từ chuỗi số liệu kéo dài 30 năm (1991 - 2020), đủ khả năng hỗ trợ hoạch định quy hoạch, thiết kế dự án, lựa chọn công nghệ và đánh giá hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Mục tiêu lớn nhất của báo cáo là xây dựng bộ dữ liệu khí hậu gió biển có độ phân giải cao (3x3 km), dựa trên chuỗi số liệu kéo dài từ năm 1991 - 2020, từ đó xác định chính xác tiềm năng kỹ thuật phát triển điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng là nền tảng dữ liệu quan trọng nhằm hỗ trợ quy hoạch, đầu tư và phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo, nhất là trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII đã chính thức đặt ra mục tiêu rõ ràng về tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Theo Cục Khí tượng Thủy văn, một đóng góp quan trọng của báo cáo là việc xây dựng bộ Atlas năng lượng gió biển Việt Nam với 204 bản đồ chi tiết theo tháng, mùa và năm, ở các độ cao từ 10m đến 250m. Bộ Atlas thể hiện tốc độ gió, mật độ công suất, hệ số biến thiên gió ở từng ô lưới 3x3 km trên toàn vùng biển Việt Nam.

Với khả năng tích hợp vào các hệ thống GIS, theo Cục Khí tượng Thủy văn, đây là công cụ không thể thiếu cho các nhà đầu tư và cơ quan quản lý trong việc lựa chọn vùng phát triển ưu tiên, thiết kế tuabin tối ưu và dự báo sản lượng điện.

tiem-nang-dien-gio-ngoai-khoi-viet-nam-4-1745024518.jpg
Nguồn năng lượng điện gió sẽ đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế không carbon. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá các rủi ro khí tượng hải văn như bão, gió mạnh, sóng lớn và dòng chảy có thể ảnh hưởng đến tính ổn định và an toàn của các dự án điện gió ngoài khơi. Phân tích này giúp hình thành bản đồ vùng rủi ro, từ đó định hướng các khu vực nên và không nên phát triển.

Từ những kết quả trên, Báo cáo “Đánh giá tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam” khuyến nghị cần đầu tư thêm các trạm đo gió trên biển có độ cao trên 100m, mở rộng nghiên cứu năng lượng sóng, thủy triều; xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu khí tượng hải văn minh bạch cho doanh nghiệp và giới nghiên cứu.

Trọng Bình  
Nâng cao năng lực nông dân trong sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị
Gần 7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam
Chuyển đổi số ngành du lịch nâng cao trải nghiệm cho du khách
Ngành khách sạn trước làn sóng AI: Từ chối hay đón nhận?
Xuất khẩu nông sản vào EU: Tăng cường tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm với tiêu chuẩn ngày càng cao
Nâng cao năng suất quốc gia tạo sức bật khai phá những nguồn lực của đất nước trong kỷ nguyên mới
Để ngành tôm bứt phá và phát triển bền vững cần nhân rộng các mô hình tuần hoàn, kinh tế xanh
Hút vốn và khơi thông đầu tư cho năng lượng tái tạo
Những dự án đầu tư lớn đang tạo lực đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Tạo động lực giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng phát huy lợi thế thương mại điện tử
Công nghệ và bền vững Những trụ cột định hình ngành du lịch toàn cầu năm 2025
Để giữ vị thế cường quốc xuất khẩu hồ tiêu, Việt Nam cần chủ động sản xuất xanh nâng tầm giá trị
TP.HCM cần xây dựng Trung tâm hội chợ, triển lãm xứng tầm
“Mỏ vàng” năng lượng tái tạo giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững
Đóng góp những sáng kiến và giải pháp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn
Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp phát triển ngành sữa
Đẩy mạnh phát triển nhuyễn thể và rong biển là phù hợp với xu thế xanh
Chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm
Tạo lực hấp dẫn luồng vốn FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường
2025 – Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
Xem thêm