Nâng cao năng lực nông dân trong sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị
Sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị được xem là một chủ trương mới, là một trong những giải pháp quan trọng đối với ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động để hội viên nông dân hiểu được, khai thác được bền vững giá trị trong sản xuất nông nghiệp là vô cùng cần thiết.

Sáng 18/4, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp Tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Nghiêu, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định, sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị được xem là một chủ trương mới, là giải pháp quan trọng đối với ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Trong đó, Hội Nông dân Việt Nam các cấp sẽ đóng vai trò quan trọng, trước hết là tuyên truyền, vận động để hội viên nông dân hiểu được, khai thác bền vững giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Nhìn nhận về thực trạng sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay, theo ông Phạm Văn Nghiêu, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại nhiều vấn đề như liên kết tiêu thụ còn hạn chế, giao thông còn chưa đồng bộ, nông dân tự tăng mùa vụ khi giá nông sản tăng cao, sản xuất nông nghiệp có rủi ro rất nhiều, vấn đề kiểm soát đầu vào (giống, vật tư)…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề lý luận, chủ trương, chính sách và một số mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị; chỉ ra những rào cản, thách thức và đề xuất giải pháp để thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị, phát huy vai trò của Hội Nông dân trong công tác tuyên truyền, vận động...

Phát biểu về sản xuất nông nghiệp đa giá trị, TS. Nguyễn Tiến Định, Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và Trang trại, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị là mô hình kết hợp đồng bộ nhiều giá trị trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Trong đó có 6 giá trị chính, bao gồm: kinh tế, dinh dưỡng, văn hóa, xã hội, môi trường và công nghệ. Qua đó, hướng đến nâng cao hiệu quả tổng thể và phát triển bền vững.
Sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị tăng có thể tăng giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho nông hộ từ 20 – 80% do với mô hình đơn giá trị. Ngoài ra, mô hình này có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gìn giữ, phát huy văn hóa, tăng khả năng chống chịu… - ông Định nhấn mạnh.
Trên quốc tế đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị tại Trung Quốc, Nhật Bản… Tại Việt Nam các mô hình như làng rau Trà Quế, Quảng Nam… đã và đang từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị.
Tuy nhiên, các mô hình còn mang tính tự pháp, quy mô nhỏ, thiếu chính sách hỗ trợ đồng bộ, chưa có tiêu chí đánh giá rõ ràng và ít được nhân rộng, TS. Nguyễn Tiến Định chỉ rõ.
Từ đó, ông Định đề xuất 5 gợi ý chính sách về xây dựng khung lý luận chính sách tích hợp đa giá trị; thí điểm vùng tích hợp đa giá trị tại các tỉnh đặc thù, phát triển hệ thống dữ liệu không gian vùng trồng; nên có trung tâm học tập cộng đồng nông thôn gắn mô hình trình diễn sản xuất tích hợp; thiết lập các khu liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ tích hợp.
Đưa ra đề xuất, theo ThS Nguyễn Trọng Khánh, Chuyên gia Liên đoàn HTX Đức, để sản xuất nông nghiệp đa giá trị hiệu quả, Hội Nông dân các cấp cần phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp nông dân hiểu được nội hàm, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách để người nông dân hiểu. Cần nâng cao năng lực nông dân, đào tạo kỹ năng quản lý, chuyển đổi số, tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu cho nông dân, HTX.
Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân về sản xuất tích hợp đa giá trị, nên có tài liệu chính thống về phương thức sản xuất này. Ngoài ra, bên cạnh các hình thức tuyên truyền truyền thống như sinh hoạt chi bộ, Hội Nông dân nên ứng dụng các hình thức mới như tuyên truyền, vận động qua mạng xã hội, App Hội Nông dân, qua các lớp học cộng đồng Bình dân học vụ số…
Cùng với đó, cần nâng cao trình độ, kiến thức đội ngũ cán bộ Hội. Có thể đưa nội dung sản xuất tích hợp đa giá trị vào trường đào tạo bồi dưỡng.
Để đưa sản xuất tích hợp đa giá trị gần với nông dân hơn, cần có những mô hình sản xuất nông nghiệp đa giá trị ngoài thực tế, trên các lĩnh vực, các ngành nghề. Có thể giao khoán các chi tổ hội để mỗi bên làm sao có 1-2 mô hình đa giá trị, về chăn nuôi, trồng trọt, du lịch… Về cơ chế, chính sách về sản xuất tích hợp đa gia trị cũng cần đúng, trúng, thiết thực, hiệu quả, ông Sơn chia sẻ.