Việt Nam ký thêm 4 nghị định thư về xuất khẩu nông sản với Trung Quốc
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (từ ngày 14-15/4), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký 4 nghị định thư về xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 24 thỏa thuận ghi nhớ và nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Ngày 15/4, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (từ ngày 14-15/4), cơ quan này đã ký 3 thỏa thuận hợp tác về bảo vệ môi trường và địa khoa học, cùng với 4 nghị định thư về xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc.
Các nghị định thư được ký kết gồm: Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả ớt xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu an toàn và kiểm dịch động, thực vật đối với cám gạo và cám gạo chiết ly làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi xuất khẩu của từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với các sản phẩm tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Bên cạnh các mặt hàng trên, Trung Quốc đang tích cực triển khai thủ tục cấp phép chính thức cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như hoa quả có múi, dược liệu Đông y có nguồn gốc thực vật. Phía Việt Nam sẽ đẩy nhanh nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.

Hai bên cũng đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu thông minh tại các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Đồng thời, mô hình này sẽ được cân nhắc nhân rộng tại các cửa khẩu khác đủ điều kiện, gồm cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng. Các "kết nối mềm" về hải quan thông minh sẽ được nâng cấp.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng ký Bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ môi trường với Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì Thoả thuận hợp tác nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường Hải đảo Vịnh Bắc Bộ. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ký Bản ghi nhớ hợp tác với Cục địa chất Trung Quốc về địa khoa học.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Minh chứng là trong năm 2024, người tiêu dùng Trung Quốc chi 4,6 tỷ USD để mua rau quả Việt Nam. Tính riêng 11 tháng, sầu riêng đứng đầu với hơn 2,84 tỷ USD, thanh long khoảng 320 triệu USD, chuối 220 triệu USD, mít 240 triệu USD.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam có 14 loại nông sản đang xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, 8 mặt hàng được hai nước đã ký nghị định thư gồm: dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, chanh leo, ớt. 6 mặt hàng chưa được chuẩn hóa bằng nghị định thư gồm: thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Riêng mặt hàng chanh leo, ớt đang được xuất khẩu thí điểm.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 24 thỏa thuận ghi nhớ và nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Chỉ tính trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 4 nghị định thư bao gồm: Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, xuất khẩu cá sấu, xuất khẩu khỉ (nhân chuyến thăm Trung Quốc, từ 18-20/8/2024 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm); và Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi (được ký ngày 6/6/2024) nhân chuyến thăm làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam của lãnh đạo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Cũng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,6 tỷ USD. Trong đó, 4 loại trái cây gồm: sầu riêng, thanh long, chuối, mít được xuất khẩu nhiều nhất./.
Chanh leo và ớt Việt Nam được thí điểm xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức nghị định thư từ năm 2022. Hiện cả nước có hơn 12.000ha chanh leo, sản lượng 200.000 tấn/năm, tập trung ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Việt Nam có bộ chanh leo tương đối phong phú, nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.
Chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu đi 22 quốc gia, trong đó có thị trường EU, Úc, thị trường Mỹ (đang đàm phán mở cửa trong năm 2025).
Đối với trái ớt, hiện nay Việt Nam đang trồng tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ và một số địa phương khác.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 10.433 tấn ớt, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 25,1 triệu USD. So với năm 2023, lượng xuất khẩu tăng 2,6%, kim ngạch tăng mạnh 26%.
Thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 là Trung Quốc khi chiếm 75% thị phần, với lượng đạt 7.811 tấn.