Doanh nghiệp cần quan tâm duy trì đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam tại Philippines
Philippines là thị trường truyền thống đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Philippines sẽ tìm được những nguồn cung gạo mới nhằm giảm phụ thuộc vào bên cung ứng gạo duy nhất là Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm duy trì đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường xuất khẩu chủ lực này.

Gạo Việt Nam tiếp tục đứng vững tại thị trường Philippines nhờ lợi thế riêng
Philippines là thị trường truyền thống đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong những năm qua lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines luôn chiếm trên 40% đến gần 45% về lượng và kim ngạch trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Mặc dù Philippines đã và đang nỗ lực trong việc tìm kiếm đa dạng hóa nguồn cung nhưng gạo của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đứng vững tại thị trường Philippines do gạo của Việt Nam có thế mạnh riêng, có khả năng cạnh tranh tại thị trường.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết: “Một là nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines. Hai là gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp đến các tầng lớp giàu có, giá cả cạnh tranh. Thứ 3 là nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines”.
Vì vậy, thị trường Philippines trong năm 2025 và các năm tiếp theo vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Philippines sẽ tìm được những nguồn cung gạo mới nhằm giảm phụ thuộc vào bên cung ứng gạo duy nhất là Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cần quan tâm duy trì đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam tại Philippines.
Gạo của Việt Nam cần được tiếp tục giữ vững, đảm bảo ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu. Cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.

Philippines là quốc gia sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất lúa gạo, tuy nhiên, trong nhiều năm qua sản xuất lúa gạo trong nước luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Năm 2025, với nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ và đầu tư nhiều hơn cho nông dân, sản xuất lúa nội địa của Philippines đặt mục tiêu đạt 20,46 triệu tấn.
Tuy nhiên, cho dù đạt được mục tiêu đề ra, mức tăng khiêm tốn này không thể giúp Philippines thoát khỏi tình trạng thiếu hụt và phải phụ thuộc vào nhập khẩu gạo. Năm 2025, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự báo ở mức khoảng từ 4,92 triệu tấn, thậm chí trên 5 triệu tấn. Và gạo Việt Nam vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines.
Các động thái chính sách mà Philippines thực hiện nhằm mục tiêu giảm giá bán lẻ gạo trên thị trường có thể gây tâm lý bất an hoặc dẫn tới mức lợi nhận không được như kỳ vọng cho các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, vì vậy, có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2025 và trong các năm tiếp theo thực tế vẫn ở mức cao, bởi trong một thời gian ngắn Philippines không có khả năng tăng năng lực sản xuất lúa nội địa để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi nhu cầu hàng năm không ngừng tăng.
Chính phủ Philippines thời gian qua cũng đang nỗ lực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo và loại gạo nhập khẩu, thậm chí cả việc ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại gạo với Campuchia, mặc dù thỏa thuận này sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.
Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận phù hợp
Giai đoạn năm 2021 – 2023 lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Philippine luôn chiếm trên 40% đến gần 45% về lượng và kim ngạch trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trên toàn thế giới. Từ năm 2022, gạo của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Philippines hàng năm đạt trên 3 triệu tấn, cụ thể, năm 2022 đạt 3,214 triệu tấn, năm 2023 đạt 3,150 triệu tấn và năm 2024 đạt trên 3,5 triệu tấn.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2025, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng và đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại hai nước. Bên cạnh gạo, các mặt hàng như cà-phê, hạt điều, thủy sản, dệt may, giày dép, xi măng, hóa chất và sản phẩm điện tử cũng có nhiều tiềm năng phát triển.
Với dân số gần 120 triệu người và nền kinh tế có GDP trên 400 tỷ USD, Philippines là một trong những thị trường tiêu dùng lớn tại Đông Nam Á. Mặc dù sản xuất trong nước còn hạn chế, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất cao, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp, điện tử, phương tiện giao thông, sắt thép và hàng tiêu dùng. Những lợi thế về khoảng cách địa lý và quan hệ thương mại đang phát triển giúp Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, Philippines cũng là một thị trường có tính cạnh tranh cao. Hàng hóa Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.
Thị trường này cũng đặt ra những rào cản kỹ thuật như thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng của người dân Philippines vẫn có xu hướng ưu tiên các sản phẩm từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hơn so với hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách xuất nhập khẩu của Philippines còn nhiều thay đổi bất ngờ, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường. Một số sản phẩm nông sản như hoa tươi, rau, củ, quả tươi và thịt tươi sống vẫn chưa được Philippines mở cửa hoàn toàn, dẫn đến hạn chế trong việc đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.

Để tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường Philippines, Thương vụ Việt Nam tại Philippines khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và gia tăng khả năng cạnh tranh.
Đặc biệt, việc cải thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động quảng bá tại Philippines là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh đàm phán song phương, tháo gỡ các rào cản thương mại và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực logistics, chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, việc tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, hội chợ và triển lãm tại Philippines sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối với đối tác địa phương, nắm bắt nhu cầu thị trường và mở rộng kênh phân phối.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương và xử lý các vướng mắc liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu./.
- Tin liên quan
- • Vượt qua 'trái cây vua' xuất khẩu chuối bứt tốc tăng trưởng trong những tháng đầu năm
- • Trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường
- • Hợp tác mở rộng mô hình canh tác bền vững và thúc đẩy canh tác lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả