Trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường
Việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất và phương thức chỉ đạo của địa phương. Người dân dần thay đổi quan điểm, có ý thức hơn trong việc chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang bền vững, hướng tới giảm phát thải, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường.
Nội dung trên được nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 9/4, tại Cần Thơ.

Cả 12 tỉnh trong vùng ĐBSCL đều đăng ký tham gia đề án
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ, đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả bước đầu, thẳng thắn trao đổi về các khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục triển khai Đề án một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, sản xuất sạch, xanh và bền vững trở thành xu thế và đòi hỏi tất yếu. Ngay từ khi được phê duyệt, Đề án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của các địa phương và đặc biệt nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân, các doanh nghiệp và hợp tác xã.
"Qua hơn một năm triển khai, Đề án đã từng bước khẳng định tính đúng đắn, cần thiết và bước đầu mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định.
Theo đó, thói quen trong sản xuất lúa gạo của bà con nông dân đã dần thay đổi theo hướng tăng giá trị, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Đề án đã được các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển quan tâm, đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật, tín dụng và phát triển thị trường. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đã chú trọng hơn đến liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi sang quy trình canh tác bền vững như: Quản lý nước tưới tiên tiến, sử dụng phân bón hợp lý, xử lý rơm rạ… được áp dụng ngày càng rộng rãi, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành và của các địa phương, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với chất lượng cao, phát thải thấp và bảo vệ môi trường.
Thông tin tại hội nghị cho thấy tín hiệu đáng mừng từ việc triển khai đề án 1 triệu ha, cả 12 tỉnh trong vùng ĐBSCL đều đăng ký tham gia. Trong đó Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang là các tỉnh có diện tích tham gia lớn nhất. Đã triển khai 7 mô hình điểm cấp trung ương tại 5 địa phương Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ.

Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường. Cụ thể, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới.
Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2,0-12,0 tấn CO₂ tương đương/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia. Với những kết quả tích cực này, các mô hình thí điểm đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nông dân và hợp tác xã trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhấn mạnh: “Tiếp tục triển khai, mở rộng mô hình và mở rộng diện tích canh tác bền vững, giảm phát thải. Một tín hiệu rất mừng là đến nay theo đăng ký của địa phương, diện tích đăng ký áp dung quy trình giảm phát thải năm 2025 đạt khoảng 312.000 hecta, như vậy tăng 70% so với mục tiêu của Đề án đề ra.
Trong số đó Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang vẫn là các tỉnh có diện tích đăng ký tham gia, áp dụng quy trình này lớn nhất, còn Bạc Liệu và Cà Mau là hai dịa phương có diện tích đăng ký thấp nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn cho nông dân, DN, HTX, Tổ hợp tác về quy trình canh tác cũng như quy trình MRV. Quan tâm đặc biệt đến đội ngũ khyến nông cộng đồng, đây là đội ngũ sẽ bám đồng ruộng, để đảm bảo có đủ năng lực hướng dẫn bà con nông dân”.
Dựa trên kết quả triển khai các mô hình thí điểm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các địa phương cùng các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB) và các chuyên gia quốc tế để xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV) phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là bước quan trọng nhằm đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy của dữ liệu phát thải, tạo cơ sở để áp dụng đo đạc trên toàn bộ diện tích tham gia Đề án, đồng thời phục vụ các cơ chế tài chính carbon trong tương lai.
Giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho người dân, góp phần phát thải giảm khí nhà kính
Trong lời phát biểu, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị đại biểu tham gia Hội thảo đánh giá khách quan, toàn diện kết quả 1 năm thực hiện Đề án; đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận từ các cấp chính quyền địa phương đến từng hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc triển khai Đề án; giải pháp để nâng cao năng lực và tạo cơ chế hỗ trợ để hợp tác xã đóng vai trò trung tâm trong tổ chức sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về hạ tầng thuỷ lợi, logistics phục vụ sản xuất và chế biến lúa gạo bền vững; thúc đẩy thị trường tiêu thụ gạo chất lượng cao, phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là thương hiệu uy tín, chất lượng cao và phát thải thấp.; chia sẻ những kinh nghiệm hay, những mô hình khả thi, những cách làm sáng tạo qua thực tiễn triển khai Đề án để từ đó lựa chọn được các giải pháp mở rộng diện tích sản xuất lúa gạo theo quy trình canh tác bền vững. Đây cũng là dịp các địa phương chia sẻ cách làm hay trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

Ý kiến từ các địa phương tham gia đề án tại ĐBSCL cho thấy, việc triển khai đề án đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất và phương thức chỉ đạo của địa phương. Người dân dần thay đổi quan điểm, có ý thức hơn trong việc chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang bền vững, hướng tới giảm phát thải, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Cán bộ kỹ thuật địa phương cũng chủ động hơn trong việc hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, quy trình sản xuất bền vững chứng minh được hiệu quả kinh tế và môi trường. Trong đó, nhờ áp dụng các biện pháp như quản lý nước tiết kiệm, bón phân hợp lý, sử dụng giống chất lượng cao, chi phí sản xuất được giảm thiểu đáng kể trong khi năng suất vẫn ổn định. Điều này giúp người dân đảm bảo lợi nhuận ngay cả khi giá lúa có thời điểm giảm. Đồng thời, việc triển khai quy trình canh tác bền vững cũng giúp chứng minh rõ ràng hiệu quả trong giảm phát thải khí nhà kính.
Mặt khác, việc triển khai đề án đã thu hút sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và hợp tác xã vào chuỗi giá trị sản xuất; sự ủng hộ ngày càng nhiều hơn từ các bộ, ngành và chính quyền địa phương và sự quan tâm của các tổ chức quốc tế mở ra cơ hội hợp tác và hỗ trợ.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho người dân, góp phần phát thải giảm khí nhà kính. Tuy nhiên để nhân rộng Đề án, Sóc Trăng kiến nghị, cần có cơ chế, chính sách tài chính rõ ràng hỗ trợ người nông dân trực tiếp sản xuất theo mô hình này, không chỉ về tín dụng mà cả chi phí đầu vào, đầu ra. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, giao thông để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp.
“Với mô hình canh tác đó chúng tôi tiếp tục chọn 8 mô hình làm thí điểm trên 350 hecta. Trước mắt, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, chúng ta canh tác theo mô hình này đương nhiên chi phí giảm, người nông dân lời. Nhất là canh tác vừa rồi giống ST25 bán với giá thị trường gần 11 ngàn đồng/kg, cao hơn với bình thường 2-3 ngàn đồng, và vụ Đông Xuân chúng tôi mở rộng thí điểm”, ông Nam nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi từ triển khai đề án, quá trình triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ để đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện. Trong đó, nhận thức về Đề án chưa đồng đều giữa các địa phương. Nhiều địa phương vẫn chưa thực sự hiểu rõ nội dung cốt lõi và phương thức triển khai.
Quá trình triển khai quá tập trung vào tín chỉ carbon mà chưa chú trọng đến sản xuất bền vững. Mặt khác, những khó khăn, bất cập khác cũng được chỉ ra như, hạ tầng thủy lợi chưa theo kịp tiến độ triển khai, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ; nhận thức của doanh nghiệp và nông dân còn hạn chế, liên kết sản xuất còn yếu; nguồn lực đầu tư cho Đề án còn hạn chế; chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Năm 2025 là năm quan trọng, đánh dấu giai đoạn kết thúc của giai đoạn đầu Đề án. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương hoàn thành các chỉ tiêu đăng ký về diện tích canh tác giảm phát thải đồng thời tiếp tục quan tâm hỗ trợ triển khai các mô hình canh tác giảm phát thải từ nguồn ngân sách địa phương.
Dự kiến trong năm nay, diện tích áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải sẽ đạt trên 300 ngàn ha. Bên cạnh đó, triển khai các lớp đào tạo, tập huấn về quy trình sản xuất bền vững, đo đạc phát thải (MRV) cho cán bộ địa phương, hợp tác xã và nông dân; quan tâm đặc biệt đến việc duy trì và phát triển đội ngũ khuyến nông cộng đồng, đảm bảo họ có đủ năng lực hướng dẫn và hỗ trợ nông dân.
Xây dựng bản đồ số hóa diện tích xuất lúa tại 12 địa phương tham gia triển khai Đề án 1 triệu ha đảm bảo đủ tiêu chí mở rộng trong giai đoạn 2026-2030. Mặt khác, Bộ NN và MT sẽ phối hợp quyết liệt hơn với các bộ, ngành hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai nghiên cứu tiền khả thi cho dự án vốn vay WB hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các vùng tham gia đề án./.