|
Hà Nội --°C / --%
Thứ ba, 15/04/2025 08:21

Nông dân Đắk Lắk từng bước chuyển sang canh tác cà phê thông minh

Các nông hộ ở Đắk Lắk đang từng bước chuyển mình, mạnh dạn áp dụng mô hình canh tác thông minh để cải thiện môi trường và nâng tầm chất lượng hạt cà phê. Những thay đổi này đang góp phần tạo ra giá trị tích cực cho địa phương.


Hiệu quả vượt xa lối canh tác cũ

Khác với những mùa khô trước, thời tiết năm nay tại Đắk Lắk diễn biến thất thường với nắng nóng xen lẫn mưa lạnh. Điều này buộc ông Đặng Huy Thân ở xã Cư Huê (huyện Ea Kar), phải thường xuyên ra rẫy để theo dõi sát sao quá trình ra hoa, kết trái của cà phê, kịp thời điều chỉnh nước tưới và dinh dưỡng cho phù hợp. Gắn bó với cây cà phê gần 30 năm, ông Thân hiểu rõ sự bấp bênh của nghề. Tuy nhiên, khi ông được hướng dẫn áp dụng quy trình canh tác cà phê thông minh – một hướng đi mới giúp ông thay đổi hoàn toàn.

nha-khoa-hoc-ve-vuon-cung-nong-dan-huyen-ea-kar-trao-doi-quy-trinh-canh-tac-ca-phe-thong-minh-1743929747.jpeg
Nhà khoa học về vườn, cùng nông dân huyện Ea Kar trao đổi quy trình canh tác cà phê thông minh.

Trước đây, ông thường xuyên dọn sạch cỏ dưới gốc để "làm đẹp" vườn cây. Giờ đây, ông giữ lại lớp cỏ như một tấm thảm sinh thái tự nhiên để giữ ẩm và cải thiện đất. Việc tỉa cành cũng thay đổi, không còn mạnh tay cắt bỏ như trước. Ông Thân học cách hãm đọt, điều chỉnh tán cây để đón ánh sáng hiệu quả, thúc đẩy quá trình sinh trưởng. Trong vườn cà phê trồng xen tiêu còn bố trí thêm các hàng cây lấy bóng và chắn gió, tạo hệ sinh thái hài hòa và bền vững. Tư duy canh tác đổi mới đã mang lại hiệu quả và góp phần gìn giữ tài nguyên và môi trường. Đó là điều mà ông từng ít để tâm nhưng nay đã trở thành kim chỉ nam theo từng mùa vụ.

Giữa cao điểm mùa khô, vườn cà phê xen sầu riêng của gia đình bà Trần Thị Long ở thôn 6, xã Ea K’pam (huyện Cư M’gar) vẫn giữ màu xanh mướt mát, tán cây vươn rộng, cành lá sum suê. Bà Long là một trong những nông hộ tiên phong tham gia mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk và Công ty CP Phân bón Bình Điền triển khai.

nong-dan-huyen-krong-pac-trao-doi-voi-nha-khoa-hoc-ve-phuong-thuc-cham-soc-ca-phe-thong-minh-1743929775.jpeg
Nông dân huyện Krông Pắc trao đổi với nhà khoa học về phương thức chăm sóc cà phê thông minh.

Trên diện tích 2 ha, bà Long chủ động phân chia 0,5 ha duy trì theo phương pháp truyền thống, 1,5 ha còn lại áp dụng kỹ thuật canh tác thông minh để đối chứng, so sánh hiệu quả giữa hai phương pháp. “Canh tác thông minh không chỉ thay đổi mỗi cách bón phân, mà là cả một quá trình tính toán dinh dưỡng chính xác theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây” - bà Long chia sẻ.

Từ việc lựa chọn thời điểm bón phân, phối trộn đúng liều lượng, đến việc sử dụng dinh dưỡng phù hợp từng mùa như phân nuôi trái vào mùa mưa hay phân thúc cuối vụ để nâng chất lượng nông sản. Tất cả đều được thực hiện chuẩn theo hướng dẫn của chuyên gia. Kết quả sau hai năm ứng dụng là cây cho năng suất vượt trội. Tỷ lệ rụng trái giảm rõ rệt, chất lượng nông sản đồng đều hơn hẳn so với phương pháp truyền thống.

Hiểu rõ cây trồng và thổ nhưỡng để canh tác thông minh

Là chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cây cà phê đang đứng trước nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, kỹ thuật canh tác lạc hậu, quy trình trồng xen chưa tối ưu. Tại Đắk Lắk, nhiều nông hộ đã và đang kết hợp cà phê với các loại cây ăn trái như sầu riêng, hồ tiêu… Tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa xây dựng được quy trình canh tác phù hợp, khiến hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng.

nong-dan-su-dung-giong-moi-tuan-thu-dung-quy-trinh-canh-tac-de-co-san-luong-va-chat-luong-ca-phe-cao-1743929724.jpg
Nông dân sử dụng giống mới, tuân thủ đúng quy trình canh tác để có sản lượng và chất lượng cà phê cao.

Trước thực trạng đó, “Chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023–2025” đã được triển khai đồng bộ tại 15 huyện trọng điểm thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, chương trình đặt trọng tâm vào các mô hình trồng cà phê xen tiêu, cà phê thuần và cà phê xen sầu riêng ở các huyện Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pắc. Theo Tiến sĩ Phạm Anh Cường – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Công ty CP Phân bón Bình Điền thì chương trình hướng đến mục tiêu xây dựng gói kỹ thuật canh tác thông minh phù hợp với đặc thù từng vùng. Nó giúp nông dân ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cải thiện độ phì của đất, giảm thiểu dịch hại và khí thải nhà kính. Đặc biệt, các sản phẩm phân bón chuyên biệt đang được nghiên cứu để gia tăng hiệu quả kinh tế cho mô hình trồng thuần cũng như trồng xen cà phê.

Giải pháp “thông minh” mà chương trình canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu đang hướng tới không nằm ở những thiết bị hiện đại, mà chính là đặt người nông dân vào trung tâm của quá trình chuyển đổi. Thay vì chỉ làm theo kinh nghiệm, người trồng cà phê được khơi dậy tiềm năng, hiểu rõ hơn về đất đai, khí hậu, từ đó chủ động trong từng khâu chăm sóc, sản xuất đến tiếp cận thị trường. Chương trình đồng thời tập trung nghiên cứu sâu về ba nhóm đất chủ yếu tại Tây Nguyên như đất xám, đất bazan và đất phù sa. Mục đích là nắm bắt đặc tính, sự thay đổi dưới tác động của khí hậu, từ đó tối ưu hóa quy trình canh tác phù hợp với từng loại đất và vùng sinh thái.

canh-tac-ca-phe-thong-minh-cho-nang-suat-va-chat-luong-san-pham-cao-1743929689.jpg
Canh tác cà phê thông minh cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao

Tiến sĩ Trương Hồng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chia sẻ: “Canh tác thông minh không phải là điều gì cao siêu. Đó là chọn đúng giống, trồng đúng cách, bón đúng liều và canh tác theo hướng đa dạng hóa.” Với cà phê ghép, ông Hồng khuyến nghị trồng theo hàng để dễ quản lý. Việc trồng xen cây ăn quả, sử dụng phân bón hợp lý, cân đối cũng là yếu tố then chốt.

Lý thuyết đi liền với thực tiễn, những mô hình thực tế được triển khai tại các địa phương đã cho thấy hiệu quả rõ rệt: năng suất tăng, chất lượng cà phê cải thiện, cây trồng thích ứng tốt hơn với thời tiết cực đoan. Đây chính là cơ sở để chương trình tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới, mở ra hướng đi bền vững và hiệu quả hơn cho hàng chục nghìn hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên.

Kiến Giang  
Nông dân Đắk Lắk từng bước chuyển sang canh tác cà phê thông minh
Những nông sản chủ lực giữ phong độ thúc đẩy tăng trưởng nông sản quý I cao kỷ lục trong 4 năm qua
Doanh nghiệp cần quan tâm duy trì đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam tại Philippines
Vượt qua 'trái cây vua' xuất khẩu chuối bứt tốc tăng trưởng trong những tháng đầu năm
Hợp tác xã cần nhanh chóng chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Hợp tác mở rộng mô hình canh tác bền vững và thúc đẩy canh tác lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả
Trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường
Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành kế hoạch hành động với 8 nhiệm vụ giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 4%
Giá tăng cao nhưng Đắk Lắk đối diện với thiếu hụt nguồn cung cà phê và hồ tiêu
Doanh nghiệp đảm bảo thu mua tôm nguyên liệu không để đứt gãy chuỗi sản xuất do chính sách thuế mới của Mỹ
Khẳng định vị trí hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới cần tích hợp công nghệ mới và thúc đẩy tăng trưởng xanh
Khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình  - Bài 2: Nông dân “thắng lớn” với lúa chất lượng cao
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I đạt thặng dư 4,4 tỷ USD
Giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp kỳ vọng đạt trên 4%
Khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình
Phát huy vai trò 'cầu nối 4 nhà' của Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Ngày 4/4 diễn ra Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” tại Cần Thơ
Chiến lược “Xanh hóa vùng nuôi” – Tiếp đà cho ngành tôm bứt phá trong năm 2025
Phát triển thương hiệu tôm Việt xanh và sạch
Ngày 4/4 diễn ra Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” tại Cần Thơ
Xem thêm