|
Hà Nội --°C / --%
Thứ bảy, 10/05/2025 12:47

Nghị quyết 68 đang mở ra một chương mới cho kinh tế tư nhân Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới

Nghị quyết 68 đã đi thẳng vào các điểm nghẽn thể chế, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh phức tạp, phân biệt đối xử và rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp tư nhân; Nghị quyết 68 là cơ hội để sửa sai và bước sang một kỷ nguyên mới, nơi doanh nghiệp được tôn trọng, luật pháp được thực thi và thị trường vận hành công bằng.

Nội dung trên là những nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý khi tham dự Tọa đàm “Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 9/5.

phat-trien-kinh-te-tu-nhan-5-1746837013.jpg
Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay".(Ảnh: VGP)

Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW năm 2025 về phát triển kinh tế tư nhân và Chính phủ, Quốc hội đang quyết liệt triển khai thể chế hóa để đưa nghị quyết sớm vào cuộc sống với quyết tâm chính trị cao nhất nhằm tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân bứt phá, đóng vai trò là một động lực quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước.

Nghị quyết 68 có thể là đột phá thứ 3 trong lịch sử phát triển kinh tế tư nhân

Phát biểu khai mạc, điều phối viên tọa đàm - TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: Việt Nam đã đi qua ba thời kỳ đổi mới sâu rộng về tư duy đối với khu vực kinh tế tư nhân. Từ "cởi trói" vào cuối thập niên 1980, đến việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 mở rộng quyền tự do kinh doanh và nay là Nghị quyết 68 – một cuộc cách mạng về thể chế với tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển mạnh mẽ.

phat-trien-kinh-te-tu-nhan-2-1746837057.jpg
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phát biểu ý kiến tại tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định: Nghị quyết 68 đã đi thẳng vào các điểm nghẽn thể chế, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh phức tạp, phân biệt đối xử và rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết đặt yêu cầu rất cụ thể, phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; chấm dứt tình trạng các bộ, ngành tự ý đặt thêm điều kiện.

Bà Thủy nhấn mạnh, lần đầu tiên trong một nghị quyết cấp Trung ương, khu vực kinh tế tư nhân được nhìn nhận một cách bình đẳng, chính thức và có chiều sâu như vậy. Niềm tin này là cơ sở quan trọng để tạo động lực phát triển.

Theo bà Bùi Thu Thủy, không chỉ dừng ở trên Nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. “Trong hơn 20 năm công tác, chưa bao giờ việc thể chế hóa lại được triển khai nhanh như hiện tại”, bà Thủy khẳng định.

Cụ thể, khi xây dựng dự thảo Nghị quyết 68, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cũng đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ.

Thủ tướng đã chỉ đạo, dự kiến cố gắng ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước ngày 18/5, khi phổ biến Nghị quyết của Quốc hội cũng sẽ kèm theo chương trình hành động của Chính phủ.

"Đến nay, chúng tôi cũng đã cố gắng thể chế hoá tối đa những gì nêu trong Nghị quyết 68 mà mình thấy rất rõ và làm được ngay. Có những vấn đề chúng ta cần thời gian nghiên cứu để đạt độ "chín" thì sẽ thể hiện ở các luật. Hiện nay như dự thảo, tinh thần là đưa toàn bộ, thậm chí có một số chính sách cũng đã có trong dự thảo các luật”, bà Thủy nói.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, việc ra đời Nghị quyết 68 ở thời điểm này có thể là bước ngoặt, đột phá thứ 3 trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Trước đó, đột phá thứ nhất là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân. Đột phá thứ hai là trao quyền kinh doanh và có sự cải cách thủ tục hành chính, chủ yếu ở mức gia nhập thị trường.

phat-trien-kinh-te-tu-nhan-4-1746837087.jpg
Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội - Chuyên gia kinh tế. (Ảnh: VGP)

Theo ông Phan Đức Hiếu, để kinh tế tư nhân thực sự cất cánh, cải cách thể chế là chìa khóa gốc rễ, không đòi hỏi chi phí lớn nhưng mang lại hiệu quả đột phá. Cải cách thể chế là biện pháp cải cách “rẻ nhất”, “dễ nhất” đối với Nhà nước nhưng mang lại hiệu quả lớn nhất đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp.

Ông khẳng định, tinh thần cải cách thể chế lần này không còn là “đơn giản hóa” hay “sửa đổi” mà là “bãi bỏ triệt để” những quy định lỗi thời. Cùng với đó là đổi mới tư duy quản lý nhà nước, chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ; từ tiền kiểm sang hậu kiểm; từ can thiệp sang khuyến khích.

Theo đó, việc thể chế hóa Nghị quyết 68 không thể quá kéo dài thời gian, cần rất nhanh, khẩn trương và mạnh mẽ. Việc thể chế hóa nghị quyết phải thật rõ ràng, cụ thể. Nhấn mạnh tinh thần này, ông Phan Đức Hiếu đề xuất, bên cạnh các nội dung về giảm thuế môn bài, miễn thuế, hay những ưu đãi đã rõ ràng, trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội sắp tới cần có 1 phụ lục cụ thể về cắt giảm, bãi bỏ 30% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Đơn cử, trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay do các bộ ngành quản lý, có gần 200 ngành nghề. Thực hiện tinh thần nghị quyết, cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thì qua đó sẽ giảm thiểu ngay các "giấy phép con" không còn cần thiết nữa. Việc này cần triển khai ngay.

Việt Nam hoàn toàn có thể hình thành đội ngũ doanh nghiệp tư nhân vững mạnh

Nghị quyết 68 cũng đề xuất một số chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, các DNNVV sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu, giúp các doanh nghiệp mới thành lập có cơ hội phát triển mà không phải đối mặt với gánh nặng thuế. Hệ thống thuế và các yêu cầu về chứng nhận chất lượng cũng sẽ được điều chỉnh, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh.

Các ý kiến tại tọa đàm đều khẳng định, với khung thể chế đang được khẩn trương hoàn thiện, cùng với sự đồng hành của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp có cơ sở để tin tưởng rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể hình thành đội ngũ doanh nghiệp tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

phat-trien-kinh-te-tu-nhan-1-1746837112.jpg
TS Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi tại tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, cải cách thể chế là cách thức hiệu quả nhất để tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bền vững. Bằng chứng rõ ràng từ thực tiễn cho thấy các thay đổi trong chính sách sẽ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại lâu dài. Theo ông, “Cải cách thể chế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường và nâng cao tính bảo vệ cho các doanh nghiệp tư nhân”. Đây chính là nền tảng quan trọng để nền kinh tế tư nhân phát triển vững chắc, không chỉ trong ngắn hạn mà còn dài hạn .

“Vấn đề không phải ở chủ trương, mà là ở cam kết hành động. Không có doanh nghiệp nào sợ cạnh tranh, họ chỉ sợ bất công. Nếu thể chế vẫn phức tạp, luật vẫn mâu thuẫn, thủ tục vẫn nhiều tầng, thì kinh tế tư nhân sẽ không thể phát triển bền vững”, TS Dũng nói.

Kinh tế tư nhân hiện chiếm gần 40% GDP, sử dụng hơn 80% lực lượng lao động, nhưng lại thường xuyên “chịu lép vế” trong tiếp cận chính sách. Nghị quyết 68 là lời khẳng định rõ ràng rằng, khu vực này không còn là “phụ trợ”, mà phải trở thành “xương sống” cho tăng trưởng bền vững, độc lập và tự cường.

phat-trien-kinh-te-tu-nhan-6-1746836995.jpg
Nghị quyết 68 đề xuất một số chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Ảnh minh họa)

“Chúng ta cần đánh thức tinh thần khởi nghiệp, tôn vinh doanh nhân như người chiến sĩ kinh tế, đồng thời dẹp bỏ tư duy kỳ thị, coi thường doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết 68 là cơ hội để sửa sai và bước sang một kỷ nguyên mới, nơi doanh nghiệp được tôn trọng, luật pháp được thực thi và thị trường vận hành công bằng,” ông Hiếu khẳng định.

Với những cải cách sâu rộng, rõ mục tiêu, Nghị quyết 68 đang mở ra một chương mới cho kinh tế tư nhân Việt Nam. Nhưng thành công sẽ phụ thuộc vào tốc độ hành động và độ sâu thể chế. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, nếu chậm chân, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội vàng này./.

Trọng Bình  
Du lịch nông nghiệp - Điểm mới trên hành trình phát triển kinh tế nông thôn
Áp dụng chính sách thương mại linh hoạt – chủ động để giảm thách thức thuế quan mới từ Hoa Kỳ
Bộ Tài chính bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực tài sản công
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
Tổng thuật: Tọa đàm 'Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay'
Mỹ - Anh đạt được thỏa thuận thương mại, thị trường hàng hóa khởi sắc
Bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu
TP.HCM cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho tất cả các dự án còn đang vướng mắc
Thủ tướng: Thiết kế chính sách để đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân 'không có giới hạn'
Bộ Tài chính: Việt Nam muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế công bằng, bền vững với Hoa Kỳ
Dự thảo Nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp: Lùi thời gian để cập nhật tình hình mới
FED giữ nguyên lãi suất, thị trường hàng hoá lao dốc
'Chìa khóa” bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp
Đầu tư xanh từ khu vực tư nhân ở Việt Nam đạt hơn 160 triệu USD
Tăng cường giám sát an toàn thi công trong xây dựng công trình
Mặt bằng giá cả hàng hóa sẽ giảm sâu trong ngắn hạn
Thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ
'Nới' visa để tạo đột phá phát triển du lịch
Giải ngân vốn đầu tư công 'ì ạch' và những 'kế sách' thúc đẩy của Bộ Tài chính
Tây Ninh: Năng suất và chất lượng là “chìa khoá” giúp Doanh nghiệp vươn mình
Xem thêm