Tăng cường giải pháp tín dụng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Năm 2025, diện tích gieo trồng lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là 3,793 triệu héc-ta, với sản lượng dự kiến đạt 24,057 triệu tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, vụ Đông Xuân 2024 - 2025, vùng ÐBSCL sản xuất 1,5 triệu héc-ta, với sản lượng dự kiến đạt 10,772 triệu tấn lúa.

Tính đến hết tháng 2/2025, đã có 605.000 héc-ta lúa Đông Xuân tại vùng ÐBSCL được thu hoạch, với sản lượng đạt 4,174 triệu tấn. Qua 2 tháng năm 2025, nước ta xuất khẩu được 1,1 triệu tấn gạo, tăng 5,9% so với cùng kỳ, giá trị đạt 613 triệu USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ do giá gạo toàn cầu giảm. Theo đó, giá bán lúa của nông dân tại vùng ÐBSCL trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025 cũng giảm đáng kể so với năm 2024, nhưng nhiều doanh nghiệp không có vốn để dự trữ gạo nên không thể kiềm hãm khỏi tình trạng giá gạo rớt.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, thu mua, xuất khẩu lúa gạo tại ĐBSCL, đặc biệt vụ Đông Xuân 2025.
Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các cơ quan chức năng cần chủ động điều chỉnh sản xuất và cân đối cung - cầu lúa gạo trong nước gắn với nhu cầu thị trường.
Tiếp tục tăng cường sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với phát triển xuất khẩu vào các thị trường cấp cao để bán được giá cao. Tăng hỗ trợ về vốn tín dụng và ưu đãi lãi suất vay để khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thu mua, tạm trữ lúa, gạo và đầu tư phát triển hệ thống lò sấy, kho trữ lúa, phát triển chế biến… nhằm nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng.
Ðẩy mạnh thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030. Kịp thời bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh lúa gạo và tăng cường liên kết với nông dân tạo chuỗi liên kết bền vững…
Kịp thời có chiến lược xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Việt Nam. Tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 107/2018/NÐ-CP và Nghị định số 01/2025/NÐ-CP để nâng cao hiệu quả kinh doanh xuất khẩu gạo.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 1595/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 13, 14 và 15 triển khai các giải pháp tín dụng phục vụ sản xuất, chế biến, thu mua tạm trữ và xuất khẩu gạo, đặc biệt là thu mua lúa vụ Đông Xuân 2025 tại ĐBSCL.
Bà Nguyễn Thị Đậm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các các ngân hàng thương mại trên địa bàn khu vực phải chủ động cân đối nguồn vốn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ và tiêu thụ lúa gạo trong năm 2025. Đặc biệt, ưu tiên vốn tín dụng cho thu mua lúa vụ Đông Xuân tại ĐBSCL, hỗ trợ nông dân tái vụ.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 2/2025 cho thấy, các ngân hàng trên địa bàn ĐBSCL có dư nợ tín dụng đạt 1.220.651 tỷ đồng. Trong đó, trên địa bàn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 13 đạt 382.307 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 là 387.350 tỷ đồng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 đạt cao nhất là 450.994 tỷ đồng. Chỉ tính riêng hoạt động cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL, các tổ chức tín dụng đã cho vay khoảng 125.000 tỷ đồng.
Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 14 chia sẻ, đơn vị đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn khu vực tập trung triển khai các giải pháp tín dụng ưu tiên như mở rộng hạn mức và kéo dài thời gian cho vay phục vụ sản xuất, chế biến, thu mua tạm trữ và xuất khẩu gạo, đặc biệt là thu mua lúa vụ Đông Xuân 2025. Giải pháp quan trọng lúc này là giúp các doanh nghiệp thu mua chế biến gạo vượt qua khó khăn tài chính là việc tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng thu mua lúa cho bà con nông dân đang vào mùa cao điểm thu hoạch để tạm trữ chế biến xuất khẩu.
Các doanh nghiệp cần được tiếp cận với các khoản vay ưu đãi và lãi suất thấp để đầu tư vào công nghệ, sáng kiến bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh của doanh nghiệp, giúp giảm thiểu rủi ro tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định số 55 và Nghị định số 116, đặc biệt là cho vay theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo; Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL .
Ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 15 chia sẻ, nông nghiệp, nông thôn vẫn đang là lĩnh vực được hệ thống ngân hàng trên địa bàn khu vực dành nhiều chương trình ưu tiên, ưu đãi nhất so với các lĩnh vực khác thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế địa phương. Riêng tín dụng cho vay ngành lúa gạo trên địa bàn khu vực hiện nay là 45.108 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khu vực 15 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực xem xét nâng hạn mức, thời hạn cho vay phù hợp với quy định đối với các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong thu mua, chế biến, xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện vay vốn trung và dài hạn để đầu tư kho chứa, máy móc, thiết bị chế biến, bảo quản lúa gạo...
Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam để thông tin kịp thời về các chính sách tín dụng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Với những giải pháp này nhằm đảm bảo dòng vốn tín dụng phục vụ ngành lúa gạo, hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu, góp phần ổn định thị trường trong bối cảnh biến động cung cầu toàn cầu.
Đặc biệt, các ngành có liên quan của Trung ương và địa phương cần có những chính sách ưu đãi hơn để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có điều kiện hỗ trợ người nông dân trong việc thu mua và tạm trữ nguồn hàng lúa gạo trước thị trường nhiều biến động có bất lợi cho doanh nghiệp và người trồng lúa như hiện nay.
Các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường khuyến khích nông dân sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao như Đề án 1 triệu héc-ta của Chính phủ gắn với tăng cường sử dụng giống lúa thơm, lúa cao sản theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản,… từ đó hạn chế tình trạng phụ thuộc lớn vào một vài thị trường, khi có biến động về cung vượt cầu như hiện nay thì dễ bị ép giá thấp cho mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, gắn với phát triển hạ tầng logistics. Triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển cơ giới hóa và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030; trình ban hành Đề án Phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chính xác, khách quan phục vụ công tác tham mưu chính sách phát triển chế biến,...