|
Hà Nội --°C / --%
Thứ hai, 03/02/2025 06:34

Thúc đẩy dòng chảy “tín dụng xanh” vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Một mùa xuân mới lại nhẹ nhàng gõ cửa, mang theo hơi thở tươi trẻ của đất trời vào xuân. Giữa bức tranh xuân rực rỡ sắc màu, “tín dụng xanh” vươn lên như một nét chấm phá tươi sáng, thổi luồng sinh khí mới vào vùng đất được ví von là “vựa lúa gạo, thủy sả

mo-hinh-tom-lua-giup-tang-loi-nhuan-cho-nong-dan.-2-.png

Khơi dòng “tín dụng xanh”

Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng là “3 biến” mà Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã và đang đối mặt. Tuy vậy, bên cạnh thách thức, những xu hướng mới về “kinh tế xanh”, giảm phát thải, cơ hội mở rộng thị trường nông sản, sự phát triển khoa học công nghệ; các đề án, chương trình mới trong “kinh tế xanh”, “nông nghiệp xanh” đang mở ra triển vọng mới cho vùng.

Thực tế tại ĐBSCL, những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên được triển khai ở nhiều địa phương, như: mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh của các tỉnh: Ðồng Tháp, Tiền Giang, Cà Mau; mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn… Nhờ đó, diện mạo vùng ÐBSCL đã thay đổi, đời sống người dân được cải thiện và góp phần tích cực thực hiện cam kết của Chính phủ về chuyển đổi hệ thống lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hòa vào dòng chảy ấy, “xanh hóa” dòng tín dụng trở thành một chủ trương quan trọng được các tổ chức tín dụng ở các tỉnh ĐBSCL triển khai mạnh mẽ để hỗ trợ người dân lẫn doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bảo vệ môi trường, tạo dựng một hệ sinh thái hài hòa cho thế hệ mai sau.

Hiện khung pháp lý chuyên ngành về “tín dụng xanh” đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức khởi động từ khá sớm, với các văn bản chỉ đạo có tính nền tảng, như: Chỉ thị 03/CT-NHNN 2015 về thúc đẩy tăng trưởng “tín dụng xanh”, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định 1604/QĐ-NHNN 2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh; Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế… Từ đó, phát đi thông điệp rõ ràng Việt Nam khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động tham gia vào tiến trình mục tiêu Net Zero theo định hướng phát triển bền vững.

Khung pháp lý chung là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các giải pháp để mang lại cơ hội tăng tốc hơn nữa cả về chiều rộng và chiều sâu, quy mô và chất lượng “tăng trưởng xanh”, trong đó “tín dụng xanh” được xem như nguồn lực, “bệ đỡ”, “đòn bẩy tài chính” rất quan trọng. Những giải pháp đề xuất liên quan đến “tăng trưởng xanh”, “tín dụng xanh” nếu chỉ mang tính đơn phương, cục bộ, thiếu liều lượng cần thiết sẽ dẫn đến nguy cơ thực thi kém hiệu quả, không thực sự đi nhanh vào cuộc sống.

Năm qua, có thể thấy nông nghiệp, nông thôn vẫn đang là lĩnh vực được hệ thống ngân hàng dành nhiều chương trình ưu tiên, ưu đãi nhất so với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Chỉ tính riêng hoạt động cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL, đến cuối năm 2024 các tổ chức tín dụng đã cho vay khoảng 124 nghìn tỷ đồng.

Đối với Đề án Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, hiện nay đã có hàng chục mô hình lớn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các ngân hàng thương mại cam kết không giới hạn hạn mức tín dụng. Trong khi đó, đối với gói vay ưu đãi lãi suất dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, từ hạn mức ban đầu 15 nghìn tỷ đồng, hiện nay đã nâng lên mức 60 nghìn tỷ đồng với sự vào cuộc của hàng chục ngân hàng thương mại. Dư nợ cho vay ở nhiều địa phương cho lĩnh vực này đạt mức 4 nghìn – 5 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 1-2% lãi suất cho hàng nghìn doanh nghiệp.

Nâng tầm cao mới

Năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt tốc độ 3,4 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 64 - 65 tỷ USD. Trong đó, nhấn mạnh vào các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm và tích hợp đa giá trị; đồng thời khuyến khích phát triển nền nông nghiệp lớn theo hướng hữu cơ, tuần hoàn.

Những định hướng trên của ngành nông nghiệp cho thấy, xu hướng “xanh hóa” nền kinh tế nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo và được khuyến khích, tạo điều kiện ưu tiên phát triển trên phạm vi toàn quốc. Điều này cũng gợi mở rằng trong năm 2025 và các năm tiếp theo, lĩnh vực “nông nghiệp xanh” sẽ là “điểm rơi” của các chính sách ưu đãi hỗ trợ cả về mặt pháp lý đầu tư cũng như về tài chính, tín dụng. Trong đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về lãi suất, điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thương mại sẽ cởi mở hơn.

Thách thức lớn nhất đối với các tổ chức tín dụng hiện nay không chỉ là cần hành lang pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mà còn là chiến lược tự đổi mới nguồn nhân lực và năng lực quản trị nội bộ phù hợp với bối cảnh yêu cầu mới.

Căn cứ vào định hướng của Ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động triển khai quy trình hướng dẫn nội bộ về tín dụng xanh. Tuy nhiên, tính chuẩn mực, chuẩn hóa trong hoạt động này vẫn chưa được phổ cập rộng rãi, mang tính thống nhất cao để có thể áp dụng chung trên toàn hệ thống. Điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát các dự án tín dụng xanh ngay từ khi khởi sự cho đến lúc đi vào vận hành.

Cũng cần lưu ý, những cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế xanh đang trong xu thế quốc tế hóa rất mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc chủ động cập nhật, lựa chọn và vận dụng phù hợp những sáng kiến, giải pháp mới của thế giới vào hoàn cảnh cụ thể ở nước ta nhằm đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đang là vấn đề mang tính thời sự cấp bách.

Bên cạnh cơ chế “tín dụng xanh”, một loạt phát kiến mới để bổ sung năng lực “tài chính xanh” nhằm cung cấp các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh và các công cụ tài chính khác thúc đẩy sự phát triển của các dự án thân thiện với môi trường đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường vốn khu vực và quốc tế, như “trái phiếu xanh”, “quỹ đầu tư xanh”, đền bù và tín chỉ carbon…

Các công cụ này bước đầu tạo ra sức hấp dẫn lớn để thu hút đầu tư cả trên lĩnh vực công và tư, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế rộng rãi dành cho các sáng kiến chống biến đổi khí hậu, bổ sung thêm nguồn lực tài trợ ưu đãi cho những đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào chuỗi dây chuyền phát triển nền “kinh tế xanh”. Đây là cơ hội tốt để các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, tranh thủ và vận dụng nhằm tăng cường quy mô và hiệu quả, thúc đẩy chiến lược “tín dụng xanh” của chính mình lên tầm cao mới.

Đặc biệt, việc bổ sung các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn vào đối tượng hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 116/2018 cũng như việc ban hành Nghị định mới về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp mảng “tín dụng xanh” lĩnh vực “tam nông” có nhiều cơ hội tăng trưởng. Từ đó, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ nông dân tiếp vốn vay dễ dàng hơn và vay được vốn với hạn mức cao hơn mà không cần tăng thêm tài sản thế chấp.

Về góc độ triển khai, hiện nay hàng chục ngân hàng thương mại, như: VietinBank, Agribank, TPBank, MB… đều đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội cho các dự án và đối tác vay vốn, khách hàng. Các ngân hàng cũng đã khá chủ động trong việc thiết kế các sản phẩm đặc thù dành cho khách hàng lĩnh vực nông nghiệp để tạo cơ chế linh hoạt trong việc tài trợ vốn và mở rộng phạm vi tiếp cận các dịch vụ “tài chính xanh”.

Trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 16%, nhiều khả năng ngay từ các tháng đầu năm, hàng loạt các ngân hàng sẽ “bung mạnh” các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực “ngân hàng xanh”, “kinh tế xanh”. Trong đó, riêng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, sự cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại trong việc tài trợ vốn cho các dự án “nông nghiệp xanh”, nông nghiệp hữu cơ, chuỗi liên kết giá trị nông sản… sẽ khá sôi động, bởi đến hiện tại, ngoài Agribank hàng loạt các ngân hàng khác như HDBank, LPBank, KienlongBank, NamABank, BacABank, NCB… đều đang hướng dòng tín dụng về các vùng nông nghiệp trọng điểm.

Thực tế, việc thiếu các tiêu chí rõ ràng để phân loại, đánh giá “dự án xanh” là một trong những vướng mắc lớn nhất đối với các ngân hàng khi quyết định cho vay theo “tín dụng xanh”. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận “nguồn vốn xanh”…

Bởi vậy, để thúc đẩy sự phát triển của “tín dụng xanh” tại ĐBSCL, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, có hướng dẫn cụ thể về “danh mục xanh”; tiêu chí xác định “dự án xanh” phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam. Từ đó, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp “tín dụng xanh”.

“Tín dụng xanh” là “mạch máu” nuôi dưỡng các “mầm xanh của nền kinh tế”. Và vùng ĐBSCL đã và đang nỗ lực thúc đẩy “tín dụng xanh” để những “mầm xanh” lan tỏa. Đây cũng là nền tảng để ước mơ về một nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường đã không còn xa vời.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, năm 2024, tổng dư nợ tín dụng vùng ÐBSCL đạt 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt 643 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ vùng (ngành lúa gạo dư nợ khoảng 124 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ vùng và 53% dư nợ tín dụng lúa gạo cả nước).

Th.s Trần Trọng Triết  
Cầu vốn tăng, tín dụng khởi sắc ngay đầu năm
Bình Dương mở rộng quan hệ hợp tác, tạo sức hút lớn cho các nhà đầu tư chất lượng
Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng thiếu cát, chậm tiến độ
Triển khai thanh toán thẻ NAPAS tại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM
Tỉnh Long An coi doanh nghiệp là bạn để cùng đồng hành, cùng phát triển
Biến ước mơ của nhiều hộ nghèo tỉnh Long An thành hiện thực
Agribank An Giang góp sức phát triển kinh tế địa phương
Tín dụng chính sách “gieo sức sống” mới ở An Giang
Trà Vinh phấn đấu tăng trưởng tín dụng chính sách đạt từ 8 -10% trong năm 2025
Thúc đẩy dòng chảy “tín dụng xanh” vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng
Tôi mơ Lý Sơn sẽ trở thành huyện đảo hạnh phúc nhất thế giới
Quảng trường 243 mở ra không gian đô thị mới phía Nam cửa ngõ TP Quảng Ngãi
Tân Hoàng Minh đề xuất xây khu du lịch nghỉ dưỡng rộng 1.655ha ở Quảng Bình
Phan Thiết bùng nổ chuỗi sự kiện chào năm mới
Ngành Thuế phấn đấu vượt mức thu nội địa hơn 12.000 tỉ đồng
Tỉnh Nghệ An trao giấy chứng nhận đầu tư dự án 1.200 tỷ đồng cho Tập đoàn WHA
Phát động thi đua 365 ngày đêm thi công dự án đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM
Tạo cơ chế khác biệt để kích hoạt mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Bình Định: Lộ diện chủ đầu tư thực hiện dự án khu du lịch hơn 2.500 tỷ đồng
Xem thêm