Tổng thống Donald Trump đưa ra kế hoạch áp dụng thuế quan "có đi có lại", hiệu lực có thể bắt đầu từ tháng 4/2025
Ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một văn bản vạch ra kế hoạch áp dụng thuế quan có đi có lại, trong nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết những gì ông coi là hành vi thương mại "không công bằng" của các quốc gia khác.
Ứng cử viên Bộ trưởng Thương mại, ông Howard Lutnick cho biết, các biện pháp này có thể được áp dụng sớm nhất là vào ngày 2/4 sau khi chính quyền kết thúc việc kiểm tra các điều kiện thương mại với mỗi quốc gia và Liên minh châu Âu vào ngày 1/4.
Ông Donald Trump cho biết: "Tôi đã quyết định vì mục đích công bằng rằng tôi sẽ tính thuế có đi có lại, nghĩa là bất cứ quốc gia nào áp thuế với Mỹ, chúng tôi sẽ tính thuế với họ, không hơn, không kém."
Ông nói: “Trong nhiều năm, Mỹ đã bị các nước khác đối xử bất công. Mỹ đã giúp đỡ nhiều quốc gia trong suốt nhiều năm với chi phí tài chính lớn. Giờ là lúc các quốc gia này ghi nhớ những gì chúng ta đã làm cho họ và đối xử công bằng với chúng ta."
Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền sẽ đưa ra một báo cáo chi tiết về các biện pháp khắc phục được đề xuất theo từng quốc gia trong vòng 180 ngày, trước tiên tập trung vào những quốc gia có thặng dư thương mại đáng chú ý với Mỹ.
Quan chức này cho biết các nghiên cứu của họ về từng đối tác thương mại có thể được hoàn thành trong vài tuần hoặc vài tháng tới, đồng thời nói thêm rằng giữa các quốc gia có "sự kết hợp khác nhau về cách họ tận dụng lợi thế" của Mỹ, trong đó Nhật Bản được mô tả là có "mức thuế tương đối thấp nhưng có rào cản cấu trúc cao".
Theo dữ liệu chính thức, năm 2024 Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn nhất với Trung Quốc, tiếp theo là Mexico, Việt Nam, Ireland, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong số các đối tác của Mỹ, ông Donald Trump đặc biệt nhắm đến các nước thành viên EU, cho rằng thuế giá trị gia tăng cao do họ áp đặt nên được coi là thuế quan hoặc rào cản thương mại, khiến sản phẩm của Mỹ kém cạnh tranh hơn trên thị trường của châu Âu.
Ông cũng phàn nàn rằng Đài Loan (Trung Quốc) đã tiếp quản hoạt động kinh doanh chất bán dẫn của Mỹ.
Ông nói: “Ngay bây giờ chúng ta phải có chip được sản xuất tại Mỹ”, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất nước ngoài xây dựng nhà máy tại Mỹ.
Bản ghi nhớ cho biết Mỹ sẽ xem xét "các mối quan hệ thương mại không có đi có lại" với tất cả các đối tác thương mại của mình, bao gồm mọi loại thuế giá trị gia tăng và các loại thuế không công bằng hoặc thuế ngoài lãnh thổ khác áp đặt đối với các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng Mỹ.
Mỹ cũng sẽ kiểm tra các yếu tố như chính sách của nước ngoài khiến tỷ giá hối đoái đi chệch khỏi giá trị thị trường, vấn đề bảo hộ và các yêu cầu pháp lý.
Theo Nhà Trắng, Mỹ đã ghi nhận thâm hụt thương mại hàng hóa hàng năm kể từ năm 1975. "Các thị trường đóng cửa ở nước ngoài làm giảm xuất khẩu của Mỹ và thị trường mở trong nước dẫn đến nhập khẩu đáng kể, cả hai đều làm giảm khả năng cạnh tranh của Mỹ", Nhà Trắng cho biết.
Trong khi nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho khả năng tăng mạnh thuế nhập khẩu của Mỹ, điều này có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế của họ và tăng trưởng thế giới, thì nhiều nhà kinh tế chính thống lại cảnh báo giá tiêu dùng trong nước sẽ tăng cao.
Trong cuộc trao đổi kéo dài với các phóng viên hôm thứ Năm, ông Trump cho biết các mức thuế sắp được áp dụng sẽ giúp tạo ra “số lượng việc làm khổng lồ” tại Mỹ. Nhưng ông thừa nhận rằng “giá có thể tăng lên đôi chút trong thời gian ngắn”.
Kể từ khi trở lại nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào ngày 20/1, ông Trump đã công bố thuế quan đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, có hiệu lực vào ngày 12/3, đồng thời áp thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Ông cũng khởi xướng kế hoạch đánh thuế nặng đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, nhưng sau đó cho phép tạm ngưng trong 30 ngày để đàm phán với các nước láng giềng.