Trước làn sóng thuế quan mới: Doanh nghiệp Việt vượt khó bằng tư duy mới và chuyển đổi kép
Trong bối cảnh Mỹ siết chặt các chính sách thuế quan, gây ảnh hưởng sâu rộng đến dòng chảy thương mại toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài vùng tác động.

Phát biểu tại sự kiện Cafe Doanh nhân HUBA lần thứ 82, tổ chức sáng 10/5/2025 tại TP.HCM, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia –cho biết: Năm 2025–2026 là giai đoạn nhiều biến động với kinh tế toàn cầu do xung đột địa chính trị kéo dài, làn sóng bảo hộ thương mại lan rộng và áp lực lạm phát gia tăng. Những yếu tố này khiến tăng trưởng toàn cầu bị kéo lùi và đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.
Thuế quan mới của Mỹ – Tác nhân làm gia tăng rủi ro đối với doanh nghiệp Việt
Chính sách thuế quan mới từ Mỹ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, mà còn khiến môi trường đầu tư trở nên khó đoán, làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài việc chi phí logistics leo thang, các rào cản kỹ thuật và áp lực cạnh tranh gia tăng từ hàng hóa nhập khẩu cũng khiến doanh nghiệp nội địa gặp khó.

Theo TS. Cấn Văn Lực, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng cần xem chuyển đổi kép – bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh – là chiến lược vừa cấp thiết trước mắt, vừa lâu dài cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch và khả năng giải trình, từ đó tạo dựng niềm tin với các đối tác quốc tế.
Sáu giải pháp trọng tâm giúp doanh nghiệp vượt "sóng" thuế quan
Tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra sáu giải pháp then chốt giúp doanh nghiệp Việt ứng phó hiệu quả trước chính sách thuế quan mới từ Mỹ. Trước hết, doanh nghiệp cần chủ động tận dụng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và lãi suất của Chính phủ để giảm gánh nặng chi phí vận hành.
Tiếp theo, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và tối ưu hóa chuỗi cung ứng là hướng đi thiết thực để cải thiện nội lực. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu – mở rộng sang ASEAN, Ấn Độ hay châu Phi – sẽ giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động quản trị rủi ro pháp lý và tỷ giá, đầu tư vào nhân lực chất lượng cao và mô hình quản trị hiện đại. Đồng thời, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp cận ưu đãi thuế quan là bước đi chiến lược không thể thiếu.

Trong thời đại mà mọi giao dịch đều có thể bị kiểm soát, minh bạch về xuất xứ, đối tác và tiêu chuẩn chất lượng không còn là yêu cầu tự nguyện mà là điều kiện bắt buộc. Doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý cần vào cuộc cùng nhau để giải trình rõ ràng với các đối tác quốc tế, nhất là Mỹ – thị trường khó tính nhưng cũng đầy tiềm năng.
Từ việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tất cả đều là những giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn vươn lên mạnh mẽ. Những chia sẻ từ Tiến sĩ Cấn Văn Lực tại Cafe Doanh nhân HUBA lần thứ 82 không chỉ là cảnh báo mà còn là lời khuyến nghị sâu sắc về sự chuẩn bị dài hạn và linh hoạt của doanh nghiệp Việt trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế.
*Một số hình ảnh tại sự kiện Cafe Doanh nhân HUBA lần thứ 82:









- Tin liên quan
- • Áp dụng chính sách thương mại linh hoạt – chủ động để giảm thách thức thuế quan mới từ Hoa Kỳ
- • Tìm giải pháp hóa giải thách thức cho doanh nghiệp trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ
- • Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng: Doanh nghiệp có thêm dư địa, song cần định vị chiến lược, tránh gián đoạn chuỗi cung ứng