Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Vốn ngân hàng chỉ là giải pháp hỗ trợ thêm, không phải chính sách quyết định trong phát triển nhà ở xã hội
Để phát triển nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chỉ là giải pháp hỗ trợ thêm, không phải chính sách quyết định để thực hiện. Nếu sử dụng vốn ngân hàng thì có thể tính đến việc sử dụng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua ngân hàng cho vay, hoặc thành lập Quỹ để ủy thác qua tổ chức tín dụng, khi thực hiện ủy thác thì tổ chức tín dụng có thể cho vay dài hạn hơn, lãi suất ưu đãi hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: VGP)
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội chiều ngày 6/3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cần xác định nhu cầu sở hữu nhà ở, nhu cầu mua, nhu cầu thuê ở từng địa phương, làm rõ mục đích xây nhà để bán hay để thuê. Bởi nếu không biết rõ nhu cầu của người dân sẽ dẫn đến tình trạng nguời thu nhập thấp muốn mua nhà ở nội thành để thuận tiện cho việc đi làm nhưng nhà ở xã hội lại được cấp phép xây dựng ở khu ngoại thành. Đề án 06 của Bộ Công an có thể giúp nắm được những đối tượng cần nhà ở theo các nhu cầu khác nhau.
Theo Thống đốc NHNN, cần phải có những chính sách hỗ trợ về thuế đất, lãi suất, chỉ định nhà đầu tư, giảm bớt thủ tục…
Với trường hợp vốn tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, hoạt động ngân hàng có đặc thù là nguồn tiền cho vay dựa vào huy động của người dân nên bắt buộc phải đủ điều kiện vay thì mới cho vay được, các ngân hàng cũng phải thẩm định rất kỹ có khả năng thu hồi vốn thì mới cho vay.
"Ngân hàng huy động vốn của nguời dân là huy động ngắn hạn, còn cho vay làm dự án là cho vay dài hạn do đó việc cân đối giữa cho vay và nguồn vốn huy động rất quan trọng để tránh việc khi người dân cần rút tiền mà tổ chức tín dụng chưa thu hồi được từ người vay, gây rủi ro cho ngân hàng", Thống đốc lý giải.
Do vậy, Thống đốc NHNN nhấn mạnh, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chỉ là giải pháp hỗ trợ thêm, không phải chính sách quyết định để thực hiện. Nếu sử dụng vốn ngân hàng thì có thể tính đến việc sử dụng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua ngân hàng cho vay, hoặc thành lập Quỹ để ủy thác qua tổ chức tín dụng, khi thực hiện ủy thác thì tổ chức tín dụng có thể cho vay dài hạn hơn, lãi suất ưu đãi hơn.
Đối với 2 chương trình của ngân hàng là gói 145.000 tỷ đồng và chương trình cho vay tín dụng với người trẻ dưới 35 tuổi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã kêu gọi các ngân hàng có trách nhiệm với chỉ đạo này và lãi suất ưu đãi chỉ 1-3% đã thấp hơn thông thường. Hiện nay có 37/63 UBND tỉnh có 90 dự án, trong đó 40 dự án có nhu cầu vay vốn. Với chương trình cho người trẻ vay vốn mua nhà, hầu hết họ đều có nhu cầu thuê nhà, chứ chưa có nhu cầu mua nhà nên cần đánh giá lại.
"Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã kêu gọi được 9 ngân hàng đăng ký khoảng 45-55 ngàn tỷ đồng để cho vay trong thời gian 15 năm và lãi suất thấp hơn khoảng 1-3%", Thống đốc nói.
Về thủ tục cho vay, Thống đốc cho hay, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng phải khẩn trương rút ngắn thời gian thẩm định, còn quy định, điều kiện và khả năng trả nợ là điều các ngân hàng bắt buộc phải thẩm định.
Cũng theo Thống đốc, việc giải ngân cùng 1 dự án (chủ đầu tư do 1 ngân hàng cho vay và khách hàng mua nhà cũng do ngân hàng đó cho vay) là điều không thể vì người mua nhà có thể ở nhiều nơi khác nhau, họ có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau nên với kiến nghị này, tôi đề nghị các ngân hàng khi cấp tín dụng phải giải thích rõ.
"Gói 145.000 tỷ đồng, ngân hàng tự nguyện cho vay nhà ở xã hội cũng đang ở mức lãi suất 6,1-6,6%/năm bằng lãi suất cho vay người nghèo", Thống đốc làm rõ thêm.