|
Hà Nội --°C / --%
Thứ tư, 30/04/2025 16:17

BIDV báo lãi quý I/2025 vượt 7.400 tỷ đồng, chuẩn bị tăng vốn lên gần 92.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã chứng khoán BID) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7.413 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái (7.389 tỷ đồng).

Với kết quả này, BIDV hiện đang nằm trong top 3 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống, trong bối cảnh sau khi Vietcombank vừa công bố kết quả vượt trội với 8.696 tỷ đồng vào ngày 29/4.

BIDV báo lãi quý I/2025 vượt 7.400 tỷ đồng, chuẩn bị tăng vốn lên gần 92.000 tỷ đồng - 1

Thu nhập lãi và ngoài lãi tiếp tục đóng vai trò động lực

Trong kỳ, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 13.945 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,99% so với quý I/2024. Kết quả này chủ yếu đến từ việc tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 17,47% và cải thiện biên lãi ròng (NIM) lên mức 9,16%. Tổng thu nhập hoạt động ghi nhận 17.898 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Đóng góp lớn cho tăng trưởng thu nhập còn đến từ thu nhập ngoài lãi – đạt 3.953 tỷ đồng, tăng gần 9%. Trong đó, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh đạt 214 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt, đạt 125 tỷ đồng, tương đương mức tăng 31%. Đáng chú ý nhất là khoản mục “hoạt động kinh doanh khác” – vốn không thường xuyên nổi bật – nhưng trong quý này đã mang về tới 1.216 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 143%.

Ở chiều ngược lại, một số mảng hoạt động ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm 9,1%, còn 1.539 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng giảm mạnh hơn 41%, chỉ còn 864 tỷ đồng so với mức 1.465 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, về chi phí hoạt động trong quý I/2025 của BIDV đã tăng 9,5% so với cùng kỳ, lên 5.906 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ chi phí nhân sự gia tăng – thể hiện qua chi phí bình quân 37,4 triệu đồng/nhân viên/tháng, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Đồng thời, ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thêm 4,3%, gây áp lực lên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, vốn chỉ tăng nhẹ 1,8%, đạt 11.992 tỷ đồng.

Một điểm cần đặc biệt lưu ý là tình trạng nợ xấu. Tại ngày 31/3/2025, tổng nợ xấu của BIDV đã tăng 37,4% so với đầu năm, từ 29.036 tỷ đồng lên mức 39.910 tỷ đồng. Điều này kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,41% lên 1,89%, phản ánh áp lực lớn trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Mặc dù lợi nhuận không tăng đáng kể, BIDV vẫn cho thấy khả năng mở rộng quy mô ổn định. Cuối quý I/2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 2,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng trưởng ở mức 2,5%, đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng. Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng đạt gần 1,98 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 1,2%.

Động thái quyết liệt tăng vốn và chủ động trước biến động

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức ngày 26/4, BIDV đã trình bày và được thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 21.656 tỷ đồng, tương đương mức tăng 30,8%, đưa tổng vốn điều lệ lên gần 91.870 tỷ đồng. Việc tăng vốn sẽ được triển khai thông qua ba kênh: phát hành cổ phiếu từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trả cổ tức bằng cổ phiếu, và chào bán cổ phiếu riêng lẻ hoặc ra công chúng.

Đại hội cũng cho thấy một tinh thần chủ động ứng phó trước những biến động bên ngoài. Chủ tịch HĐQT BIDV ông Phan Đức Tú, khẳng định ngân hàng đã xây dựng kịch bản ứng phó với rủi ro từ chính sách thuế quan quốc tế, đặc biệt là các biện pháp đối ứng có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu – khách hàng của BIDV. Ông Tú cho biết, tổng dư nợ chịu ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan này ước tính lên đến 300.000 tỷ đồng.

Đồng thời, BIDV cũng thể hiện quan điểm tích cực trong việc tham gia hạ tầng hỗ trợ phát triển sàn giao dịch tài sản số – một xu hướng đang được quan tâm trong dự thảo chính sách của Nhà nước. Mặc dù ngân hàng không chủ trương thành lập công ty riêng để triển khai lĩnh vực này, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Lâm khẳng định BIDV sẽ đóng vai trò tích cực trong quá trình xây dựng hạ tầng nếu được yêu cầu.

BIDV bước vào năm 2025 với nhiều tín hiệu tích cực về tăng trưởng quy mô và sự chủ động chiến lược, nhưng cũng đối mặt không ít áp lực từ chi phí tăng, hiệu quả hoạt động bị bào mòn, và nợ xấu gia tăng. Việc thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn và kiểm soát chất lượng tín dụng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc duy trì vị thế top đầu ngành ngân hàng của BIDV trong năm nay.

Hữu Kiên  
PV GAS Quý I2025 doanh thu vượt 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận đã đạt hơn 50 mục tiêu cả năm
Trước nghỉ lễ 30/4 - 1/5, một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động
Ngân hàng Khu vực 15: Đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu hỗ trợ doanh nghiệp
Sacombank công bố lợi nhuận quý I/2025 tăng mạnh 38%, tổng nợ xấu vượt 14.000 tỷ
Xây dựng Đề án kế hoạch vốn tín dụng chính sách giai đoạn 2026-2030
Ngân hàng MB công bố lợi nhuận quý I/2025 cao kỷ lục
Ngày 28/4: Tỷ giá trung tâm giảm 3 đồng
Các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, chinh phục các mục tiêu tăng trưởng
Cảnh báo từ các ngân hàng: Cẩn trọng trước những chiêu lừa tinh vi khiến tài khoản “bốc hơi” trong tích tắc
Ngân hàng Khu vực 14: Tăng trưởng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên
Dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 tăng bình quân trên 22%/năm
Ngành Ngân hàng đã sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng
Ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế PCI-DSS 4.0.1
Cổ đông Nhật Bản Aozora Bank: “Chúng tôi không có ý định thoái vốn khỏi OCB”
BAC A BANK tăng vốn điều lệ hơn 12 nghìn tỷ đồng
Nâng cao hiệu quả tín dụng xây dựng nông thôn mới ở Ngân hàng Khu vực 15
Đẩy mạnh tín dụng tại Kiên Giang - Bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế vùng
Lãnh đạo OCB thẳng thắn nhìn nhận “ngã ở đâu đứng lên ở đó”, chia sẻ chiến lược chuyển mình của ngân hàng
Chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất hiện rất thuận lợi: Cơ hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh
Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu
Xem thêm