Cả nước có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo
Trong số 152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương xác nhận, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhất cả nước với 35 doanh nghiệp. Tiếp theo là Cần Thơ với 33 doanh nghiệp...

Chiều 28/4, Cục Xuất nhập khẩu đã công bố danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến ngày 28/4/2025. Theo đó, cả nước có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhất cả nước với 35 doanh nghiệp. Tiếp theo là Cần Thơ với 33 doanh nghiệp, Long An có 20 doanh nghiệp, Đồng Tháp, An Giang và Hà Nội hiện có lần lượt 14, 13 và 11 doanh nghiệp.
Một số địa phương chỉ có 1 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo là Bạc Liêu, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Nghệ An, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế.
Trước đó, theo danh sách Bộ Công Thương công bố, tính đến ngày 6/2/2025, cả nước có 158 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Số liệu của Cục Hải quan cho thấy, 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,31 triệu tấn, mang về 1,21 tỷ USD, tăng 5,82% về lượng, nhưng giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu trung bình khoảng 522 USD/tấn, giảm đến 20,18%.
Nguồn cung lúa gạo tại châu Á dồi dào hơn 2 năm trước. Đặc biệt, Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại sau một thời gian hạn chế là nguyên nhân khiến giá không còn giữ được mức cao. Chưa kể, Ấn Độ có lượng gạo dự trữ cao kỷ lục, khiến nguồn cung trên thị trường quốc tế gia tăng, tạo áp lực cạnh tranh cho các nước xuất khẩu khác.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024. Sản lượng gạo xuất khẩu có thể giảm, nhưng nếu tăng được lượng gạo ST24, ST25, gạo thơm chất lượng cao, trị giá xuất khẩu gạo vẫn tăng.
Theo các chuyên gia, để xuất khẩu gạo bền vững, giúp gạo Việt giữ được giá và chinh phục được nhà nhập khẩu khó tính, cần không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, tăng sản xuất gạo thơm, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, kiểm soát chặt vấn đề dư lượng hóa chất./.
Đầu năm 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu gạo khởi sắc hơn.
Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu gạo như sau:
Thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận), có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thương nhân là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận và thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định này; các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và cam kết của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ngoài các nội dung trên, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP bổ sung thêm quy định: Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ được ủy thác xuất khẩu hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP: Định kỳ vào Thứ 5 hàng tuần thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.
Thay vì phải báo cáo hàng tuần, quy định trên được Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi như sau: Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.