Giải pháp ứng phó cân đối cung cầu hướng tới phát triển bền vững ngành lúa gạo
Đồng bằng sông Cửu Long có những vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn, có sự liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị sản xuất lúa theo hướng bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường, không làm tăng phát thải nhà kính.
Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” do Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp với Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) và Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ tổ chức tại Cần Thơ cuối tuần qua tại TP. Cần Thơ đã thu hút hơn 400 khách mời tham dự.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thẳng thắn nêu lên thực trạng và đưa ra các giải pháp cho sự phát triển bền vững ngành lúa gạo trong giai đoạn mới.
Dưới đây, chúng tôi xin đăng tải phần tham luận của Trung tướng Lưu Phước Lượng, Nguyên Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ đề “Giải pháp ứng phó cân đối cung cầu hướng tới phát triển bền vững ngành lúa gạo”:
Gạo cao cấp của Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác
Hiện nay trên thị trường xuất khẩu có 3 loại: Gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong đó Việt Nam phần lớn xuất khẩu gạo chất lượng cao chiếm 60%-70% trên tổng sản lượng xuất đi. Và khoảng 15% gạo cao cấp có tên thương hiệu, chỉ có khoảng 10-15% gạo cấp thấp/tổng sản lượng.
Việc Ấn Độ đã bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm, cân đối cung - cầu thị trường lúa gạo trên thế giới đối mặt với nhiều biến động. Nhưng phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác.
Thế nhưng theo thống kê Việt Nam ngay từ đầu năm 2025, khi ước kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 1,1 triệu tấn (tăng 5,9%), giá trị đạt 613 triệu USD (giảm 13%). Nguyên nhân là do có hiện tượng ép giá trên giới mỗi khi chúng ta bước vào mùa vụ.
Chính điều này cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Câu hỏi đặt ra giải pháp nào ứng phó cân đối cung cầu ngành lúa gạo để phát triển bền vững - hướng tới nâng cao thu nhập cho bà con nông dân? Đâu là nút thắt chính của ngành lúa gạo?
Quy mô nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại diễn ra chậm
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu quy mô nông hộ; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chậm đổi mới theo cơ chế thị trường; những vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách về đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chậm được giải quyết triệt để; nguồn lực đầu tư cho sản xuất lúa gạo, công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn chưa kịp thời, sự phối hợp trong chỉ đạo thực hiện thiếu hiệu quả.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hiện đại; việc ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Hạ tầng thương mại lúa gạo, logistics còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ.
Việc tổ chức sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại diễn ra chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy lớn, tập trung. Kinh tế tập thể chậm phát triển là yếu tố làm ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Nguồn nhân lực trong sản xuất lúa gạo tuy nhiều, nhưng chất lượng còn thấp, chủ yếu là lao động lớn tuổi; lao động trẻ, có tay nghề chiếm tỷ lệ thấp. Các chính sách chưa đủ mạnh để thu hút, phát triển các thành phần kinh tế tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo...
Tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững, phát triển doanh nghiệp đầu tàu
Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và từng địa phương phải đồng bộ, quyết tâm giữ đất trồng lúa và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong đó, sử dụng linh hoạt quỹ đất trồng lúa, giữ ổn định khoảng từ 3,3 - 3,6 triệu ha đất trồng lúa để phục vụ tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Khẩn trương nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững, liên kết nông hộ, liên kết vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn gắn với phương thức quản lý mới; ưu tiên hình thành phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất theo quy trình an toàn, theo tiêu chuẩn nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Có chính sách khuyến khích đầu tư trên lĩnh vực lúa - gạo, theo hướng khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai cho đất sản xuất lúa quy mô lớn; ưu tiên phát triển cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao vào canh tác. Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ở vùng chuyên canh lúa chất lượng cao thông qua hỗ trợ về đào tạo, hỗ trợ về chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, kho trữ, máy sấy, mua sắm thiết bị làm đất; hỗ trợ, xúc tiến liên kết với doanh nghiệp làm dịch vụ xuất - nhập khẩu lúa gạo. Quan tâm xây dựng, phát triển doanh nghiệp chủ lực, đầu tàu có tính dẫn dắt trong vùng chuyên canh để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhằm góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và tăng thu nhập cho người dân và xã viên. Phát triển vùng sản xuất lúa gạo cần dựa trên quy mô lớn, chất lượng cao; cần đồng bộ và thường xuyên duy trì chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã lĩnh vực lúa gạo phát triển. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, cần quan tâm phát triển mô hình “Mỗi địa phương một sản phẩm - OCOP”, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… để mở ra thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm.
Ưu tiên phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận thị trường, cung - cầu lúa gạo. Tổ chức tốt việc mua, bán, dự trữ lúa gạo; phát triển chuỗi các nhà máy chế biến và khâu bảo quản để tăng giá trị sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch tại các địa phương có diện tích lớn đất sản xuất lúa.
Có Chiến lược dự trữ quốc gia về lúa gạo đến năm 2030 và những năm tiếp theo, duy trì mức dự trữ hợp lý, đủ để phục vụ tiêu thụ trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất cấp hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu cấp bách.
Có phương án điều hành sản xuất và xuất khẩu phù hợp, linh hoạt, nhất là hạn chế thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm lúa - gạo gắn với các giải pháp canh tác hữu cơ hoặc sử dụng phân bón vi sinh, giảm thiểu tác hại với môi trường nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị xuất khẩu và tiêu thụ nội địa an toàn.
Tóm lại, để có những vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn, cần giải quyết triệt để vấn đề tích tụ ruộng đất, với những hình thức phù hợp từ thực tiễn. Trong đó, đặc biệt chú trọng những doanh nghiệp đầu tàu làm hạt nhân. Chỉ đạo quyết liệt để kinh tế hợp tác phát triển ổn định. Đây là hai nút thắt cần được tháo gỡ. Chú trọng xử lý vấn đề môi trường; không làm tăng phát thải nhà kính; coi trọng sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông để tạo ra một hệ sinh thái canh tác lúa bền vững, có hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới.