|
Hà Nội --°C / --%
Thứ hai, 07/04/2025 11:04

Tăng thu nhập cho người nông dân bằng các sản phẩm gạo giá trị cao

Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, nếu Việt Nam tạo ra loại gạo cao cấp dành cho những người có thu nhập cao, những sản phẩm giá rẻ phục vụ cho người thu nhập thấp thì thu nhập của người trồng lúa chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều.

ong-do-ha-nam-chu-tich-vfa.jpg

Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch VFA báo cáo tại Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”

Vấn đề này được ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch VFA nêu tại Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” do VFA, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức ngày 4/4 vừa qua.

Các doanh nghiệp làm thế nào giữ được giá gạo xuất khẩu?

Báo cáo tại hội thảo, ông Nam cho biết, giá lúa từ 8.000 đồng/kg, xuống 7.000 đồng/kg rồi xuống 6.000 đồng/kg và có khả năng xuống 5.000 đồng/kg, nhưng chỉ cần một loạt động thái của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công thương, trong vòng 2 tuần và cho đến ngày hôm nay giá lúa đã tăng lên và giá gạo xuất khẩu cũng đã lên trên 500 USD/tấn mà không có ai bán, thậm chí mấy ngày nay các kho gạo mở cửa nhưng vẫn không mua được gạo.

“Như vậy rõ ràng gạo của Việt Nam đã có chỗ đứng về thị trường, nhưng vấn đề là các doanh nghiệp làm thế nào để giữ được giá gạo trong nước?”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho biết thêm, có nhiều ý kiến cho rằng Ấn Độ mở cửa trở lại thì gạo Việt Nam đương nhiên xuống giá, nhưng điều này không đúng. Nên nhớ, năm ngoái Việt Nam bán gạo nếp chỉ 480 USD/tấn vẫn không có người mua, còn năm nay giá 580 USD/tấn không có hàng để bán. Gạo ST đang có giá 780 - 790 USD/tấn nhưng không có đủ hàng bán sang Trung Quốc, do tiêu dùng trong nước rất lớn, còn lượng xuất sang Trung Quốc không đáng kể, và Trung Quốc đang rất cần mua loại gạo này của Việt Nam.

Như vậy, lãnh đạo VFA nhận định, giá gạo thế giới không thể xuống thậm chí tăng lên nếu có cơ hội tốt. Đặc biệt, Việt Nam có hai giống lúa OM18 và DT8 mà các nước xuất khẩu khác không có. Ở Philippines, người tiêu dùng chỉ thích ăn 2 loại gạo này, và khi người tiêu dùng đã thích rồi thì họ sẽ mua.

Ông Nam nêu, hai tuần qua, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, giá gạo tăng lên. Hiện giá gạo Việt Nam đã tăng lên mức 500 – 510 USD/tấn, nhưng các doanh nghiệp chưa bán, trong khi trước đó họ chỉ bán giá 430 USD/tấn.

Tạo ra sự khác biệt của sản phẩm

Do cách làm và cách suy nghĩ của người Việt rất là khác biệt, nên đã tạo ra giống lúa khác biệt và cách bán hàng cũng khác biệt, từ đó tạo ra cơ cấu thị trường khác biệt.

Ông Nam đề cập, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan thông tin với VFA, họ đã lấy thị trường Philippines nghiên cứu và thấy rằng Thái Lan không thể cạnh tranh với Việt Nam về thị trường này, bởi Việt Nam đã tạo ra các sản phẩm khác biệt mà Thái Lan không có. Ngoài ra, chỉ hơn 3 tháng là Việt Nam có 1 vụ lúa mới và giá gạo cũng rất cạnh tranh so với Thái Lan.

Về cơ cấu thị trường, 72% khối lượng gạo xuất khẩu ở thị trường châu Á, châu Phi 18%, châu Mỹ 4%,… hiện các doanh nghiệp có thị trường đang lên là châu Phi. Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đàm phán bán gạo vào thị trường này, và khối lượng bắt đầu tăng lên nhiều hơn, nhờ chất lượng và giá thành hợp lý so với các nước khác, cho nên nhu cầu nhập khẩu của họ ngày càng tăng lên.

“Nếu Philippines tiếp tục ép giá gạo Việt Nam hơn nữa, doanh nghiệp vẫn còn có các thị trường tiêu thụ khác và Malaysia cũng là thị trường rất là thích gạo Việt Nam”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho biết, gạo 5% tấm Ấn Độ, Pakistan và một số nước xung quanh là loại gạo khô, cứng cơm như gạo IR50504 của Việt Nam. Loại gạo này Việt Nam gần như không sản xuất nữa và toàn bộ sản lượng xuất khẩu do doanh nghiệp mua từ Campuchia về, vì quốc gia này rất cần Việt Nam tiêu thụ lúa gạo của họ, chứ không phải là thương nhân Việt Nam qua mua hết lúa của Campuchia.

“Những năm giá gạo xuất khẩu cao, có người nói Việt Nam qua vét hết lúa gạo của Campuchia, nhưng năm vừa rồi gặp lại họ cảm ơn vì nếu Việt Nam không mua thì họ không biết bán cho ai. Qua đó cho thấy, vai trò của doanh nghiệp không chỉ tiêu thụ gạo trong nước mà còn cho các nước trong khu vực”, lãnh đạo VFA nêu.

Đó là lý do tổ chức cuộc họp vừa rồi của 4 hiệp hội lương thực: Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Thái Lan. Và họ mong muốn có cơ hội họp với VFA thường xuyên để cùng nhau trao đổi, bàn giải pháp làm sao đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực Asean. Như vậy, vai trò của hiệp hội và các nhà xuất khẩu rất quan trọng, làm sao giúp sản xuất và xuất khẩu gạo được bền vững.

Về cơ bản, nông dân và các nhà khoa học Việt Nam được đánh giá thông minh và nhanh nhạy, chuyển từ sản xuất chạy theo sản lượng sang thương mại hóa nông nghiệp. Nhờ vậy, các sản phẩm của Việt Nam luôn tạo ra sự khác biệt trên thị trường và cạnh tranh rất tốt so với các nước xuất khẩu khác.

An ninh lương thực và việc tạo sản phẩm phân khúc gạo cấp cao

Theo ông Nam, vấn đề đặt ra là cần đảm bảo cơ cấu và tỷ trọng gạo xuất khẩu vào các thị trường một cách hợp lý, cố gắng giữ giá lúa ở mức 7.000 đồng/kg, giá xuất khẩu ở mức từ 500 USD/tấn trở lên. Nếu giữ ổn định ở mức giá này thu nhập của người nông dân sẽ tốt hơn, giúp họ an tâm sản xuất. Và ông Nam cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Các nhà xuất khẩu gạo được quản lý theo Nghị định 107, cho nên Bộ Nông nghiệp Môi trường, Bộ Công thương hoàn toàn có thể liên kết với họ. Mặt khác, gạo Việt đã tạo ra sự đột phá, và khi thị trường cần rồi thì đắt hay rẻ không phải là điều quan tâm nhất, cái thị trường quan tâm là có mua được hay không. Và khi chuỗi ngành hàng lúa gạo tạo sự liên kết và phối hợp được tốt rồi thì sẽ giữ được mặt bằng giá ổn định.

Đặc biệt, đối với đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp và vai trò của đề án này như thế nào, chi phí đầu tư bao nhiêu, giống lúa sử dụng trong đề án là giống lúa gì, và thị trường tiêu thụ là thị trường nào? Nếu làm được tất cả những công việc này thì sẽ thành công và tạo ra một cơ hội khác nữa cho ngành hàng lúa gạo.

“Chúng tôi có một trăn trở vì sao Nhật Bản làm rất tốt việc tiêu thụ nông sản trong nước, bản thân người nông dân Nhật có đời sống rất cao, và họ vẫn sống rất tốt bằng nghề trồng lúa. Còn người nông dân Việt Nam thì sao?”, Chủ tịch VFA nói.

Theo ông Nam, không có lý do gì mà nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long lại nghèo nhất so với những người nông dân trồng các sản phẩm nông nghiệp khác, điều này thật là vô lý. Mặc dù, để đảm bảo an ninh lương thực thì không thể để giá lúa gạo tăng quá cao, nhưng nếu Việt Nam tạo ra loại gạo cao cấp dành cho những người có thu nhập cao và có nhu cầu, còn những sản phẩm giá rẻ thì phục vụ cho người thu nhập thấp, thì thu nhập của bà con chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều.

“Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã nói với Chính phủ Philippines rằng Việt Nam không chỉ làm an ninh lương thực cho trong nước mà còn làm an ninh lương thực cho thế giới. Vậy tại sao chúng ta không tạo ra phân khúc gạo cấp cao bán vào các thị trường cao cấp phục vụ cho những người tiêu dùng chấp nhận mua giá cao?”, ông Nam nêu vấn đề.

Nguyễn Huyền  
Tăng thu nhập cho người nông dân bằng các sản phẩm gạo giá trị cao
Để ngành lúa gạo phát triển bền vững hơn
Toàn cảnh hội thảo Định vị hạt gạo Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới tại Cần Thơ
Hơn 2,39 tỷ USD vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản 3 tháng đầu năm
Chiến lược phát triển hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình
Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng trăm nền kinh tế, thị trường hàng hoá biến động mạnh
Nâng cao hiệu quả quản trị công ty hướng tới thông lệ quốc tế
Nestlé Việt Nam góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ trong kỷ nguyên mới
Khởi công 9 tuyến đường sắt trước năm 2030
UOB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2025
Nestlé MILO và hành trình 10 năm đồng hành cùng Tiền Phong Marathon
Thủ tướng: Hợp tác Việt Nam – Brazil không có giới hạn, không có cản trở
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Không lùi tiến độ hoàn thành các dự án cao tốc Bắc-Nam
Thủ tướng đề nghị Embraer hợp tác phát triển công nghiệp hàng không
Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao thị trường Việt Nam
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Skoda xây dựng hệ sinh thái công nghiệp ô tô tại Việt Nam
Thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung: Phải thực thi nhiều yêu cầu chặt chẽ về phòng chống rửa tiền
Ngày 4/4 diễn ra Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” tại Cần Thơ
Dự án “EU Good Food - Good Life”: Quảng bá các thực phẩm châu Âu đến với người tiêu dùng Việt Nam
Xem thêm