|
Hà Nội --°C / --%
Thứ ba, 29/04/2025 08:54

Chè Thái Nguyên trên hành trình trở thành nông sản chiến lược xuất khẩu tỷ đô

Với vị thế đặc biệt, chè Thái Nguyên được kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng bứt phá trong năm 2025 cả về diện tích, chất lượng và giá trị sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên còn đưa ra lộ trình mạnh mẽ, giai đoạn 2025–2030 ngành chè cán mốc 1 tỷ USD, trở thành nông sản xuất khẩu chiến lược.

che-thai-nguyen-1-1745887663.jpg
Với định hướng xây dựng chè không chỉ là cây trồng chủ lực mà còn là thương hiệu quốc gia, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn. (Ảnh minh họa)

Phấn đấu đưa ngành chè cán mốc 1 tỷ USD trong giai đoạn 2025–2030

Thái Nguyên hiện là địa phương có diện tích, sản lượng và năng suất chè hàng đầu cả nước. Chè Thái Nguyên từ lâu đã khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước với hương vị đặc trưng, hậu ngọt đậm, được ưa chuộng ở nhiều phân khúc khách hàng.

Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh đang đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng, chuẩn hóa quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP và GlobalGAP. Nhiều vùng chè được quy hoạch thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn sản xuất với chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao.

Với định hướng xây dựng chè không chỉ là cây trồng chủ lực mà còn là thương hiệu quốc gia, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn, và đặc biệt, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng. Xa hơn, tỉnh phấn đấu đưa ngành chè cán mốc 1 tỷ USD trong giai đoạn 2025–2030, đưa chè Thái Nguyên trở thành mặt hàng chiến lược trong xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Để đẩy mạnh phát triển ngành chè trên địa bàn tỉnh, Thái Nguyên đã ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều chính sách như hỗ trợ phân bón hữu cơ, sinh học; chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; cơ giới hoá, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất và thiết bị trong sơ chế chế biến chè...

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã trồng hơn 1.700 ha chè, nâng tỷ lệ diện tích chè trồng bằng giống có năng suất, chất lượng cao chiếm 82,8% tổng diện tích chè hiện có. Giống chè đang trồng tại Thái Nguyên khá đa dạng, phù hợp cho chế biến đa dạng hoá các sản phẩm trà và các sản phẩm từ chè. Nhóm giống chè có năng suất cao, hàm lượng tanin thấp hơn giống chè Trung du, hương thơm đặc trưng, phù hợp chế biến các sản phẩm đa dạng gồm: LDP1, Kim Tuyên, Hương Bắc Sơn, TRI777, TRI5.0, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, LCT1, PH1, PH12, PH14, VN15...

Hiện, tỉnh có trên 7.000 ha ứng dụng công nghệ, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bán tự động, chiếm hơn 30 % diện tích chè toàn tỉnh. Ngoài ra, hơn 5.900 ha trồng chè của tỉnh đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, trong đó, chứng nhận VietGAP 5.788 ha, hữu cơ và GAP khác đạt 132 ha, chiếm 26,6% diện tích chè toàn tỉnh. Tỉnh có 62 mã vùng trồng được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu chè...

2-chi-chang-chia-se-ve-ky-thuat-tao-ra-nhung-san-pham-che-chat-luong-1745887696.JPG
Trong chế biến chè, sản lượng chè qua chế biến tỉnh đạt trên 54.600 tấn/năm, trong đó, sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao chiếm gần 80% tổng sản lượng, sản lượng chè đen và các sản phẩm trà khác. (Ảnh TĐ)

Trong chế biến chè, sản lượng chè qua chế biến tỉnh đạt trên 54.600 tấn/năm, trong đó, sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao chiếm gần 80% tổng sản lượng, sản lượng chè đen và các sản phẩm trà khác (hồng trà, matcha, kombucha, trà lắc,...) chiếm khoảng 20% tổng sản lượng. Toàn tỉnh có 62 công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, 168 hợp tác xã, 251 làng nghề truyền thống, trên 91.000 hộ làm chè.

Trong thời gian qua, các cơ sở sản xuất tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá tất cả các khâu chế biến sản phẩm, thay thế thiết bị chế biến thủ công cũ, lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp như: tôn quay Inox, máy sao bằng gas, máy sao chè bằng điện tự động... Việc đóng gói, bảo quản đã có những cải tiến bằng sử dụng máy hút chân không, máy đóng gói tự động, máy ủ hương, bảo quản lạnh...

Từ năm 2019 đến nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đã tập trung phát triển sản phẩm OCOP từ cây chè và đã có 193 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao, 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh chè được cấp xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn..

Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã chính thức được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài là bước đi quan trọng giúp chè Thái Nguyên nâng cao giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời khẳng định vị thế và uy tín thương hiệu trên trường quốc tế.

Giá trị cây chè trong hành trình khám phá du lịch, văn hóa

Thái Nguyên đang nỗ lực hết mình để chè không chỉ là mặt hàng xuất khẩu nổi bật mà còn là một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá du lịch, văn hóa và ẩm thực Việt Nam.

Một trong những chiến lược đột phá của Thái Nguyên là việc kết hợp chè với du lịch và văn hóa ẩm thực. Đây là hướng đi không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn tạo dựng thương hiệu chè Thái Nguyên mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền. Theo đó, tỉnh đã bắt đầu xây dựng các tour du lịch chuyên đề về chè, trong đó du khách sẽ được tham quan các vùng nguyên liệu chè nổi tiếng, trực tiếp tham gia vào quá trình thu hoạch chè, thưởng thức những loại chè ngon nhất và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa đặc trưng của vùng trà.

Ngoài việc xây dựng các tour du lịch chè, Thái Nguyên còn tập trung vào việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, gắn kết văn hóa trà với các danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, Đền Đuổm, hoặc ATK Định Hóa. Một điểm đặc biệt là tỉnh đang nghiên cứu phát triển du lịch đường sắt, cho phép du khách vừa tham quan các vườn chè, vừa thưởng thức các món ăn và thức uống đặc trưng chế biến từ chè trong hành trình khám phá.

che-thai-nguyen-3-1745887650.jpg
Tỉnh Thái Nguyên cũng chủ trương khai thác đa giá trị giữa phát triển ngành chè gắn với văn hóa, lịch sử, du lịch, dịch vụ và môi trường. (Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn mới, tỉnh tăng cường củng cố, nâng cao thương hiệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trà, tiếp tục mở rộng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” sang các nước khác để tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm trà của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng và triển khai hiệu quả các website thương mại điện tử để thúc đẩy quảng bá, mở rộng, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm trà và các sản phẩm từ chè Thái Nguyên, nâng cao chất lượng, nâng hạng sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP của các địa phương gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trồng chè nhằm khai thác tiềm năng đất đai, lao động, vốn, kinh nghiệm sản xuất, trình độ quản lý,… Từ đó, tạo ra sản phẩm chất lượng, số lượng lớn góp phần tạo đà cho xuất khẩu trà, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

Tỉnh Thái Nguyên cũng chủ trương khai thác đa giá trị giữa phát triển ngành chè gắn với văn hóa, lịch sử, du lịch, dịch vụ và môi trường, rà soát những vùng chè trong tỉnh có điều kiện sản xuất gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch và dịch vụ; tiếp tục phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với vùng chè góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu trà Thái Nguyên, nâng tầm giá trị của tài nguyên du lịch vùng chè Thái Nguyên, triển khai ứng dụng các nền tảng số để quảng bá, xúc tiến du lịch, dịch vụ vùng chè Thái Nguyên./.

Trong kế hoạch phát triển ngành chè giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu phát triển ngành chè gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đẩy mạnh sản xuất an toàn, hữu cơ gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Từ đó, tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, phấn đấu tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè đến năm 2030 đạt 25 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như nâng diện tích chè toàn tỉnh 24.500 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 300.000 tấn; 70% diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; 70% diện tích chè được cấp mã số vùng trồng; 100% số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè đảm bảo quy định an toàn thực phẩm; có 250 sản phẩm trà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao...

Bình Châu  
Cà Mau đẩy mạnh phát triển, hướng tới trung tâm kinh tế biển quốc gia
Giá cà phê giảm nhiệt: Tác động từ tồn kho tăng và áp lực thị trường
Nông dân Hà Tĩnh dùng máy bay không người lái chăm sóc cây trồng
Giá ca cao tăng kỷ lục: Nông dân mừng - doanh nghiệp lo
Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn ở Đắk Nông
Cơ hội và thách thức với ngành nông nghiệp Việt Nam để thu hút FDI
Thanh Hóa: Bật dậy tiềm năng nông nghiệp bền vững bằng chuyển đổi số
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với hạn hán
Sản phẩm OCOP “vươn tầm”, tăng độ nhận diện kinh tế nông thôn
Tuân thủ các quy định xuất khẩu để giữ vững thị trường
Việt Nam chuẩn bị 3 kịch bản tăng trưởng nông nghiệp và giải pháp ứng phó với thuế quan Mỹ
Xuất khẩu nông sản tăng tốc trong 'khoảng lặng' thuế quan, tìm giải pháp 'xoay trục' thị trường
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh, kỳ vọng sự bứt phá của sầu riêng
Một số điểm sáng chiến lược về chuyển đổi xanh trong nông nghiệp Việt Nam
Việt Nam ký thêm 4 nghị định thư về xuất khẩu nông sản với Trung Quốc
Quốc hội sẽ xem xét miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
Nông dân Đắk Lắk từng bước chuyển sang canh tác cà phê thông minh
Những nông sản chủ lực giữ phong độ thúc đẩy tăng trưởng nông sản quý I cao kỷ lục trong 4 năm qua
Doanh nghiệp cần quan tâm duy trì đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam tại Philippines
Vượt qua 'trái cây vua' xuất khẩu chuối bứt tốc tăng trưởng trong những tháng đầu năm
Xem thêm